Mỹ khẳng định vị thế của mình ở Đông Nam Á
Wednesday, December 18, 2013
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm ba ngày của ông đến Việt Nam và lên đường đi Philippines. Sự lựa chọn nước đến thăm trong khu vực Đông Nam Á và thời gian đến thăm của Ngoại trưởng Mỹ phản ánh quá trình tăng cường chính sách của Mỹ trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông nói:
“Sau khi Trung Quốc công bố khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông, tình hình trong khu vực phát triển một cách phức tạp. Điều này đòi hỏi người Mỹ phải có câu trả lời mà họ không thể nói rõ. Nhưng để cho thấy rằng họ sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh quân sự - chính trị đang diễn ra trong khu vực này của thế giới, Mỹ tăng cường đáng kể chính sách của mình. Các nhà quan sát cho rằng sở dĩ Mỹ thành công trong đàm phán với Iran và rút khỏi Afghanistan - điều này phần lớn xuất phát từ thực tế là Mỹ tìm cách tập trung lực lượng của mình tại Thái Bình Dương, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Kerry đã đến hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ là để thế giới thấy rằng Wasington đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia có quan điểm phù hợp nhất để bảo vệ lợi ích của mình trong Biển Đông.
Washington tiến hành chính sách phòng hộ đối với Bắc Kinh - chính sách bao quanh Trung Quốc bằng các nước đồng minh của Hoa Kỳ, hoặc có quan hệ hợp tác quân sự, tiếp xúc chính trị với Hoa Kỳ. Vòng cung được xây dựng xung quanh Trung Quốc đã có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ có ý nhắc đến cả Việt Nam và Philippines. Các quốc gia này có thể là yếu tố quan trọng trong vành đai biển có thể kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.”
Tại cuộc hội đàm tại Hà Nội, ngoại trưởng Kerry khẳng định rằng Hoa Kỳ không công nhận khu vực xác định phòng không ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc công bố. Việc thành lập khu vực này, cũng như tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku, Trường Sa và Hoàng Sa, 80% hải phận Biển Đông, quyết định cảnh sát tỉnh Hải Nam của Trung Quốc có quyền chặn tàu thuyền nước ngoài – là biểu hiện bành trướng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Dmitry Mosyakov nói tiếp:
“Từ quan điểm các nước láng giềng của Trung Quốc, đây là sự bành trướng trắng trợn. Còn Bắc Kinh thì cho rằng họ chỉ đơn thuần lấy lại những gì đã mất trong những "thời điểm suy yếu lịch sử" của Trung Quốc. Mâu thuẫn này nên được giải quyết thông qua cách duy nhất là đàm phán. Hiện tại tình hình trong khu vực vẫn đang được kiểm soát, nhưng ngày càng trở nên căng thẳng. Căng thẳng đang tăng lên, và ranh giới định mệnh có thể gây ra bùng nổ đang đến gần hơn.”
Trong trường hợp đó các nước ở khu vực đang tìm kiếm các đồng minh hùng mạnh. Tại Hà Nội, ông John Kerry cho biết Mỹ sẽ phân bổ 18 triệu USD để Việt Nam tăng cường bảo vệ bờ biển đất nước. Với quỹ này, Việt Nam sẽ có thể mua một năm tàu tuần tra tốc độ cao. Washington cũng có kế hoạch cấp cho các nước khác trong khu vực Đông Nam Á 14 triệu đô la để bảo vệ vùng lãnh hải của họ và đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Comments[ 0 ]
Post a Comment