"Lòng tin chiến lược" và ngoại giao nước lớn
Friday, December 27, 2013
Có thể thấy 2013 là năm "ngoại giao nước lớn" nổi bật với hàng loạt chuyến công du của các lãnh đạo cấp cao nhất VN tới các nước lớn và các nước lớn tới VN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Ảnh: Chinhphu.vn
Năm 2013 vừa qua có thể được xem là một năm hoạt động tích cực nhất của Việt Nam trên phương diện đối ngoại. Hàng loạt các chuyến thăm cấp cao đến và đi, hàng loạt những chương trình kỷ niệm lớn nhỏ đánh dấu các mốc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, 5 mối quan hệ đối tác chiến lược,... Nhưng điểm đáng chú ý nhất của đối ngoại Việt Nam năm vừa qua chính là khái niệm "lòng tin chiến lược" mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tại Hội nghị Shangri-la tổ chức tại Singapore.
"Lòng tin chiến lược" trong mối tương quan nước lớn
Bài phát biểu của Thủ tướng tại Shangri-la đã tạo ra hiệu ứng lớn. Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam đến từ Học viện Quốc phòng Úc chia sẻ, Thủ tướng đã nhắc đến cụm từ "lòng tin chiến lược" tới 17 lần. Lúc đầu, mọi người có cảm tưởng như vậy là quá nhiều. Tuy nhiên sau đó, cụm từ này đã trở thành tâm điểm thảo luận và được nhiều quan chức cấp cao sử dụng.
"Lòng tin chiến lược" được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.
Có thể thấy, đối tượng mà Việt Nam muốn gửi thông điệp "lòng tin" chính là các nước lớn. Mặc dù hiện nay, các nước đều bình đẳng với nhau trên tư cách các quốc gia, song nước lớn hay cường quốc là chủ thể có tính chi phối mạnh mẽ nhất tới cục diện chính trị khu vực và quốc tế.
Quan hệ quốc tế châu Á - Thái Bình Dương hiện tại đang rất "nóng" với quá trình dịch chuyển quyền lực giữa một bên là Trung Quốc - cường quốc đang trỗi dậy, còn bên kia là Mỹ - cường quốc truyền thống tại khu vực. Và Việt Nam - với tư cách một quốc gia có vị trí chiến lược và vai trò quốc tế đang nổi lên rất nhanh - cần phải xử lý thực sự khôn khéo trong một môi trường chính trị khu vực đầy biến động như thế.
Có thể thấy năm 2013 là năm "ngoại giao nước lớn" nổi bật với hàng loạt những chuyến công du của các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới các nước lớn và các nước lớn tới Việt Nam. Nhận được sự chú ý nhiều nhất chính là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới cả hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Mỹ lần lượt vào các tháng 6 (thăm Trung Quốc) và tháng 7 (thăm Mỹ). Các chuyến thăm này đều có mục đích chủ chốt là củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam với cả hai cường quốc, hay nói cách khác chính là tiếp tục xây dựng "lòng tin chiến lược" giữa hai bên.
Với Mỹ, Việt Nam đã chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, qua đó thúc đẩy hợp tác và tiếp tục thu hẹp những khác biệt còn tồn tại giữa hai bên. Với Trung Quốc, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, mối quan hệ về cơ bản vẫn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau giữa hai bên trong vấn đề biển Đông đã khiến cho quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng. Làm thế nào để thu hẹp khác biệt và gia tăng nhận thức chung về sự cần thiết phải duy trì một môi trường hòa bình và ổn định chính là mục tiêu cuối cùng mà ngoại giao Việt Nam nhắm tới - thông qua xây dựng "lòng tin chiến lược" chung.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng đã tiến hành các tiếp xúc cấp cao với những đối tác chiến lược - đồng thời là những nước lớn khác tại khu vực như Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Mỗi một đối tác lại hướng vào những lĩnh vực hợp tác cụ thể: với Nhật Bản là kinh tế và thương mại; trong khi với Nga và Ấn Độ, quan hệ quốc phòng, an ninh và năng lượng lại là những điểm nhấn chính.
Nền tảng trọng tâm đã có, điều quan trọng là Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược "ngoại giao nước lớn" của mình như thế nào trong tương lai, với mắt xích "lòng tin chiến lược". Việc trở thành đối tác toàn diện với hầu hết các nước lớn là một trong những bước đầu tiên giúp Việt Nam có thể ít nhất tạo ra được một cầu nối lòng tin hữu hiệu, thông qua ASEAN và các cơ chế khu vực như ASEAN+3, Hội nghị cao cấp Đông Á (EAS) hay Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Và các mối quan hệ đối tác chiến lược mới
Tháng 1/2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Italy, Bỉ và Liên minh châu Âu (EU). Cũng trong chuyến thăm này, Việt Nam và Italy chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Italy trở thành đối tác chiến lược thứ 4 của Việt Nam tại EU, sau Anh, Tây Ban Nha, Đức (tính đến thời điểm ký).
Có thể thấy, mặc dù không gần nhau về khoảng cách địa lý, mối quan hệ EU - Việt Nam vẫn là mối quan hệ rất quan trọng đối với Việt Nam, nhất là về kinh tế và thương mại. EU cũng là một trong những nhà tài trợ ODA và là đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam.
Cũng trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm Pháp nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã tiến hành nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược. Một mối quan hệ chiến lược với Pháp - một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - sẽ là lợi thế giúp Việt Nam có thể tăng cường lợi ích tại châu Âu nói riêng và tại các diễn đàn quốc tế nói chung, đồng thời tăng cường tiếng nói ủng hộ trong những vấn đề an ninh khu vực và thế giới mà cả hai bên cùng quan tâm. Sự kiện này cũng đánh dấu việc Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ đối tác đầy đủ với tất cả 5 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ.
Một điểm nhấn cực kỳ quan trọng nữa chính là việc thiết lập đối tác chiến lược với cùng lúc ba nước ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Singapore. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ASEAN chính là khu vực có vị trí quan trọng hàng đầu, là tổ chức mà ở đó các nước nhỏ như Việt Nam có thể phát huy tiếng nói của mình. Tăng cường mối quan hệ nội bộ giữa các nước ASEAN là một cách tăng cường đoàn kết nội khối, gia tăng sức mạnh nội lực, qua đó giúp tăng cường tiếng nói tạo sức mạnh để xây dựng lòng tin.
Có thể thấy trong năm qua, Việt Nam đã chủ động tiếp cận vấn đề "xây dựng lòng tin chiến lược" theo hai hướng. Thứ nhất là tăng cường mối quan hệ sâu rộng hơn nữa với tất cả các nước lớn, qua đó tăng cường sự hiểu biết và mức độ tin cậy lẫn nhau. Thứ hai là tạo ra một mối liên hệ bền chặt hơn nữa với các quốc gia ASEAN, tăng cường tiếng nói và sức mạnh chung. Một ASEAN mạnh mẽ làm cốt lõi cho hợp tác khu vực chính là cái đích để một nước nhỏ như Việt Nam nhắm tới với mục tiêu cao nhất là hòa bình và ổn định ở khu vực.
Hai hướng tiếp cận khác nhau, với chất xúc tác chung là lòng tin, cùng với ASEAN ngày một gắn kết hơn ở mức độ nhất định, chính những gì mà đối ngoại Việt Nam đã phần nào thực hiện được trong năm 2013.
Thuận Phương - Tuần VietNamNet
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment