Nga đã đưa vào sử dụng các phiên bản tên lửa Kh-31AD và Kh-31PD với tầm phóng vượt trội thế hệ tiền nhiệm (Kh-31AD có tầm phóng 120km - 160km, Kh-31PD có tầm phóng 180km - 250km). Nếu Su-30MK2 Việt Nam được trang bị những tên lửa này, khả năng tác chiến sẽ được nâng cao cực đại.
Su-30MK2 có uy lực tấn công rất mạnh với thế hệ tên lửa Kh-31
X-31A (Kh-31A) là loại tên lửa chống hạm siêu âm phóng từ trên không thế hệ thứ 2, được phát triển từ phiên bản tên lửa không đối đất X-31П (Kh-31P), đại bộ phận giống như Kh-31P. Nó có khả năng tác chiến rất mạnh trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện nhiễu điện từ rất mạnh và hỏa lực đánh chặn của kẻ địch.Tuy loại tên lửa chống hạm sử dụng động cơ phản lực xung áp (ramjet) đầu tiên của Liên Xô là thế hệ tên lửa P-270 Moskit (SS-N-22 Sunburn), được nghiên cứu chế tạo từ năm 1982 nhưng X-31A mới chính là loại tên lửa đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của tên lửa động cơ ramjet, còn gọi là động cơ tĩnh phản lực.Moskit/SS-N-22 Sunburn có trọng lượng khoảng 4 tấn, được trang bị trên chiến hạm nên khởi tốc bao giờ cũng bằng 0; còn X-31A có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều, được lắp đặt trên máy bay nên độ cao và tốc độ phóng đều có thể lựa chọn được.Để đột phá qua sự đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot, Trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất tên lửa - vệ tinh quốc gia Liên Xô Zvezda-Strela (nay là Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga KTRV) đã nghiên cứu, chế tạo thành công tên lửa chống radar X-31П vào năm 1982, năm 1988 được biên chế chính thức trong quân đội Liên Xô. Khi loại tên lửa này lần đầu tiên lộ diện tại Triển lãm hàng không quốc tế Moscow 1992 (MAKS-1992), nó đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của các chuyên gia. So với các tên lửa chống radar thế hệ trước đó, X-31П có tầm bắn xa hơn, tốc độ bay giữa hành trình cao hơn rất nhiều, khi đã xác định được mục tiêu, nó vẫn có khả năng xuyên qua làn nhiễu điện từ, tấn công cả vào những mục tiêu radar đã tắt máy.Do được lắp đặt 4 động cơ xung áp nên trong điều kiện thể tích tên lửa được thu nhỏ rất nhiều, nó vẫn đạt vận tốc rất cao trên hành trình dài. Thiết kế của X-31П cũng chính là lần đầu tiên các hệ thống động lực sử dụng động cơ ramjet được áp dụng trên một loại tên lửa chiến thuật phóng từ trên máy bay.Đặc điểm nổi bật của hệ thống động lực tên lửa là các động cơ xung áp gắn với động cơ nhiên liệu rắn của tên lửa có thiết kế buồng đốt. Sau khi động cơ nhiên liệu rắn hoàn thành nhiệm vụ đưa tên lửa đạt vận tốc Mach1,8, động cơ Ramjet dùng chính áp suất do luồng không khí ở tốc độ cao tạo ra để nén khí vào buồng đốt, điều này khiến động cơ Ramjet hoạt động hiệu quả ở các vận tốc rất lớn.
Cận cảnh tên lửa chống hạm Kh-31A lắp đặt trên Su-30
Việc sử dụng động cơ ramjet khiến cho tên lửa đạt vận tốc khoảng 800m/s, tương đương 2.880km/h (Mach2,5) trong giai đoạn cuối, gấp đôi vận tốc của HARM - loại tên lửa chống radar tiên tiến nhất của Mỹ. Tốc độ này khiến cho tên lửa có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống phòng không tiên tiến trên thế giới hiện nay.Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 2009 Việt Nam ký hợp đồng với Nga tên lửa Kh-31A trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 đảm nhiệm vai trò tác chiến trên biển. Toàn bộ tên lửa được chuyển giao trong năm 2011-2012. Tuy nhiên, không có thông tin chính thức nào từ VN xác nhận thông tin này!Tên lửa chống tàu Kh-31A nặng 610kg, dài 4,7m, đường kính thân 0,36m, lắp đầu đạn nặng 95kg. Tên lửa có tầm phóng 50km, vận tốc tối đa 1.000m/s. Có thể nói, Kh-31A là tên lửa hành trình chống tàu phóng từ trên không đạt tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay. Theo các tính toán, tàu chiến đối phương chỉ có 15-20 giây để đưa ra biện pháp đánh chặn, sau thời điểm này cơ hội sống sót gần như bằng không.
Tên lửa chống radar Kh-31P trên đường bay
Mặc dù Kh-31A chỉ được trang bị đầu đạn nặng 94kg nhưng bù lại tên lửa có độ chính xác rất cao, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa chỉ từ 5-8 mét. Tàu chiến đối phương chỉ cần trúng một phát Kh-31A gần như đã mất khả năng chiến đấu.Hiện nay, Không quân nhân dân Việt Nam cũng sở hữu một số loại tên lửa chống radar. Trong đó, hiện đại nhất là Kh-31P, trang bị trên tiêm kích đa năng Su-30MK2. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom, năm 2009 Việt Nam đã ký với Nga mua tên lửa chống radar Kh-31P cho Su-30MK2. Tên lửa chống radar tầm trung, tốc độ cao Kh-31P được dùng để tiêu diệt mọi hệ thống radar của tên lửa phòng không tầm trung - xa (hoặc radar dẫn bắn pháo phòng không) đặt trên mặt đất hoặc trên chiến hạm. Kh-31P sử dụng hệ dẫn quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối. Nguyên lý chung của loại vũ khí này là bám theo cánh sóng radar để đánh vào đài anten máy phát.
Máy bay Su-30 của Nga phóng tên lửa Kh-31
Đạn tên lửa chống radar tốc độ siêu âm Kh-31P dài 4,7 m, đường kính thân 360mm, nặng 600 kg. Nó có khả năng tấn công mục tiêu ở tầm bắn tối đa 110 km với vận tốc 1.000m/s. Với đầu đạn nặng 87 kg, nó đủ sức phá hủy hoặc nếu không cũng gây hư hại nặng, làm ngừng hoạt động mọi đài radar đối phương. Với tốc độ cực cao, kích thước nhỏ, Kh-31P là “bài toán khó” đối với hệ thống đánh chặn đối phương.Trong chiến đấu, Su-30MK2 sẽ mang Kh-31P phá hủy trạm radar trên bộ (hoặc tàu chiến), qua đó “làm mù” hệ thống phòng không đối phương. Dù radar địch có phát hiện được sự có mặt của Kh-31P, tắt máy cũng không thoát được khi nó đã tự động xác định mục tiêu tấn công theo chỉ lệnh của đầu tự dẫn. Tiếp đó, các máy bay khác sẽ ung dung vượt qua lưới phòng không tầm xa, áp sát tiêu diệt mục tiêu bằng vũ khí thông thường hoặc vũ khí chính xác cao. Hiện nay, Nga đã đưa vào sử dụng các phiên bản nâng cấp của 2 loại tên lửa này là Kh-31AD và Kh-31PD với tầm phóng vượt trội. Tên lửa chống hạm Kh-31AD có tầm phóng 120km - 160km, trọng lượng đạn 715kg, đầu đạn nặng 110kg. Còn tên lửa Kh-31PD có tầm phóng 180km - 250km, trọng lượng đạn 715kg, đầu đạn nặng 110kg. Nếu như Su-30MK2 Việt Nam được trang bị những loại tên lửa này thì khả năng tác chiến sẽ được nâng cao cực đại.
Nguyễn Ngọc (Tổng hợp) - An Ninh Thủ Đô
Comments[ 0 ]
Post a Comment