Cùng nỗ lực vì sự phát triển khoa học công nghệ quân sự
Tuesday, December 24, 2013
Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp hoạt động KH-CN theo 3 mục tiêu đã được ký kết trên cơ sở đánh giá kết quả và kinh nghiệm 10 năm (2003-2013) thực hiện. Để nâng cao hiệu quả phối hợp, Chương trình đòi hỏi sự đổi mới toàn diện về cơ chế và chính sách thu hút nguồn nhân lực cho KH-CN.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ KH-CN tham quan các sản phẩm KH-CN cao do quân đội nghiên cứu, triển khai ứng dụng.
Định hướng đúng, nghiên cứu toàn diện
Nhằm triển khai các chương trình, đề án lớn, tạo ra những sản phẩm KH-CN mới, mang tính đột phá, hai Bộ Quốc phòng và Bộ KH-CN đã thống nhất chương trình phối hợp hoạt động KH-CN. Chương trình triển khai với 3 mục tiêu chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN phục vụ cho nghiên cứu đối với một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, có trình độ cao nhằm nâng cao trình độ KH-CN của Quân đội ta lên ngang tầm các nước trong khu vực. Hai Bộ hợp tác xây dựng các chương trình, mục tiêu, các đề án KH-CN, huy động các nguồn lực vào tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH-CN đã đề ra. Các chương trình hợp tác mở ra khả năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ bảo quản, niêm cất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và sản xuất quốc phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tuân, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự-Bộ Quốc phòng khẳng định: Việc tổ chức thực hiện 3 mục tiêu của Chương trình phối hợp hoạt động KH-CN đã đạt được nhiều kết quả tốt. Hằng năm, lãnh đạo hai Bộ tổ chức làm việc, đánh giá kết quả hợp tác và chỉ đạo các nhiệm vụ, nội dung tiếp theo. Trong tổ chức thực hiện đã quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác KH-CN. Các nội dung công tác KH-CN, nhất là hoạt động nghiên cứu được triển khai thực hiện nghiêm túc, kết quả nghiên cứu của các đề tài được chuyển giao cho đơn vị sử dụng có hiệu quả, đã có một số sản phẩm có tính đột phá trong ứng dụng công nghệ cao, như ra-đa, khí tài thông tin liên lạc, hệ thống tự động điều khiển cho pháo phòng không, thiết bị mô phỏng, vật liệu ngụy trang...
Theo Thiếu tướng Đoàn Nhật Tiến, Giám đốc Viện KH-CN quân sự-Bộ Quốc phòng, việc triển khai chương trình phối hợp giữa hai Bộ đã tạo cho Viện có những điều kiện tham gia chương trình KH-CN trọng điểm, khả thi và tạo được nhiều sản phẩm KH-CN có giá trị phục vụ quân sự, quốc phòng. Bên cạnh đó, Viện triển khai nhiều đề tài phục vụ quốc phòng và phục vụ kinh tế, xã hội. Từ khi triển khai chương trình phối hợp giữa hai Bộ, Viện KH-CN quân sự là một trong những đơn vị nòng cốt được giao tham gia thực hiện những chương trình lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Tại hội thảo về thực trạng, định hướng công tác bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT công nghệ cao tổ chức gần đây, Bộ Quốc phòng đánh giá cao tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu KH-CN ứng dụng để khai thác, làm chủ VKTBKT tiên tiến, hiện đại mới đưa vào trang bị cho Quân đội ta.
Hoạt động phối hợp về KH-CN giữa hai Bộ đạt được toàn diện trên các lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự. Các chương trình, đề tài trọng tâm, trọng điểm về khoa học xã hội-nhân văn quân sự đã làm rõ chiến tranh kiểu mới, nghiên cứu dự báo đối tượng tác chiến, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm cơ sở khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chủ trương, chính sách về quốc phòng-an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ trong điều kiện mới. Các chương trình, đề án KH-CN lớn như nghiên cứu phòng tránh, đánh trả vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao; thiết kế, chế tạo các loại vũ khí hiện đại; nghiên cứu nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và nghiên cứu kỹ thuật, an toàn hạt nhân bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho quân đội... đang được triển khai tích cực, đúng hướng, bám sát yêu cầu thực tế công tác quân sự, quốc phòng.
Triển khai chương trình phối hợp giữa hai Bộ, việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mũi nhọn, gồm: Công nghệ thông tin, tự động hóa, vật liệu và công nghệ sinh học được thực hiện toàn diện hơn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc hợp tác giữa Bộ Quốc phòng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, các Sở KH-CN tỉnh, thành phố để khai thác tiềm lực KH-CN đang trở thành nền nếp, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai Bộ còn thể hiện ở việc đổi mới cơ bản trong cơ chế quản lý KH-CN, tăng cường tiềm lực cho các đơn vị trong quân đội. Hai Bộ đã quan tâm xây dựng các chương trình mục tiêu và đề án kỹ thuật, kinh tế; đẩy mạnh trao đổi thông tin về KH-CN, tạo nên hiệu quả đa dạng trong công tác nghiên cứu KH-CN của quân đội.
Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả nghiên cứu
Mặc dù đạt được kết quả, song theo đồng chí Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Bộ KH-CN, vẫn còn những hạn chế tồn tại. Đó là việc chậm triển khai các chương trình, đề án với sản phẩm, mục tiêu có quy mô lớn, hiện đại theo mục tiêu đề ra. Đối với các nhiệm vụ KH-CN cấp nhà nước còn thiếu sự gắn kết và tính kế thừa. Ví dụ như các nhiệm vụ về vũ khí, ra-đa, sản phẩm tạo ra cơ bản chỉ là các cụm chi tiết thay thế, chưa tạo ra sản phẩm đồng bộ, thay thế sản phẩm quốc phòng nhập ngoại, đáp ứng yêu cầu của quân đội. Một số nhiệm vụ cấp Bộ hằng năm còn dàn trải nên khó tạo ra được đột phá trong nghiên cứu, chưa có sự liên kết tham gia của các nhà khoa học bên ngoài quân đội.
Một trong các nguyên nhân của những hạn chế trên là trong tổ chức triển khai nghiên cứu KH-CN gặp nhiều khó khăn về tài liệu, công nghệ, kinh phí; chưa đào tạo được các công trình sư, tổng công trình sư, nhóm nghiên cứu mạnh; chưa có chính sách sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh đối với các nhà khoa học phù hợp và thỏa đáng.
Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tuân cho biết: Để thực hiện tốt các mục tiêu Chương trình phối hợp giữa hai Bộ, cần phải quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về công tác KH-CN, đó là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Phải đổi mới cơ chế chính sách quản lý, tổ chức hoạt động KH-CN trong quân đội đồng bộ với đổi mới cơ chế của Nhà nước, sự phát triển của xã hội, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự, quốc phòng. Bộ Quốc phòng tiến hành kiện toàn tổ chức biên chế các cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu KH-CN toàn quân; đẩy mạnh chuyển các tổ chức KH-CN trong quân đội có khả năng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nâng cao tiềm lực KH-CN trong quân đội và đẩy mạnh hợp tác về KH-CN là một trong những giải pháp trọng tâm để tạo sự phát triển KH-CN có tính bền vững, hiệu quả.
Để tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp hoạt động KH-CN, các cơ quan chức năng hai Bộ Quốc phòng và Bộ KH-CN phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện của từng nhiệm vụ, đề án cụ thể; tổ chức phối hợp giữa các bên trong việc áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bộ Quốc phòng cần tích cực tham gia vào các chương trình quốc gia về công nghệ cao, chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia... Đối với nhiệm vụ cấp Nhà nước, trước mắt hình thành một số nhiệm vụ KH-CN trọng điểm nhằm phục vụ kế hoạch phát triển CNQP với lộ trình phù hợp, theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm. Cần tăng cường hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong và ngoài quân đội, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học vào các chương trình nghiên cứu KH-CN phục vụ quân sự, quốc phòng. Nhà nước cần tập trung nghiên cứu cơ chế phát triển KH-CN, đặc biệt là cơ chế tài chính, xây dựng cơ chế đặc thù phát triển KH-CN trong lĩnh vực về quốc phòng; có cơ chế trích lập Quỹ phát triển KH-CN trong quân đội. Hai Bộ tổ chức, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin một cách đầy đủ về nội dung hoạt động KH-CN, phát huy thế mạnh của Bộ Quốc phòng trong triển khai nghiên cứu KH-CN, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao.
Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN-TUẤN NAM - Báo QĐND
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment