Sự thay đổi quyền lực tại Ấn Độ
Monday, February 24, 2014
Thủ tướng Singh sẽ nghỉ hưu và Thủ hiến Modi có triển vọng thắng cử; cuộc đấu tranh quyền lực sẽ quyết định cải cách và tăng trưởng.
Chương trình nghị sự của Thủ tướng Singh (giữa) bị chi phối bởi các chương trình chính trị của các nhà lãnh đạo Đảng Quốc đạiSonia Gandhi (trái) và Rahul Gandhi (phải)
Giới quan sát quốc tế đang quan tâm theo dõi những diễn biến trên chính trường Ấn Độ. Mọi con mắt đang đổ dồn về phía ông Narendra Modi, Thủ hiến bang Gujarat, ứng cử viên thủ tướng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập.
Các nhà chính trị, ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Anh, Canada, Australia, Tây Ban Nha và Nhật Bản gần đây đã tới thăm Ấn Độ để đánh giá về cuộc chuyển giao quyền lực tại nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, với ý niệm rằng ông Modi sẽ lên làm Thủ tướng Ấn Độ.
Narendra Modi - niềm hy vọng của cải cách và tăng trưởng
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Ấn Độ, ông Modi dẫn dầu trong số các ứng cử viên được dự đoán sẽ trở thành thủ tướng khóa tới. Vừa qua nữ Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Nancy Powell đã có cuộc gặp gỡ với ông Modi là bằng chứng mới nhất chứng tỏ thế giới đang chuẩn bị cho sự thay đổi chính quyền tại New Delhi. Bà đại sứ Mỹ muốn biết tầm nhìn của một nhân vật có thể trở thành người lãnh đạo một quốc gia đông dân nhất nhì thế giới, một nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới. Washington đã áp đặt lệnh cấm cấp visa đối với ông Modi tiếp theo những chỉ trích về việc ông Modi giải quyết những vụ bạo động chống Hồi giáo vào năm 2012 tại tiểu bang Gujarat.
Nhà chính trị sinh năm 1950 này là một người theo chủ nghĩa dân tộc gốc gác Hindu. Đối với sự chỉ trích của Nhà Trắng, ông Modi nói ông không làm điều gì sai trái, sau khi những người Hồi giáo đốt một chuyến xe lửa chở những người hành hương Hindu. Vụ bạo động làm hơn 1.000 người thiệt mạng. Sau vụ bạo động, dường như nhờ thành tích cai trị ổn định, tăng trưởng kinh tế của tiểu bang đã giúp ông Modi chiếm được lòng của cử tri, gồm cả những người Hồi giáo trong số 60 triệu dân của Gurajat. Những thành công kinh tế nổi bật và điều hành chính quyền hiệu quả ở bang này đã nâng uy tín của ông Modi lên tầm quốc gia. Người ta hy vọng, ông Modi sẽ khắc phục tình trạng suy yếu của nền kinh tế Ấn Độ, thúc đẩy cải cách, đưa Ấn Độ trở lại đường ray tăng trưởng.
Việc dự đoán xem ông Modi có tiến hành một cuộc thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Ấn Độ hay không là vấn đề khó bởi những vấn đề đối nội chiếm ưu thế trong chiến dịch tranh cử của ông. Tuy nhiên, vào ngày 18/10/2013, Narendra Modi đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại. Ông ta có vẻ cứng rắn hơn nhiều so với ông Singh, khi cảnh báo rằng Ấn Độ đang tự nhạo báng chính mình bằng “phương pháp tiếp cận hạn chế và nhút nhát đối với Trung Quốc”. Ông nói: “Chúng ta vẫn còn yếu kém ở nơi mà chúng ta cần phải mạnh mẽ; thiếu nhạy cảm ở nơi cần phải nhạy cảm”.
Nếu trở thành thủ tướng, ông Modi sẽ phải có tầm nhìn rộng hơn và trao quyền cho các đặc sứ của Ấn Độ tại nước ngoài vượt qua sự “quan sát thụ động” của giới ngoại giao Ấn Độ. Nếu ông Modi có thể truyền được “dòng máu mới” vào kế hoạch chính sách dài hạn để dẫn dắt Ấn Độ trên con đường của thế giới trong thập niên tới thì đây sẽ là sự cống hiến mang tính lịch sử.
