Mỹ tăng cường quan tâm đến Biển Đông
Thursday, December 19, 2013
Ngoại trưởng John Kerry làm sống động mạnh mẽ quan điểm của Mỹ về Biển Đông.
Hơn 3 năm trước, Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton đã nổ “phát súng ngoại giao” đầu tiên đối chọi với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc tại Biển Đông bằng tuyên bố tại Hội nghị ARF-Hà Nội rằng “Mỹ có lợi ích quốc gia” trong việc duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông.
Tháng 12 này, trong chuyến thăm Việt Nam và Philippines, Ngoại trưởng Mỹ ông John Kerry đã làm sống động lại một cách mạnh mẽ quan điểm của Mỹ về Biển Đông, thể hiện trên ba nội dung cụ thể:
Thứ nhất, Mỹ phê phán việc Trung Quốc thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và cảnh báo Trung Quốc chớ có lặp lại bất kỳ hành động tương tự tại Biển Đông.
Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ quan ngại sâu sắc về những tuyên bố của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Đây là một “tính toán sai” và có thể làm leo thang căng thẳng. Mỹ “quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích và gây sức ép nhằm đạt được những mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ. Những nước có tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và bảo đảm những yêu sách của họ là phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Philippines Aquino và Ngoại trưởng Mỹ Kerry tại cuộc chiêu đãi ở Dinh tổng thống Malacanang, tối 17/12: Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Philippines để đối phó với những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo rằng “Trung Quốc không nên tiếp tục đơn phương có những hành động tương tự trong khu vực và đặc biệt là tại biển Đông”, đồng thời khẳng định "tuyên bố của Trung Quốc(về ADDIZ) không làm thay đổi cách Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự của mình trong khu vực”.
Tại Manila ngày 17/12, Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định các quan điểm về ADIZ.
Thứ hai, tại Hà Nội, ngày 16/12, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp khoản viện trợ 32,5 triệu USD hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường năng lực chấp pháp trên biển, trong đó Việt Nam nhận 18 triệu USD, bao gồm 5 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng Cảnh sát biển từ năm 2014. Đây là một khoản viện trợ mang ý nghĩa tượng trưng quan trọng, khẳng định sự quan tâm của Mỹ đối với việc hợp tác tăng cường năng lực chấp pháp của các nước ven Biển Đông, làm cho những lời nói đi kèm với hành động. Không ai chờ đợi Mỹ sẽ đổ nhiều tiền của vào công việc Biển Đông, nhưng một hành động tượng trưng như vậy có ý nghĩa cam kết mạnh hơn tiền bạc.
Thứ ba, Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định Mỹ sẽ đứng về phía các đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. “Tôi đảm bảo với Ngoại trưởng Del Rosario rằng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Philippines và cho khu vực”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi hi vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhận ra sự sáng suốt của việc đối thoại. Nếu Trung Quốc có hành động đơn phương, chúng tôi sẽ thể hiện rõ quan điểm”.
Ngoại trưởng Kerry đã mô tả Philippines là “một đồng minh hiệp ước chủ chốt” và “Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Philippines để đối phó với những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất. Đó là lý do chúng tôi đang đàm phán về một thỏa thuận khung mạnh mẽ hơn nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm việc tăng cường luân chuyển quân Mỹ ở Philippines”.
Hiện nay Washington và Manila đang ở giai đoạn cuối của việc đàm phán thỏa thuận cho phép thêm quân Mỹ, máy bay và tàu chiến luân chuyển tại các căn cứ quân sự ở Philippines.
Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng an ninh của Philippines 40 triệu USD để giúp nước này bảo vệ các vùng nước chủ quyền. Washington sẽ cung cấp số tiền này cho Manila trong ba năm tới, một phần để tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Philippines.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, sự lựa chọn nước đến thăm tại khu vực Đông Nam Á và thời gian đến thăm của Ngoại trưởng Mỹ phản ánh quá trình tăng cường chính sách của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, nói: “Sau khi Trung Quốc công bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, tình hình trong khu vực phát triển một cách phức tạp. Điều này đòi hỏi người Mỹ phải có câu trả lời mà họ không thể nói rõ. Tuy nhiên, Mỹ tăng cường đáng kể chính sách can dự của mình nhằm chứng tỏ họ sẵn sàng tham gia cuộc đấu tranh quân sự-chính trị đang diễn ra tại khu vực. Các nhà quan sát cho rằng sở dĩ Mỹ thành công trong đàm phán với Iran và rút khỏi Afghanistan, điều này phần lớn xuất phát từ thực tế là Mỹ tìm cách tập trung lực lượng của mình tại Thái Bình Dương, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ là để thế giới thấy rằng Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia có quan điểm phù hợp nhất để bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông”./.
Người bình luận - Toquoc.gov.vn
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment