Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Indonesia đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết xung đột ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh vùng biển này sôi động cần có Bộ quy tắc ứng xử.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cao Indonesia và COC ở Biển Đông
Hãng thông tấn Antara của Indonesia trích lời Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ ủng hộ vai trò của Indonesia "trong những cuộc đàm phán với Trung Quốc để nỗ lực hoàn thành ngay việc thành lập một bộ quy tắc ứng xử quản lý căng thẳng ở Biển Đông". Phát biểu trong một cuộc họp báo chung ngày 17/2 với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, ông Kerry yêu cầu Jakarta tập trung đẩy mạnh tiến độ hướng đến việc đạt được một thỏa thuận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo tin tức của báo Jakarta Post, ông Kerry nói tương lai hòa bình của khu vực phụ thuộc vào việc tranh chấp Biển Đông có thể được giải quyết nhanh chóng vì nếu một giải pháp hòa bình tiếp tục bị trì hoãn, nguy cơ xung đột vũ trang sẽ lớn hơn. Ông nói trong 2 năm qua, Mỹ lo ngại về những vi phạm luật hàng hải quốc tế của chính quyền Trung Quốc, bao gồm việc trục xuất ngư dân của các nước khác trong vùng biển tranh chấp. Ông nói tất các nước cần tuân thủ luật hàng hải quốc, không có ngoại lệ.
Hãng tin Reuters nhận xét rằng Mỹ đang ngày càng quan ngại về nỗ lực của Trung Quốc tìm cách dần dần mở rộng kiểm soát đối với các vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 23/11/2013, Bắc Kinh đã tuyên bố đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao gồm cả các quần đảo tranh chấp với Nhật Bản. Tuy Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ, nhưng dư luận vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một khu vực nhận dạng tương tự trên Biển Đông. Tại Bắc Kinh ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khuyến cáo Trung Quốc không nên làm việc này vì ADIZ trên Biển Đông sẽ gây bất ổn cho khu vực.
Biển Đông cần có Bộ Quy tắc ứng xử
Theo Reuters, ngày 17/2 tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng sự ổn định của Châu Á- Thái Bình Dương tùy thuộc vào tiến trình hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc. Văn kiện này sẽ cho phép các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, tránh được xung đột tại một trong những tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất thế giới.
Ngoại trưởng Kerry nói: "Không phải là quá cường điệu, khi nói rằng tình hình ổn định trong tương lai của khu vực sẽ phụ thuộc một phần vào sự hoàn tất kịp thời một bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông)… Tiến trình hoàn tất càng kéo dài, tình trạng căng thẳng càng thêm sôi sục và nguy cơ một ai đó tính toán sai lầm gây nên xung đột càng lớn. Điều đó không có lợi cho ai cả".
Với tuyên bố nói trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tăng áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc, thúc đẩy nước này giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên nguyên tắc pháp lý quốc tế thay vì thông qua đàm phán song phương như Bắc Kinh vẫn chủ trương.
Trong thực tế, các nước ASEAN đã sẵn sàng tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, trong lúc Trung Quốc cho đến nay đã tỏ vẻ rất miễn cưỡng và viện mọi lý do để trì hoãn tiến trình thiết lập bộ quy tắc này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh
Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ đã tranh thủ cơ hội thăm Jakarta để gặp Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Nhân dịp này, hai bên nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp tại Biển Đông, bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trong một thông cáo chung công bố sau cuộc gặp giữa hai ông John Kerry và Lê Lương Minh, hai bên cũng tái khẳng định « sự cấp thiết của việc sớm hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tầm quan trọng của việc tự kiềm chế".
Văn Linh (tổng hợp) - ĐSPL
Comments[ 0 ]
Post a Comment