Manmohan Singh và Đảng Quốc đại trong thế thụ động
Đảng Quốc đại của Thủ tướng Manmohan Singh thụt lùi đằng sau BJP trong các cuộc thăm dò công luận do các cử tri bất bình vì kinh tế tăng trưởng chậm và một loạt các vụ tai tiếng tham nhũng.
Ngày 3/1 năm nay, Thủ tướng Manmohan Singh bước vào tuổi 81, đã khẳng định không ra tranh cử cương vị Thủ tướng thêm nhiệm kỳ thứ ba. Điều này đã chuyển sự quan tâm chú ý vào Rahul Gandhi, Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại và là người kế thừa chính trị của triều đại Nehru-Gandhi. Tuy nhiên, ngày 17/1, Chủ tịch Đảng Quốc đại, bà Sonia Gandhi tuyên bố rằng đảng này quyết định không đưa Rahul Gandhi ra tranh cử chức thủ tướng. Đằng sau quyết định này ít nhất có ba lý do chủ yếu: Chiều hướng cuộc bầu cử đang bất lợi cho Đảng Quốc đại với điềm báo khi bị hai đảng đối lập - Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và Đảng Aam Aadmi (AAP) - đánh bại trong các cuộc bầu cử Viện Lập pháp tại 4/5 bang quan trọng của Ấn Độ hồi tháng 12 năm vừa rồi. Rahul Gandhi chưa từng trải chính trị và thiếu bề dày quản lý nhà nước và cũng chưa có một chương trình tranh cử đổi mới và hấp dẫn. Mặt khác, có thể bà Sonia chưa muốn mạo hiểm đưa trưởng nam duy nhất của dòng họ Nehru-Gandhi vào cuộc chiến chính trị, vì cả cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi và Thủ tướng Indira Gandhi đều bị ám sát chính trị khi đang đương chức. Như vậy Đảng Quốc đại thiếu một nhân vật tầm cỡ trong cuộc so tài với Narendra Modi.
Khi ông Manmohan Singh lên nắm cương vị thủ tướng 9 năm trước, 2004, ông ta đã được chào đón như một nhà cải cách do thành tích của ông khi làm Bộ trưởng tài chính tạo ra một cú huých cho tự do hóa kinh tế, được ví như vụ nổ “big bang”, vào năm 1991. Nhưng khi cầm quyền ông đã gặp trở ngại khi đóng vai nhà kỹ trị, không tập hợp được sự ủng hộ của cử tri đối với chương trình cải cách của mình. Đến năm 2012, kinh tế Ấn Độ bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn, như thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, tỷ lệ lạm phát tăng cao, vốn đầu tư và kim ngạch xuất khẩu giảm; đồng rupiah mất giá so với đồng ngoại tệ khác, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm và tầng lớp trung lưu ngày càng bất mãn với chính quyền New Delhi
Cử tri biết rằng quyền lực thực sự nằm trong tay bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Đảng Quốc đại. Các chương trình nghị sự của bà Gandhi chi phối hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông Singh. Những chương trình phúc lợi để tranh thủ cử tri nghèo của Đảng Quốc đại đã gây tổn hại cho chương trình cải cách kinh tế thị trường và tự do hóa của ông Singh.
Trong hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Manmohan Singh đã giành khoảng 1/10 quãng thời gian để thăm nước ngoài; đã bay hơn 1 triệu kilomet trong 72 chuyến thăm chính thức. Các nhà quan sát cho rằng chỉ trong những chuyến công du nước ngoài như vậy, ông Singh mới cảm thấy mình được tự do hành động. Dù vậy, Ấn Độ hiếm khi can dự bằng việc suy nghĩ dài hạn về các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình; theo The Economist, những chiến thuật đối ngoại được thực hiện mà không có chiến lược.
Nhưng ngay cả khi ông Modi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông có thể sẽ phải dựa vào các đồng minh ở các tiểu bang để duy trì quyền lực của mình. Điều này có thể làm suy giảm khả năng của ông thiết lập chính sách dài hạn trên tầm quốc gia./.
Hoài Nam - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment