Điểm tựa trên sóng
Wednesday, December 25, 2013
Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một trong các nhà máy đóng tàu của quân đội đứng chân tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Thành phố hoa phượng đỏ - Hải Phòng có tốc độ phát triển nhanh, có nhiều đột phá trong công nghiệp đóng tàu. Vài năm lại đây, nhà máy đã xuất xưởng nhiều con tàu đi ra Biển Đông, giúp lực lượng chức năng làm tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
“Công xưởng” Nhà máy Z189 hiện nay
“Nhịp sống” trong lửa hàn
Buổi tối ngày cuối tháng 11 năm 2013, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Nhà máy Z189 dẫn tôi đến khu vực đóng tàu. Mưa bụi xiên chéo ánh đèn, con đường bê tông vào sân cảng loang loáng và lõng bõng nước. Trên sân cảng, chiếc cần trục rì rì, cần mẫn cẩu những công-ten-nơ thiết bị từ xe đầu kéo siêu trường, siêu trọng xuống con tàu đang đóng ở mép sông, như người khổng lồ nhặt viên đá ném xuống biển trong thần thoại Hy Lạp. Tại các “phân xưởng” của nhà máy, hình dáng nhiều con tàu với đủ loại kích cỡ và kiểu dáng chờn vờn trong mưa bụi, cái thì được đóng mới, đang ở giai đoạn sơn chống gỉ; cái thì đang trong giai đoạn sửa thân vỏ nằm sừng sững trên triền đà. Công nhân vẫn miệt mài với công việc quen thuộc trong ánh điện sáng trắng. Thỉnh thoảng, tiếng máy cưa ré lên lộng óc, đan xen với tiếng búa chát chúa, hòa với tiếng còi tàu trầm đục từ trên mặt sông hắt tới, tạo ra sự khác biệt với nhịp sống đô thị. Ánh lửa hàn chốc chốc bừng sáng, như những chùm pháo hoa, phá tan màn đen đặc ken dày của đêm mùa đông đến muộn, khiến “nhịp sống” nơi đây sôi động khó tưởng. Trong khung cảnh ấy, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng bộc bạch:
- Đến nay, nhà máy chúng tôi đã làm chủ được công nghệ mà Tập đoàn DAMEN, Hà Lan chuyển giao thông qua dự án đóng tàu DN-2000.
Anh kể: Trước đây, Nhà máy Z189 vốn chỉ là một công ty của Quân khu 3, chuyên đóng và sửa chữa những loại tàu thuyền tải trọng nhỏ, hoạt động gần bờ. Từ khoảng 10 năm trước, công ty được nâng lên thành nhà máy và chuyển về trực thuộc Tổng cục CNQP. Đây là một trong những chủ trương nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chiến lược biển của Đảng ta.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa X) khẳng định, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng để đạt được mục tiêu ấy, một trong những điều kiện tiên quyết là chúng ta phải có những con tàu lớn, hiện đại, hoạt động trên biển dài ngày, trong mọi điều kiện thời tiết, sử dụng vào các mục đích dân sinh và mục đích quốc phòng an ninh.
Trong con tàu CSB-8001, một sản phẩm “bằng xương, bằng thịt” được ra đời từ chính mồ hôi, công sức và trí tuệ của công nhân nhà máy, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm: Năm 2012 là thời điểm đánh dấu thành công nhất của Nhà máy Z189 khi hạ thủy tàu HQ-571 và HQ 561 có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn. Năng lực đóng tàu của nhà máy đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Cái thời mỏi mòn mắt ngóng được đóng tàu lượng giãn nước hơn 1.000 tấn không còn nữa, nhất là khi hạ thủy thành công tàu CSB-8001. Tàu có lượng chiếm nước tới 2.561 tấn, đạt vận tốc lớn nhất 21,3 hải lý/giờ và có thể hoạt động 40 ngày đêm liên tục trên biển; có sàn đỗ máy bay trực thăng 14 tấn; có khả năng kéo tàu khác trên biển với lượng giãn nước lên tới 2.200 tấn. Đặc biệt, tàu có 2 vây ổn định bố trí ở hai bên mạn. Hai vây này như hai vây của cá biển, giúp tàu giảm rung, lắc khi hoạt động trên biển trong điều kiện gió cấp 12, sóng cấp 9.
Điều anh Hùng chia sẻ khiến tôi nhớ lại lời Đại úy QNCN Phạm Văn Hải, Chủ nhiệm công trình DN-2000 bày tỏ hồi chiều:
- Con tàu này là một trong những thành quả phấn đấu không mệt mỏi của hơn 200 cán bộ, công nhân nhà máy trong gần 3 năm qua. Có lúc, chúng tôi phải làm việc 3 ca liên tục mới đạt tiến độ mà DAMEN đặt ra. Các kỹ sư thức trắng đêm cùng công nhân thử đi thử lại một sản phẩm mới đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Tập đoàn DAMEN.
Trong những ngày cùng tàu CSB-8001 vượt sóng đến với quân, dân Trường Sa và Nhà giàn DK1/15, chúng tôi có dịp chứng kiến sự ưu việt của con tàu này. Có thời điểm tàu đi ngang sóng cấp 8, cấp 9, với tốc độ từ 15 đến 18 hải lý/giờ, khiến tàu nghiêng lệch, làm nhiều người lo sợ. Thế nhưng, tàu vẫn vượt qua, đặc biệt, số đại biểu đi trên tàu rất ít bị say sóng. Điều đó chứng tỏ năng lực làm chủ công nghệ hiện đại của Nhà máy Z189, một điểm tựa tin cậy trong nhiều điểm tựa của ngành công nghiệp đóng tàu quốc phòng quân đội, giúp ngư dân, lực lượng Hải quân, CSB đứng vững trên sóng nước Biển Đông.
Tự ái hay tụt hậu?
Trong hải trình từ Hải Phòng đến đảo Trường Sa Lớn trên chiếc tàu CSB - 8001, chúng tôi có may mắn được trò chuyện cùng Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP, người đã từng có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ đóng tàu của quân đội ta.
Công nhân Nhà máy Z189 miệt mài làm việc
Trước khi đảm nhiệm chức vụ này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải là Giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp đóng tàu Ba Son, một trong những doanh nghiệp có bề dày truyền thống về công nghiệp đóng tàu ở nước ta nhiều năm. Nhìn vào dòng nước bị khuấy đảo thành cuộn sóng bởi chân vịt phía đuôi con tàu, anh tâm sự:
- Để có nhiều con tàu lớn tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, là điểm tựa tin cậy cho ngư dân bám biển thì ngành đóng tàu quân đội rất cần sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần những “thủ lĩnh” tâm huyết với nghề, giỏi kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý, thu hút nhiều kỹ sư, công nhân có tay nghề giỏi cùng gồng sức, đưa công nghiệp đóng tàu trong nước phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.
Anh phân tích, các chuyên gia nước ngoài có tác phong, phương pháp, trình độ làm việc rất khoa học, hiệu quả; mang tính công nghiệp cao và theo quy trình rất chặt chẽ. Ngược lại, họ được trả thù lao tương xứng với giá trị lao động bỏ ra. Còn ở ta, vì nhiều lý do khác nhau, nên người lao động chưa thực mặn mà, chưa phát huy hết sở trường trong công việc đóng tàu. Hiện nay, nhiều người lao động thích làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài vì được trả lương cao. Cái đó chỉ thỏa mãn lợi ích cá nhân. Nếu trong xã hội ta có nhiều người cùng làm như thế thì ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, của quân đội cũng như nhiều ngành công nghiệp khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong lúc trò chuyện với anh, tôi phát hiện ra một con chim sẻ bay lượn trong không gian chật hẹp trên tàu. Nhìn cảnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải lấy tay trỏ vào con chim và nói với chúng tôi:
- Em có thấy chú chim sẻ kia không, nó chẳng có lựa chọn nào khác là theo tàu đi ra biển. Nếu phải rời con tàu, chắc chắn nó không tồn tại được. Vì biển không phải là môi trường trú ngụ của loài chim này. Cũng như mỗi chúng ta, khi đã chọn cho mình một con đường thì phải phấn đấu bền bỉ để đạt được mục đích. Bởi có ai là người biết trước khó khăn trên con đường đi tới đích đâu. Nếu vì một lý do nào đó, đặc biệt, nếu tự ái, nếu coi doanh nghiệp nước ngoài là nhất mà lao vào làm thuê cho họ thì sẽ tụt hậu và sẽ phụ thuộc mãi mãi.
Những gì Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải chia sẻ quả vượt tầm suy nghĩ của chúng tôi. Nhưng có một điều, sự hiện diện của con tàu tuần tra đa năng CSB-8001 trên Biển Đông được Nhà máy Z189 đóng thành công, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu và của đăng kiểm quốc tế LOYD là sự thật. Điều này khẳng định trình độ khoa học kỹ thuật và quản lý của đội ngũ cán bộ, công nhân đóng tàu quân đội đã vượt qua được giới hạn tự ái để bước vào quỹ đạo phát triển.
Ghi chép của MẠNH THẮNG-CHU ANH - Báo QĐND
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment