Biển Đông 2014: TQ gây hấn, Mỹ dè chừng?
Thursday, February 13, 2014
Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ gây hấn trên biển Đông. Nước Mỹtiếp tục "theo dõi và quan sát", nhưng sẽ trở nên khó lường hơn nếu TQ vượt quá giới hạn.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung QuốcHồng Lỗi
Bước sang năm 2014, có thể thấy tình hình nội bộ của cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các chiến lược đối ngoại của từng quốc gia, đặc biệt là tại biển Đông.
Mỹ-Trung: Đi tìm sự cân bằng mới
Chưa hết ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nước Mỹ năm 2013 mang hình ảnh buồn của một quốc gia đang bị chia rẽ. Hai đảng lớn quá khác biệt về lợi ích, đỉnh điểm của cuộc đối đầu là việc Chính phủ Mỹ suýt phải đóng cửa hồi tháng 10. Dù hai đảng đã đạt được thoả thuận và Chính phủ thoát cảnh vỡ nợ nhưng những bất đồng vẫn chưa được giải quyết hết.
Mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ đến từ những vấn đề đối nội hơn là đối ngoại. Các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đã nguội dần, chủ nghĩa khủng bố không còn là mối đe doạ hàng đầu với Mỹ. Nguồn cơn bất ổn giờ đây là chương trình cải cách y tế của ông Obama, nơi mâu thuẫn lợi ích giữa người nghèo và chủ doanh nghiệp trở nên gay gắt.
Trong khi Mỹ còn loay hoay chuyện nhà thì bê bối nghe lén bị khui ra, còn việc tìm lối ra cho vấn đề vũ khí hoá học Syria lại rơi vào tay Nga. Người khổng lồ đang mất uy tín của một lãnh đạo thế giới.
Vẫn tập trung vào thay thế Obamacare, đảng Cộng hoà dự kiến sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào năm 2014, đồng nghĩa với thách thức không nhỏ cho ông Obama. Cuộc đối đầu của hai bên chắc chắn sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng như năm trước, nhưng chia rẽ hẳn vẫn sẽ là hình ảnh thường trực của chính trị Mỹ trong năm 2014.
Trung Quốc, ngược lại, đang trong vận "đỏ". Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra êm thấm, đồng thời những mối nguy trong nội bộ đảng được xử lý kiên quyết. Bạc Hy Lai chỉ là một trong số hơn 108.000 quan chức bị điều tra và xử lý nhằm làm bộ máy nhà nước trong sạch hơn.
Cuối năm, ĐCS Trung Quốc nới lỏng chính sách một con và bỏ hệ thống trại lao cải, vốn là những di sản lâu đời của các thế hệ lãnh đạo cứng rắn trước đây. Ông Tập Cận Bình cho thấy ông không mang dáng dấp lãnh đạo toàn trị như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.
Hiện tại, Trung Quốc không phải lo sợ nguy cơ bất đồng như Mỹ. Điều cần lưu tâm hơn là những khoảng cách ngày càng rộng trong xã hội. Đó là sự phát triển không đồng đều giữa bộ phận kinh tế nhà nước với bộ phận tư nhân, giữa các vùng miền. Thế nhưng, tăng trưởng kinh tế và quốc phòng lại khiến người Trung Quốc tự cho mình là một cường quốc trong khu vực, ngày một hùng hổ hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Hội nghị Trung ương 3 bàn về cải cách kinh tế vừa qua tại Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu lạc quan về triển vọng cải cách nền kinh tế của nước này. Dẫu rằng còn xa để Tập Cận Bình với "giấc mơ Trung Hoa" có thể tạo nên một bầu sinh khí mới cho toàn bộ Trung Quốc trên con đường giành địa vị cường quốc hàng đầu thế giới.
Đội tàu hải giám TQ trở về sau khi tuần tra bất hợp pháp trên biển Đông vào tháng 6/2012. Ảnh: China.com.cn
Trung Quốc lấn tới - Mỹ dè chừng?
Có thể thấy sự đối lập trong nội bộ giữa hai cường quốc, khi một bên đang chia rẽ, và có khả năng hòa hoãn phần nào đó trong năm 2014; còn một bên thì khá vững vàng. Điều này cũng sẽ thể hiện một phần thông qua chính sách đối ngoại, khi chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục những chính sách gây hấn như thường thấy, và những phép thử khiến Mỹ phải "đau đầu" để ứng phó.
ADIZ tại biển Đông chắc chắn sẽ là một "nước cờ hiểm", một "phép thử liều cao" nhưng đồng thời cũng là một bước đi mạo hiểm của Trung Quốc trong năm tới. Nếu Bắc Kinh tung ra tuyên bố thiết lập ADIZ, thì chứng tỏ trong mắt Trung Quốc nước Mỹ đã thực sự không (hoặc chưa dám) có những bước đi mạnh tay. Và quả bóng thực sự đã được đá qua phía Washington.
Sau rất nhiều bất đồng về ngân sách trong năm 2013, cũng như việc ngân sách quốc phòng bị thu hẹp, cả Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh các cam kết của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không bị ảnh hưởng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong buổi nói chuyện tại Đại học Georgetown vào cuối tháng 11/2013 cũng đã nhấn mạnh việc tiến hành mạnh mẽ hơn nữa chiến lược "xoay trục" - hay còn gọi là "tái cân bằng 2.0". Các cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ sẽ phần nào khiến Trung Quốc "chùn tay" và không dám thực hiện các nước cờ mạo hiểm tại biển Đông
Tuy nhiên, việc Mỹ có can dự mạnh mẽ vào tranh chấp biển Đông hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Hiện tại, mối quan tâm lớn nhất của Washington là tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, do Nhật Bản hiện tại là đồng minh lớn nhất của Mỹ tại khu vực. Nếu xảy ra xung đột tại Hoa Đông, Mỹ sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh hơn là tại biển Đông.
Trung Quốc hiện tại xem biển Đông là khu vực dễ dàng kiểm soát do chênh lệch lực lượng quá lớn tại khu vực. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu trong thông cáo bác bỏ tin về việc thành lập ADIZ tại biển Đông: "Nói chung, phía Trung Quốc chưa thấy có đe dọa an ninh hàng không nào từ các nước Asean và rất lạc quan về quan hệ với các nước láng giềng cũng như tình hình trong khu vực Nam Hải (Biển Đông)".
Xét tình hình nội bộ giữa hai cường quốc, việc Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn trên biển Đông là điều không phải bàn cãi. Nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục "theo dõi và quan sát", nhưng sẽ trở nên khó lường hơn nếu Trung Quốc vượt quá giới hạn. Bàn cờ châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang ở những thế trận thăm dò, và nước cờ quyết định vẫn chưa xuất hiện.
Thuận Phương - Hữu Duyệt
Tuần VietNamNet
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment