Nói đến Trường Sa là nói đến đảo nổi, đảo chìm; là nói đến khó khăn, gian khổ, kiên cường của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ngày đêm canh gác giữ đảo, bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Chia sẻ với đồng đội đọc bức thư nhà trên đảo Tiên Nữ.
Đã một lần được đặt chân đến Trường Sa, nên những ngày này, khi thấy anh bạn đồng nghiệp, phóng viên trẻ đang háo hức chuẩn bị “quân tư trang” để lên đường đi đảo, trong tôi lại xốn xang nhớ về lần đầu tiên đặt chân lên những hòn đảo chủ quyền thiêng liêng ấy. Đó là cái cảm xúc bồn chồn khi bước chân xuống tàu, lênh đênh trên biển, là khi nhìn thấy các điểm đảo từ xa rồi đến gần; là cảm giác lắc lư, nhấp nhô theo từng nhịp sóng trên thuyền chuyển tải để vào đảo; là sựháo hức khi đặt chân lên đảo, được tận mắt nhìn thấy cây phong ba, cây bàng quả vuông luôn xanh tốt, vững chãi trước phong ba bão táp, như ý chí, lòng quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đó là khoảng lặng của mỗi người trong phút giây tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đó là những giọt nước mắt hòa cùng tiếng hát của các nữ văn công khi hát qua bộ đàm, qua loa cho cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK nghe mà không thể lên thăm các anh được vì sóng to, gió lớn. Đó là tình cảm của những người lính đảo, mộc mạc nhưng chan chứa yêu thương. Với lính đảo, nước ngọt là thứ rất quý nhưng lên đảo nào cũng vậy, khách đất liền đều được “đãi” những chậu nước trong vắt, đặt trang trọng để rửa mặt, rửa tay. Nhưng có lẽ, ai cũng biết sự quý giá, chắt chiu từng giọt nước ở đảo nên chẳng nỡ dùng. Đó là những ánh mắt, câu hỏi của mấy cậu lính trẻ khi ra đón đoàn: Anh ơi, có văn công đi cùng đoàn không? Thủ trưởng ơi, có nhiều thư cho đảo không? Có sách báo gì hay không?...
Đó là những năm về trước, còn bây giờ, những yếu tố đó phần nào đã được đầy đủ hơn. Lính đảo không còn phải mong mỏi một lá thư nhà dập dềnh hàng tháng trời mới đến tay như trước nữa, bởi giờ đây, nhiều điểm đảo đã có điện (năng lượng mặt trời), có tivi, sóng điện thoại di động và cả internet nữa. Có internet, cán bộ, chiến sĩ được cập nhật thường xuyên những thông tin chính trị, kinh tế, xã hội… ở trong nước cũng như thế giới; và nhờ đó khoảng cách giữa gia đình, vợ con, bạn bè với cán bộ, chiến sĩ ngoài Trường Sa không còn xa nữa. Đời sống tinh thần của những người lính trẻ Hải quân cũng ngày một tốt hơn nhờ sức mạnh của công nghệ thông tin. Họ cũng không phải mỏi mòn chờ đợi các đoàn văn công như trước mà nay gần như mùa nào, tháng nào cũng có các đoàn đến thăm. Không chỉ có vậy, mà qua internet, họ có thể bổ sung, học tập thêm các kiến thức tổng hợp và những giờ giải trí lành mạnh khi xem, nghe nhạc ca sĩ mình yêu thích trên những trang mạng trực tuyến như Zing MP3… Chính vì lẽ đó, mà VNG – một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam – sắp tới đây sẽ triển khai chương trình “Mang máy tính đến Hải quân Việt Nam” nhằm hỗ trợ các chiến sĩ trẻ của lực lượng Hải quân Việt Nam có thêm kiến thức về tin học, tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin, góp phần xây dựng đội ngũ thanh niên thế hệ mới và đặc biệt luôn hướng tới sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”. Có đảo giờ đây dường như đã trở thành “đất liền” bởi giữa ca gác của người lính vẫn văng vẳng tiếng ê a đọc bài của con trẻ hay tiếng chuông chùa khoan thai gõ nhịp. Khung cảnh và không gian đó thật gần gũi, thanh bình biết bao. Với những ai đã từng đến Trường Sa, đến với bộ đội Trường Sa chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được những giây phút kỷ niệm ấy.
Đoàn văn công Hải quân hát giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.
Cuộc sống trên Trường Sa đang ngày càng được đổi thay. Đó chính là nhờ sự quan tâm, đầu tư, những chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội cũng như sự chung sức của toàn xã hội. Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như: “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”- đóng góp để xây dựng trường học cho học sinh tại đảo Trường Sa; quyên góp và trao tặng sách để tạo thư viện cho Trường Sa; tạo website: vitruongsa.org; tặng xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa; hay các cuộc vận động xây dựng Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, nhắn tin ủng hộ… của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp như cầu nối giúp người dân đất liền gửi tấm lòng mình đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ Trường Sa; đồng thời thể hiện sức mạnh của đoàn kết, ý chí kiên cường và khẳng định quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó” - lời Bác Hồ nói cách đây 54 năm (tháng 3-1959) khi đi thăm một số đơn vị hải quân dường như không chỉ in sâu trong trí óc của người chiến sĩ Trường Sa nói riêng mà còn trong trái tim mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: PHÚC THẮNG -BÁO QĐND
Comments[ 0 ]
Post a Comment