Vì sao Trung Quốc sợ Việt Nam đưa chư tăng ra Trường Sa làm trụ trì?
Saturday, December 21, 2013
Vào tháng 3 năm 2012, khi biết Việt Nam đưa sáu chư tăng ra Trường Sa làm trụ trì chùa, Trung Quốc đã kịch liệt phản đối. Lúc đó, chỉ mới là quân nhân, nhập ngũ đến đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ tôi không biết vì sao Trung Quốc phản đối gay gắt đến vậy. Giờ thì tôi đã hiểu, vì sao Trung Quốc lại sợ các ngôi chùa Việt Nam trên quần đảo Trường Sa đến thế. Chúng càng sợ, lo lắng hơn khi biết chư tăng tại Trường Sa thấm nhuần đạo lý, tư tưởng chính trị.
Ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây
Với đặc tính, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam là ở đâu có người Việt là ở đó có chùa, có tín ngưỡng tôn giáo, điều này trở thành hàng rào ngăn cản phần nào ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Vì không có một bằng chứng nào chứng tỏ những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ bất hợp pháp của Việt Nam là của Trung Quốc nên việc thêm một ngôi chùa Việt trên quần đảo Trường Sa được trùng tu thì Trung Hoa càng lo bấy nhiêu. Trung Quốc biết rõ, cái “đường lưỡi bò” do chính họ tạo ra không thể nào đủ sức mạnh để cuốn trôi đi giá trị văn hóa tâm linh mấy nghìn năm mà dân tộc Việt Nam đã xây dựng, càng không đủ giá trị pháp lý để bẻ cong lịch sử.
Tiếng chuông chùa Trường Sa trong đêm nghe sao da diết như được gióng lên từ niềm khát vọng hòa bình của người Việt giữa biển Ðông…
Ngay khi biết tin sáu vị tăng sĩ ra đến Trường Sa, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đùng đùng nổi giận và gửi thông điệp cảnh báo Việt Nam nên “tôn trọng chủ quyền của nước này tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp”. Nghe ông phát biểu: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể thật sự tôn trọng tinh thần của bản tuyên bố chung của các bên về Biển Nam Trung Hoa và Thỏa thuận Việt – Trung về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển”, quân dân đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa liền thấy ngay sự yếu hèn, đuối lý của Trung Quốc. Trung Quốc đang sợ chư tăng hay là đang sợ giá trị văn hóa nghìn đời đã có mặt tại Trường Sa? Có lẽ là Trung Quốc sợ cả hai!Khi nghe Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn khẳng định: “Chúng tôi khẳng định mảnh đất Trường Sa là của Việt Nam. Đó là mảnh đất thiêng liêng của chúng tôi mà nhiều đời dân tộc tôi đã nằm xuống để bảo vệ. Chẳng phải trên đảo đã có dân Việt Nam ở từ xa xưa; các ngôi chùa cũng đã có từ xa xưa và chư tăng cũng đã từng ở đảo còn gì. Thế thì lấy lý do gì mà các anh ngăn cản cơ chứ? Các anh có thể ngụy tạo lịch sử, có thể giở đủ trò nhưng cộng đồng quốc tế chẳng bao giờ chấp nhận, chẳng bao giờ tin những gì các anh bịa ra”, phía Trung Quốc càng sợ hơn. Có lẽ chúng sợ, những vị tăng sĩ Việt Nam khi ra đảo Trường Sa truyền đạo, thắp sáng thêm niềm tin cho quân dân, cổ vũ chiến sĩ thì lý luận chính trị của người dân nơi đầu sóng ngọn gió sẽ ngày một nhạy bén. Điều đó gây bất lợi cho chúng và chúng không hề muốn điều đó xảy ra.Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến, khi các vị tu sĩ có mặt, các ngôi chùa liền được trùng tu vững mạnh. Bên cạnh tiếng cầu kinh mỗi ngày, quý sư còn gần gũi quân dân, truyền cho mọi người hiểu thêm về lịch sử dân tộc, những chiêu thức cũng như những bộ mặt nạ mà các thế lực thù địch đang giở trò. Tư tưởng chính trị của người dân ngày càng vững hơn, tinh thần quân dân bám đảo chiến đấu ngày càng bền chặt; Trung Quốc chẳng thể nào đạp đổ hay phá hoại giá trị văn hóa tâm linh dân tộc Việt được; cái đường lưỡi bò chẳng thể nào cuốn trôi được cái nôi của dân tộc Việt Nam; nghìn đời Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, điều đó chẳng bao giờ thay đổi được – toàn thể quân dân, chiến sĩ đang công tác, sinh sống tại Trường Sa đã khẳng định như thế.Tại đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, hằng ngày sau giờ công phu, thực tập thiền tọa, thời gian còn lại thầy Giác Nghĩa luôn gần gũi với lính đảo, gần gũi với quân, dân để trao đổi về vấn đề thời sự. “Sư trụ trì Trường Sa không đơn giản là ra đảo để tu – đúng, về điều này thì Trung Quốc nhận xét hoàn toàn đúng, cuối cùng thì cái Trung Quốc lo sợ cũng đã diễn ra. Các vị tăng ra Trường Sa trụ trì được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyển chọn khá cân nhắc, xuất thân của chư tăng cũng rất đặc biệt, biết được điều này, Trung Quốc cuống cuồng lên”, một anh sĩ quan nhận định. Rồi, chính cái hiểu biết và xuất thân trong môi trường học tập bài bản, lý luận chính trị vững vàng, tinh thần phụng sự Tổ Quốc đặt lên hàng đầu, và cũng vì đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc nên quý chư tăng trụ trì ở các chùa trên quần đảo Trường Sa luôn hướng đến lợi ích chung của dân tộc. Các buổi lễ trai đàn chuẩn tế, cầu siêu anh hùng liệt sĩ, nguyện cầu quốc thái dân an mà chư tăng thực hiện tại quần đảo Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa tâm linh rất cao mà còn khẳng định cho bạn bè quốc tế, thế lực thù địch biết, mảnh đất này, dân tộc Việt Nam không biết bao người đã hy sinh, nằm xuống để bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc. Giặc ngoại xâm không thể nào phủ nhận mà chà đạp lên máu xương dân tộc Việt Nam và cướp, chiếm giữ bất hợp pháp vùng trời, vùng biển Đông (một phần quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa) – nơi mà thuộc chủ quyền dân tộc Việt được!
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa
Còn nhớ, cứ mỗi lần dân tộc Việt Nam làm lễ cầu siêu cho chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh Gạc Ma, quân đội nhân dân Việt Nam đứng bên đảo CoLin làm lễ nhưng lúc nào bên kia, đảo Gạc Ma – nơi mà quân đội Trung Quốc đang chiếm giữ bất hợp pháp luôn hướng ánh nhìn quan sát về phía Việt Nam. Họ xem Việt Nam, những chư tăng đang làm gì và sau đó vài ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin, ồ lên phản đối.Vào đầu năm 2013, khi nhận được tin từ truyền thông về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trùng tu thêm 2 ngôi chùa trên đảo Sơn Ca và Nam Yết, phía Trung Quốc đã bàn tán xôn xao và phản ứng ấu trĩ bằng cách điều 32 tàu cá ra Trường Sa. Bắc Kinh còn có ý định sẽ phái lính cải trang thành ngư dân xâm nhập, đổ bộ và chiếm đóng thậm chí là xây dựng nhà giàn, công sự trái phép trên các điểm đảo, bãi đá, rặng san hô ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, dưới sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới sự quan sát gắt gao và phòng thủ vững chắc, cho đến giờ phút này, Trung Quốc không thể tiến sát hơn nữa vào địa phận Việt Nam canh gác.Vài ngày nay, khi cái vùng phòng không mà chúng định lập ra tại biển Đông đang trong giai đoạn ráo riết thực hiện thì ngày nào, chúng cũng dòm ngó sang các đảo Quân đội Nhân dân Việt Nam đang canh giữ. Từ Gạc Ma, ngày nào chúng cũng lượn lờ ống nhòm sang CoLin, rồi hướng về phía Song Tử Tây. Những ngày này mặc dù gió đông lạnh buốt, sóng cao dữ dội nhưng đội quân đánh cá mang biển số Trung Quốc tung tăng khắp nơi, sát mé lãnh thổ của ta. Mục đích của chúng có lẽ là để thăm dò tin tức. Nhưng quân đội ta đều có cách đáp trả, chúng chẳng thể nào tiến xa hơn, chẳng thể nào leo được vào ranh giới ta canh gác. Chúng tức, chúng cứ lia cái ống nhòm chứ chẳng thể biết được cái mà chúng muốn biết. Nhưng có lẽ, chúng cũng đoán ra, quân đội, công dân, chư tăng đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa phản ứng thế nào với cái vùng phòng không mà chúng định lập.Sắp tới đây, phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có chuyến thăm Trường Sa và thực hiện nghi lễ Phật giáo, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam tại các đảo, chắc chắn, phía Trung Quốc lại dòm ngó, truyền thông nước này lại phải quan tâm sâu sắc như đợt khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa thêm tăng sĩ ra Trường Sa vậy…!
Từ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người xưa, ba ngôi chùa đã được tôn tạo là Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn và Chùa Trường Sa Lớn.
Chùa Song Tử Tây. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Chùa Song Tử Tây
Chùa tọa lạc trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong Quần đảo Trường Sa, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.
Chính điện chùa Song Tử Tây. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu, vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông.
Các sư Thầy hành lễ tại chùa Song Tử Tây. Ảnh Trần Minh Ngọc.
Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo, thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.
Chùa Sinh Tồn. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Chùa Sinh Tồn
Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, tọa lạc sát cạnh khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, một gian hai chái, tường bao trổ hoa, và vườn chùa xinh xắn, với những cây phong ba, cây bồ đề được trồng trong sân chùa.
Tam quan chùa Trường Sa lớn.
Chùa Trường Sa Lớn
Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn, khuôn viên chùa khá rộng, vuông vức.
Chùa Trường Sa Lớn. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Qua sân chùa và vườn chùa là tòa chính điện một gian hai chái, mái cong, có đầu đao. Phật điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý mầu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa.
Tượng Phật ngọc trong chùa Trường Sa Lớn. Ảnh Trần Minh Ngọc.
Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.
Chính điện chùa Trường Sa Lớn. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ.
Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các ban thờ Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Phật tử lễ Phật chùa Song Tử Tây. Ảnh Trần Minh Ngọc.
Những câu đối ở các chùa trên Quần đảo Trường Sa đều mang ý nghĩa sâu sắc, như: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”; “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”; “Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”; “Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh”… đã thể hiện chủ quyền thiêng liêng của người Việt.
Chính điện chùa Sinh Tồn.
Đối với những người có mặt trên đảo, cũng như với cả dân tộc ta, biển đảo là một phần đất nước linh thiêng từ nghìn xưa, có Trời, Phật, Thánh, Thần bảo hộ, che chở.
Được giới thiệu qua cuốn sách ảnh “Chùa Việt Nam” của các tác giả: Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự - Phạm Ngọc Long, biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy Chiếm, những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa không chỉ biểu hiện các tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở vùng xa xôi này của đất nước, mà còn thể hiện tình yêu nồng nàn của nhân dân cả nước với đồng bào và thiên nhiên của vùng đất đầu sóng ngọn gió này, gắn liền với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cổng chùa Sinh Tồn. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Đại Đức Thích Đạo Biện và Thích Đức Hỷ trụ trì chùa Sinh Tồn. Ảnh Trần Minh Ngọc.
Chùa Sinh Tồn. Ảnh Lê Thao - Bá Ngọc.
Đại lễ hô thần nhập tượng tại chùa Trường Sa Lớn. Ảnh Dương Trung Quốc.
Theo Nguyễn Văn Kự
Báo Nhân Dân
Tags:
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment