Nhật Bản – ASEAN: phục hưng mối quan hệ trên cơ sở mới
Friday, December 13, 2013
Vào cuối tuần này, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác, sẽ diễn ra tại Tokyo. Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương Viện Nghiên cứu phương Đông, ông Dmitry Mosyakov đưa ra nhận xét rằng, mặc dù có lịch sử không đơn giản, mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN lúc này đang trải qua thời kỳ phục hưng.
“Trong Đại chiến thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan trở thành một đồng minh của Nhật Bản, đều bị Nhật Bản chiếm đóng hoặc kiểm soát. Đó là sự thất vọng lớn lao của người dân Đông Nam Á, từng mong đợi người Nhật giải phóng họ khỏi ách thực dân Pháp, Anh và Hà Lan, nhưng thực tế họ đã đối mặt với chế độ vừa khắc nghiệt hơn, vừa kém hiệu quả. Cảm giác thất vọng và hận thù, ký ức nặng nề về thời kỳ bị chiếm đóng và hoạt động của cảnh sát mật kempeytay đã làm mối quan hệ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ảm đảm trong ba, bốn thập kỷ sau chiến tranh.”
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, các nước Đông Nam Á đã dần biến thành mặt bằng khổng lồ triển khai các cơ sở sản xuất Nhật Bản, góp phần giảm giá thành và cải thiện khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Nhật. Suốt thời gian dài, Nhật Bản là nhà tài trợ kinh tế chính của các nước Đông Nam Á. Vốn đầu tư Nhật Bản thúc đẩy sự phát triển của Malaysia, Indonesia, Thái Lan và một phần kinh tế Philippines, bất chấp các quan hệ chính trị tiếp tục khá căng thẳng.
Tình hình dần dần thay đổi trước ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Trung Quốc nhanh chóng hợp tác với các nước Đông Nam Á, vượt qua Nhật Bản về kim ngạch thương mại cũng như đầu tư trực tiếp. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN trở thành một bước đột phá. Hiệp định liên quan đã được ký kết vào năm 2001 tại Brunei và đi vào hoạt động năm 2010. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN hiện nay đạt 400 tỷ đô la và dự kiến trong những năm tới sẽ lên đến nửa ngàn tỷ đô la. Phương án Khu vực Thương mại tự do Nhật Bản-ASEAN được Tokyo đề xuất trong những năm 2000 đã kém hấp dẫn với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có mức độ phát triển thấp như Campuchia, Lào, Myanmar. Khác với Trung Quốc, Nhật Bản không sẵn sàng hợp tác trong nông nghiệp và thủy sản vì e ngại gây thiệt hại đáng kể cho các lĩnh vực này trong nền kinh tế quốc gia của mình. Khu vực Thương mại tự do Nhật Bản-ASEAN chỉ mới bắt đầu hoạt động và thua kém hiệu quả Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN.
Yếu tố cạnh tranh kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong ASEAN hiện diện ở nhiều lĩnh vực. Hầu như các đề án của Trung Quốc đều được Nhật Bản đáp lại bằng dự án của họ. Ví dụ, Trung Quốc gợi ý xây dựng đường cao tốc từ Bắc xuống Nam – khởi điểm là Côn Minh (Trung Quốc) đến đích ở Singapore. Nhật Bản lập tức đề nghị mở con đường Đông-Tây - từ Đà Nẵng (Việt Nam) đến Arakan (Myanmar). Bắc Kinh mời chào 5 tỷ đô la với các nước Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng, Tokyo phản ứng với đề xuất số tiền đầu tư phát triển tương đương cũng với những nước này. Đối với Nhật Bản, Đông Nam Á đang từ một mặt bằng sản xuất chuyển thành bàn đạp đối đầu sự ảnh hưởng Trung Quốc.
Cạnh tranh hiện hữu cả ở lĩnh vực chính trị quân sự. Trong các cuộc xung đột trên Biển Hoa Nam (Biển Đông) cũng như Biển Hoa Đông, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Nhật Bản ngày càng công khai đối đầu với Trung Quốc. Yếu tố này đem lại trọng lượng chính trị đáng kể cho Nhật Bản ở Đông Nam Á. Tầm quan trọng của khu vực đã được Nhật Bản biểu hiện qua những chuyến đi đến tất cả các nước thành viên ASEAN mà Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện trong năm đầu tiên lãnh đạo Nội các. Ông Shinzo Abe tăng cường liên lạc và nỗ lực cho thấy Nhật Bản vẫn duy trì khả năng đối đầu với sự bành chướng của Trung Quốc. Đi kèm với tấn công ngoại giao là sự tăng trưởng các khoản đầu tư Nhật Bản vào dự án cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Indonesia và Philippines, quyết định về đơn giản thủ tục thị thực cho công dân các nước Đông Nam Á nhằm thu hút khách du lịch.
Các nước ASEAN gạt bóng đen quá khứ vào quá khứ và nhìn về phía trước. Nhật Bản và ASEAN bước vào năm kỷ niệm bốn thập kỷ quan hệ đối tác như một liên minh quan trọng đối với đôi bên, một yếu tố kiềm chế sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Cùng với sự ủng hộ của Mỹ, liên kết này sẽ trở thành một thế lực đáng kể mà Trung Quốc không thể bỏ qua trong cân nhắc các kế hoạch, - chuyên gia Nga nhận xét.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment