Xung quanh thông tin Trung Quốc tính lập ADIZ ở biển Đông: Ý đồ nguy hiểm
Wednesday, February 5, 2014
Dù phủ nhận việc lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Đông, Trung Quốc vẫn đang bị giới phân tích quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Trực thăng Trung Quốc tuần tra trái phép không phận quần đảo Trường Sa hồi tháng 1.2014 - Ảnh: Iyaxin.com
Ngày 31.1, tờ Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ hai ở Nhật, gây xôn xao dư luận khu vực và thế giới khi dẫn một số nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ không quân Trung Quốc vừa lập dự thảo kế hoạch lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Giữ vai trò trung tâm trong việc soạn thảo là Trường chỉ huy không quân của Trung Quốc, nơi từng tham gia vẽ ra ADIZ mà Bắc Kinh đơn phương lập ra ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013. Dự thảo được trình lên giới lãnh đạo quân đội hồi tháng 5.2013, trước cả khi Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông.
Theo Asahi Shimbun, giới chức Trung Quốc vẫn đang thảo luận về quy mô của ADIZ ở biển Đông. Một số quan chức muốn ADIZ biển Đông bao trùm không phận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, trong khi một số khác kêu gọi mở rộng ra gần hết biển Đông theo “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vạch ra ở khu vực. Tờ Asahi Shimbun cho biết thêm Trung Quốc đang tính toán thời điểm thích hợp nhất để đưa ra tuyên bố về việc lập ADIZ ở biển Đông.
Theo tờ The Diplomat, kích cỡ chính xác của ADIZ mà Trung Quốc manh nha lập ra ở biển Đông sẽ đặt ra hai vấn đề quan trọng. Trước hết, một ADIZ bao trùm gần trọn biển Đông có thể phản tác dụng bởi điều này sẽ chọc giận nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặt ra khả năng ASEAN đoàn kết để đối chọi với Trung Quốc; còn một ADIZ hạn chế sẽ cho phép Trung Quốc cô lập một số nước nhất định. Thứ hai, kích cỡ chính xác của ADIZ cũng có vai trò quan trọng dựa vào khả năng kiểm soát hiệu quả của không quân Trung Quốc, cụ thể là tầm hoạt động của máy bay chiến đấu và ra đa.
“Hành động đơn phương và khiêu khích”
Ngay sau khi thông tin về kế hoạch trên được hé lộ, giới quan sát cảnh báo rằng hành động này sẽ đẩy căng thẳng khu vực leo thang. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố bất kỳ động thái tuyên bố ADIZ nào ở biển Đông đều bị xem là “hành động đơn phương và khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng và nghi ngờ về cam kết xử lý tranh chấp lãnh hải bằng con đường ngoại giao của Trung Quốc”, theo AFP.
Ông Evan Medeiros, Giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cũng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc thành lập ADIZ ở các khu vực khác, trong đó có biển Đông, cho rằng hành động đó có thể khiến quân đội Mỹ phải thay đổi sự bố trí ở khu vực. Trong chuyến thăm Philippines vào tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cảnh báo Mỹ sẽ không chấp nhận việc Trung Quốc lập ADIZ ở biển Đông.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 1.2 phủ nhận và chỉ trích tường thuật của tờ Asahi Shimbun là “mưu đồ của những lực lượng cánh hữu ở Nhật nhằm đánh lạc hướng dư luận”, giới quan sát vẫn nhận xét thông tin trên có nhiều khả năng là đáng tin cậy. Trong bài phân tích đăng trên tạp chí The Dilopmat ngày 4.2, chuyên gia Ankit Panda thuộc Đại học Princeton (Mỹ) nhắc lại tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân hồi tháng 11 năm ngoái rằng “Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không khác vào lúc phù hợp sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết”.
Theo ông Panda, tuyên bố của ông Hồng Lỗi có thể bộc lộ sự mâu thuẫn giữa các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong việc theo đuổi kế hoạch lập ADIZ ở biển Đông. Mặt khác, phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đặt Bắc Kinh vào tình thế khó xử nếu muốn tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Đông. “Nếu Trung Quốc muốn áp đặt một ADIZ như thế trong tương lai, họ chỉ đối mặt với khả năng đánh mất niềm tin lớn hơn trong khu vực”, ông Panda viết.
Văn Khoa - Báo Thanh Niên
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment