TẠI SAO NGA TRỞ LẠI VIỆT NAM ?
Tuesday, December 17, 2013
Gần đây Nga đang gặp vấn đề với việc xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, do đó Moscow đang cần phải tập trung hơn vào châu Á. Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hydrocarbon, và trong khi Tây Âu đang cố gắng để giảm sự phụ thuộc vào Nga, và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, thì các thị trường châu Á lại đang rơi vào giai đoạn khát năng lượng.
Theo truyền thống, Nga vẫn sẽ tập trung vào các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng Moskva không chỉ có mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, mà Moskva còn giữ được tầm quan trọng chiến lược của mình (mặc dù không phải là tuyệt đối) tại đây, Nga sẽ tìm cách mở rộng ảnh hưởng và xuất khẩu năng lượng sang phía đông. Đáng chú ý là gần đây Moskva đã ký kết một loạt các thỏa thuận với Hà Nội trong vấn đề hợp tác về năng lượng và an ninh quốc phòng, đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường mối quan hệ song phương và mở thị trường mới cho các nguồn năng lượng của Nga và tạo một đối trọng với các động thái của Trung Quốc ở Trung Á. Sự tiến bộ của Nga tại châu Á qua Việt Nam được thực hiện từng bước, và song hành với các động thái của Moskva tại các nước khác.
Tổng quan
Hơn 70% lãnh thổ của Nga nằm ở châu Á. Các khu vực như Siberia và Viễn Đông của Nga là những khu vực có mật độ dân cư thưa thớt nhưng lại có một trữ lượng lớn tài nguyên khoáng sản và dầu khí. Nga có biên giới chung với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ và Kazakhstan, có đường bờ biển với Thái Bình Dương dài 4.500 km. Lợi ích của Nga ở châu Á cũng có ở phía Nam, trong các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Nga vẫn giữ được ảnh hưởng của mình tại các nước này, và dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin cả khi làm Tổng thống và Thủ tướng, ông đã thực hiện các nỗ lực tuyệt vời để củng cố khu vực sườn phía đông nam của mình. Tuy nhiên, vai trò vị trí ảnh hưởng của Nga tại Trung Á đang bị Trung Quốc thách thức, chỉ với những lý do khá là tự nhiên và lại có xu hướng lan rộng về phía Tây.
Trung Á không phải là khu vực duy nhất mà các lợi ích của Nga và Trung Quốc có sự cạnh tranh. Trong quan hệ giữa hai gã khổng lồ châu Á này vốn đã có những căng thẳng từ trong lịch sử và đến nay vẫn còn, và tưởng như các cuộc chiến vì tranh chấp biên giới Trung-Xô đã nguội nhưng nay lại có những sự âm ỷ trở lại. Nga và Trung Quốc đã phân định biên giới vào năm 1991, nhưng cả hai nước vẫn tiếp tục có các tranh chấp với các nước khác. Nga cũng đã có các cuộc xung đột với Nhật Bản trong quá khứ. Nhật Bản đã là đối thủ lâu đời của Nga tại Tây Thái Bình Dương khi Nhật Bản đánh bại Nga Hoàng trong cuộc chiến năm 1905. Trong những năm cuối cùng của thời đại Liên Xô, lãnh đạo Mikhail Gorbachev cũng đã bắt đầu chỉ đạo điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ hướng vào châu Á nhằm đối trọng với một Nhật Bản đang lên. Putin cũng đã và đang thực hiện xây dựng các liên kết với châu Á, và động thái này lại trùng hợp với việc Hoa Kỳ tăng cường các lợi ích của họ trong khu vực. Trong năm 2012, tại Vladivostok, gần biên giới với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Nga đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Động thái này của Nga ở châu Á lại bị cản trở bởi các lợi ích quan trọng hơn và mang tính thực tiễn và cấp bách hơn trong khu vực ngoại vi của Nga ở châu Âu, nhưng Moskva trong những năm gần đây lại ngày càng có xu hướng hướng về phía Đông.
Một số điểm lưu ý là Nga muốn tìm kiếm một thị trường xuất khẩu mới cho nguồn hydrocacbon của Nga. Xuất khẩu năng lượng đóng môt vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nga, đặc biệt là dầu thô và khí đốt tự nhiên xuất khẩu bằng đường ống dẫn ở phía Tây. Tuy nhiên, Tây Âu đang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của họ, và đang lựa chọn các nguồn cung cấp mới, và họ đang tìm cách làm giảm sự phụ thuộc mặt hành xuất khẩu này của Nga. Thực trạng này làm cho Nga phải suy tính về việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Và Moskva đang cố gắng chuyển hướng xuất khẩu năng lượng của họ sang hướng Đông, và bắt đầu bằng dầu và sau đó đến khí.
Và quan trọng nhất là vì sự phát triển của khu vực Viễn Đông và các nền kinh tế phát triển ở khu vực Đông Bắc Á, Nga đang thúc đẩy sự tập trung vào châu Á từ Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như việc đạt được các thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng các thị trường Đông Bắc Á này chỉ là một phần tiềm năng mà Moskva đang hướng vào, khu vực phía Nam của châu Á cũng ngày càng xuất hiện nhiều thị trường này.
Mối quan hệ lịch sử giữa Nga và Việt Nam
Việt Nam là một điểm trọng tâm trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng dọc theo tuyến đường biển hết sức quan trọng nối liền từ eo biển Malacca với các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Bắc liên kết với một nền kinh tế nhỏ nhưng năng động ở khu vực phía Đông Nam châu Á. Từ đất nước này các tàu có thể kết nối trực tiếp với các cảng Viễn Đông Nga.
Việt Nam từ lâu đã là đối tác thân cận nhất của Nga ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong những thời điểm mà hai nước cần tạo một đối trọng đối với Trung Quốc. Việt Nam từ lâu đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, và Trung Quốc đã tìm mọi cách biến Việt Nam thành một quốc gia vệ tinh của họ ở bờ biển phía Nam, khi đó rất nhiều vấn đề hóc búa của Trung Quốc sẽ được giải quyết. Nhưng đó cũng là nguyên nhân lợi ích của Nga tại Việt Nam.
Quan hệ giữa Nga-Việt Nam có nguồn gốc bắt đầu từ năm những năm 1950, khi Moskva công nhận chính phủ Việt Minh. Người lập ra nước Việt Nam hiện đại ngày nay, lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã làm việc cho Quốc tế Cộng sản ở Nga từ năm 1923 trước khi tới Trung Quốc để chỉ đạo cách mạng. Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp và trí thức Việt Nam hiện nay đã từng được đào tạo ở Nga. Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 khi Liên Xô tiến hành các khảo sát địa chất ở Bắc Việt Nam. Tới năm 1981, liên doanh dầu khí giữa Liên Xô và Việt Nam được thành lập, và Vietsovpetro đã trở thành công ty dầu đầu tiên ở Việt Nam. Việc khai thác chính thức đã được bắt đầu vào năm 1987.
Viện trợ quân sự từ Nga đến Việt Nam cũng đã có một lịch sử khá lâu dài. Liên Xô đã trở thành ân nhân chính của Việt Nam vào năm 1965, khi mối quan hệ của họ càng trở nên tồi tệ hơn với Bắc Kinh, và cuối cùng vào năm 1968, Trung Quốc đã hoàn toàn ngừng viện trợ cho Việt Nam. Năm 1979, Việt Nam đã đồng ý để Liên Xô đóng quân tại cảng Cam Ranh nhằm ứng phó với cuộc xâm lược của Trung Quốc và hỗ trợ cho cuộc chiến tại Campuchia.
Mối quan tâm mới của Moscow
Năm 2001, lần đầu tiên Tổng thống Putin đến Việt Nam, hai bết đã kết thúc các mối quan hệ Nga-Việt thời hậu Xô Viết. Trong chuyến thăm này, Việt Nam đã thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với Nga, và chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam vào năm 2006 đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam. Vào năm 2012, hai nước đã đưa mối quan hệ lên mức độ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Nga và Việt Nam dự định thành lập một Liên minh Hải quan. 12 tháng 11 năm 2013, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Hà Nội, ông đã ký 27 hiệp định song phương về hợp tác năng lượng và quốc phòng.
Những động thái gần đây của Moscow không chỉ giúp Moskva trong việc mở ra một thị trường mới cho xuất khẩu năng lượng của Nga đến Đông Nam Á, mà còn cùng với Việt Nam tạo nên một đối trọng với việcTrung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng ở khu vực phía nam của Nga. Đó là lý do tại sao mà các thỏa thuận chính giữa Moskva và Hà Nội trong vài năm qua lại tập trung chính vào các lĩnh vực như năng lượng và quốc phòng. Trong năm 2009, Nga đã đồng ý bán cho Việt Nam sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo (Đề án 636 "Varshavyanka"). Hai trong số những tàu ngầm trên đã được dự kiến là sẽ chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2012, và bốn đến năm 2016. Năm 2011, Nga đã xuất khẩu sang Việt Nam hai tàu tuần tra lớp "Gepard - 3.9", và vào tháng Chín năm nay tại Hà Nội hai bên đã ký tiếp hai chiếc tàu loại này. Trong chuyến thăm tháng 11 năm 2013, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Nga sẽ bắt đầu hợp tác cùng Việt Nam sản xuất các trang thiết bị quân sự tại Việt Nam, trong chuyến thăm này hai bên cũng đã ký một số thỏa thuận về hợp tác đào tạo và cung cấp vũ khí.
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang trên đà tăng cao nhanh chóng. Từ năm 2000, GDP bình quân của quốc gia này tăng lên hàng năm trung bình 6,95%, trong khi tiêu thụ dầu đã tăng từ 176 nghìn thùng mỗi ngày trong năm 2000 lên 388.000 vào năm 2012. Dự kiến tốc độ tăng trưởng đến năm 2020 sẽ vượt quá 6% mỗi năm. Tiêu thụ khí đốt cũng tăng nhanh hơn so với GDP. Đến năm 2015, tiêu thụ khí đốt là hơn 3 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2020 sẽ là 6 tỷ mét khối, và năm 2025 ước khoảng 15 tỷ mét khối.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin và người tiền nhiệm của ông có rất nhiều các cuộc họp giữa hai bên các công ty Nga - Việt Nam và đã ký kết các hợp đồng về thăm dò khai thác khí đốt hóa lỏng, dầu mỏ ... Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga "Gazprom" đã mua lại 49% cổ phần nhà máy lọc dầu duy nhất Việt Nam "Dung Quất" và ký hợp đồng để tăng công suất lọc dầu lên 200 nghìn thùng mỗi ngày vào năm 2015. Thậm chí điểm quan trọng hơn là Gazprom phải có nghĩa vụ cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu này thông qua các đường ống dẫn ESPO của Nga. Nguồn cung cấp dầu thô từ các lô sẽ đạt khoảng 60.000 thùng mỗi ngày, và vào năm 2018 dự kiến đạt 120.000 thùng mỗi ngày. Trước đó, toàn bộ dầu nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Đông.
Công ty dầu khí quốc gia Nga "Rosneft" cũng đã trở thành một đối tác chiến lược trong việc xây dựng một nhà máy lọc dầu khổng lồ tại Khu kinh tế Nhơn Hội, dự kiến nhà máy sẽ sản xuất khoảng 600.000 thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, dự án được được thực hiện khá chậm, và hơn nữa đang đặt ra về lợi nhuận. Rosneft cũng có kế hoạch mua cổ phần trong một số lô dầu khí trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Công ty hóa quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giành được quyền thăm dò dầu khí tại Biển Pechora ở Siberia...
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng và nhu cầu năng lượng của Việt Nam có thể không chỉ giúp Nga có thể mở rộng thị trường xuất khẩu của mình tại đây, mà còn có thể mở rộng sang các nước châu Á khác. Cần lưu ý rằng khi nắm được những cơ hội mới ở Đông Nam Á, Nga sẽ có thể sử dụng một loạt các tùy chọn khác nhau khi tham gia giao dịch với các khách hàng ở vùng Đông Bắc Á. Hiện nay chưa có thị trường nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, nhưng một số quốc gia châu Á khác (bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á) có thể là một sự thay thế tương đương.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Putin
duyệt đội danh dự tại Hà Nội ngày 12 tháng 11 (Ảnh Thanh Niên)
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam không phải là tất cả. Sự hỗ trợ của Nga đối với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng là nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực quốc gia để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và để bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng. Nga viện trợ quân sự cho Việt Nam đi kèm với một số công nghệ cho lực lượng hải quân Việt Nam và hỗ trợ họ trong lĩnh vực năng lượng để họ thằm dò khai thác trên vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Tại bồn trũng Nam Côn Sơn vào tháng Chín năm 2012, Tập đoàn China National Petroleum của Trung Quốc cố gắng rao bán các lô dầu khí tại đây, nhưng Gazprom đã hỗ trợ Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với khu vực này khi hai bên bắt đầu thăm dò và khoan thử. Những tranh chấp này mang lại cho Moskva một cơ hội để Nga có thể sử dụng mối quan hệ với Việt Nam như một đòn bẩy thương lượng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc tại khu vực ngoại vi của Nga ở Trung Á.
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
hay....
ReplyDelete