Quân đội Trung Quốc tấn công nước khác theo chiến thuật nào?
Monday, February 10, 2014
Đúc kết từ trận chiến biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1962, tạp chí thời sự uy tín Newsweek (Mỹ) dẫn phân tích của một chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế nổi tiếng đã đưa ra 6 nguyên tắc quân đội Trung Quốc sử dụng để tấn công nước láng giềng, đồng thời cho rằng đây là những chiến thuật mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục vận dụng trong tương lai.
Quân đội Trung Quốc diễu hành ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
1. Tấn công bất ngờ
Giáo sư Brahma Chellaney, một trong những chuyên phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Ấn Độ, nhận định rằng Trung Quốc coi trọng chiến thuật đánh úp đối phương, nhằm tạo ra những cú sốc về chính trị và tinh thần cho đối phương trong khi đang sớm có được những thắng lợi trên chiến trường.
Bắc Kinh đã bắt đầu và kết thúc cuộc chiến năm 1962 một cách đầy bất ngờ khiến New Dehli không kịp trở tay.
Vào rạng sáng 20.10.1962, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đột kích bất ngờ, huy động một lực lượng khổng lồ tràn sang các khu vực từ đông sang tây của dãy Himalaya, sâu bên trong lãnh thổ phía đông bắc Ấn Độ.
Đến ngày thứ 32 của cuộc chiến, Trung Quốc bất ngờ đơn phương tuyên bố ngừng chiến và 10 ngày sau cho rút quân ra khỏi các khu vực mà họ đã chiếm đóng ở sườn phía đông Ấn Độ, nằm giữa Bhutan và Miến Điện, nhưng vẫn giữ vùng đất ở phía tây.
2. Tập trung toàn lực
Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc tin rằng nên tấn công càng nhanh và càng mãnh liệt càng tốt, nhằm tạo ra những trận đánh tốc chiến tốc thắng.
Đây cũng là lối đánh mà họ sử dụng trong cuộc chiến với Ấn Độ hồi năm 1962. Chiến thuật này cũng là đặc trưng cho mọi hành động quân sự của quân đội Trung Quốc kể từ năm 1949, theo ông Chellaney.
3. Ra tay trước
Trung Quốc không lưỡng lự trong việc dùng vũ lực để giải quyết các xung đột chính trị. Nước này thường xuyên tuyên bố sẽ dạy cho đối phương một bài học để không còn dám thách thức Trung Quốc trong tương lai, theo chuyên gia phân tích người Ấn Độ.
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng nói rằng cuộc chiến năm 1962 có mục đích là để “dạy cho Ấn Độ một bài học”.
4. Kiên nhẫn chờ thời cơ
Giáo sư Chellaney cho rằng Trung Quốc đã chọn thời điểm thuận lợi nhất để phát động cuộc chiến năm 1962.
Chiến dịch tấn công Ấn Độ diễn ra trùng với thời điểm đang có cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Năm 1962, Mỹ bất ngờ tuyên bố phát hiện Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba, chỉ cách bán đảo Florida chưa tới 150 km.
Quân đội Mỹ lập tức được đặt trong tình trạng báo động. Căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không ngừng leo thang và thế giới vào thời điểm đó đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Khủng hoảng chỉ được giải tỏa sau khi Liên Xô đồng ý dẹp các căn cứ ở Caribe và Mỹ cam kết không tấn công Cuba.
Trung Quốc chọn thời điểm này để tấn công Ấn Độ vì các nguồn quốc tế ủng hộ New Dehli đang tập trung vào cuộc khủng hoảng Cuba, giáo sư Chellaney phân tích.
Và ngay khi Mỹ và Nga chấm dứt tình trạng căng thẳng tại Cuba thì Trung Quốc cũng đơn phương tuyên bố ngừng cuộc chiến tại Ấn Độ.
Ngay cả sau khi cuộc chiến tại Ấn Độ đang diễn ra, cộng đồng quốc tế vẫn đang tập trung vào tình hình tiếp diễn sau cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, chứ không để ý đến cuộc tấn công của Trung Quốc.
5. Hợp thức hóa các hành động của mình
Newsweek dẫn đánh giá của giáo sư Chellaney cho rằng Trung Quốc thường hay ngụy trang hành động tấn công của mình bằng cách gọi đó là tự vệ.
Trong một tài liệu đệ trình quốc hội hồi năm 2010, Lầu Năm Góc nói: “Lịch sử của chiến tranh hiện đại Trung Quốc cung cấp nhiều trường hợp cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc thường gọi hành động tấn công quân sự phủ đầu của mình là biện pháp phòng thủ mang tính chiến lược”.
Bắc Kinh đã gọi cuộc tấn công tại khu vực biên giới với Ấn Độ hồi năm 1962 là “một cuộc phản công tự vệ”.
6. Sẵn sàng mạo hiểm
Sẵn sàng mạo hiểm là một chiến thuật được Trung Quốc sử dụng từ lâu, theo giáo sư Chellaney.
Những thắng lợi trong quá khứ có lẽ sẽ cho Bắc Kinh sự tự tin để tiếp tục thực hiện lần nữa trong tương lai, đặc biệt là khi Trung Quốc giờ đây đã trở thành một thế lực về kinh tế cũng như quân sự của thế giới, ông Chellaney đánh giá.
Cuộc chiến hồi năm 1962 diễn ra trong giai đoạn Trung Quốc còn nghèo và không có vũ khí hạt nhân, nhưng cuộc chiến này đã cho thế giới thấy cách nghĩ của tướng lĩnh Trung Quốc. Và nó cũng giúp lý giải tại sao có nhiều nhận định cho rằng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự là một mối lo ngại lớn, chuyên gia phân tích người Ấn Độ bình luận.
Hoàng Uy - Báo Thanh Niên
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment