Trung Quốc tố Nhật Bản 'kiếm cớ' bành trướng quân đội
Saturday, December 21, 2013
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối kịch liệt chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được thông qua của Nhật Bản và tố cáo Tokyo chỉ “kiếm cớ” để bành trướng quân đội.
Một cuộc duyệt binh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hồi 27.10.2013
ở gần thủ đô Tokyo - Ảnh: Reuters
Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng ngày 20.12 cho biết động thái này của Nhật Bản sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hồi đầu tuần này, Nhật Bản đã thông qua ba văn kiện: Chương trình Quốc phòng trung hạn, Chiến lược An ninh quốc gia và Đường hướng Chương trình quốc phòng quốc gia, nhấn mạnh những quan ngại về an ninh của Tokyo đối với Trung Quốc và Triều Tiên, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Trong chương trình quốc phòng ngắn hạn (5 năm) của Nhật Bản, Tokyo sẽ tăng cường ngân sách quốc phòng, mua nhiều loại khí tài quân sự, chẳng hạn như: 17 máy bay quân sự MV-22 Osprey, 3 máy bay không người lái, 52 tàu đổ bộ tấn công AAV7, 99 xe tăng tấn công chủ lực, 28 chiến đấu cơ tàng hình và 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không, để chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xung đột với Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Geng tố cáo Tokyo dùng chiến lược an ninh quốc gia để có cớ bành trướng quân đội, khiến các nước láng giềng phải quan ngại.
Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, nhận định rằng chương trình quốc phòng của Nhật Bản giờ đây tập trung toàn bộ vào mối đe dọa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Bắc Kinh cho rằng Chiến lược an ninh quốc gia và các chương trình quốc phòng trung và dài hạn của Tokyo là sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, theo nhận định của ông Vasily.
Nhưng ông Vasily cho rằng xung đột quân sự không phải là mục đích của cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc muốn Nhật Bản công nhận sự tồn tại tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì muốn giảm thiểu sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, chuyên gia Vasily phân tích.
Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật leo thang kể từ tháng 9.2012. Tàu và máy bay của hai quốc gia này thường xuyên “đụng độ”, chơi trò “mèo vờn chuột” tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư - một ngư trường dồi dào, cũng là một nơi có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí đốt, theo Reuters.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment