Số phận không dễ dàng của Luật ứng xử trên Biển Đông
Wednesday, February 19, 2014
Theo tuyên bố ngày 17 tháng Hai của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đang ở thăm chính thức Indonesia, việc duy trì ổn định trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự thành công của cuộc đàm phán về Luật về các nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp trên biển của các nước ASEAN.
Tuyên bố này có liên quan trực tiếp đến chuyện lời qua tiếng lại cấp cao Trung-Mỹ xảy ra một vài ngày trước. Ba ngày trước khi ông Kerry tuyên bố điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hua Chunying kêu gọi Mỹ không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trung Quốc đã phản ứng như vậy đối với phát biểu của Tham mưu trưởng Hải quân M, Đô đốc Jonathan Grinerta, người đảm bảo hạm đội Mỹ sẽ hỗ trợ cho đồng minh Philippines trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Vậy Luật ứng xử của các bên ở Biển Đông mà giới Ngoại giao Hoa Kỳ nôn nóng lập ra là gì? Triển vọng áp dụng của nó ra sao?
Ý tưởng tạo ra một quy định pháp lý như vậy xuất hiện tại ASEAN từ năm 1992. Nhưng do thiếu quan điểm thống nhất giữa các nước thành viên Hiệp hội trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, thay vì một đạo luật ràng buộc pháp lý, năm 2002 họ đã thông qua Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, chỉ có tính chất khuyến nghị mà không ràng buộc. Và bây giờ hơn 10 năm đã qua, vấn đề thông qua Bộ luật vẫn trong chương trình nghị sự các phiên họp ASEAN. Trung Quốc là nước đầu tiên chống lại luật này, bởi vì trong Tuyên bố hiện tại có nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương khiến phía Bắc Kinh rất hài lòng. Cuối cùng, lớp băng đã tan dần. Mùa thu năm 2013, cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với đối tác Trung Quốc về việc xây dựng Bộ luật đã được tiến hành. Nhưng niềm vui của các nước ASEAN không kéo dài được lâu. Từ tháng 1 năm 2014 quy định hạn chế quyền lợi thủy sản ASEAN ở Biển Đông có hiệu lực và được thiết kế để thể hiện vấn đề ai là chủ nhân ông trong vùng biển này.
Thảo luận về Bộ luật là sự kiện tuyên truyền thể hiện hoạt động ngoại giao, mối quan tâm về an ninh trong khu vực Biển Đông và Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chính thức nhiều hơn và kiểm soát nhiều hơn nữa các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc coi là của mình. Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương của Viện Viễn Đông, ông Dmitry Mosyakov cho biết:
“Các lĩnh vực xung đột chính là cuộc đấu tranh vì nguồn hải sản và các tài nguyên dầu khí, kiểm soát tuyến đường biển. Nhưng ở đây có một lý do chính trị. Mong muốn biến những hòn đảo và vùng biển Hoa Nam thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc thể hiện tốc độ gia tăng quyền lực, ảnh hưởng chính trị và khả năng của Bắc Kinh.”
Sự phát triển xung đột này khiến cho các bên mất lòng tin, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang, làm cho tình hình toàn bộ khu vực thêm căng thẳng. Cần phải có những động thái quyết định để giải quyết tình hình. Phương án thỏa hiệp có thể thay đổi chương trình nghị sự, phát lộ vấn đề quan trọng nhất và duy trì đàm phán riêng biệt. Ông Dmitry Mosyakov nói tiếp:
“Có thể tiến hành các cuộc đàm phán như vậy về khai thác thủy sản, về dầu khí, về tự do hàng hải trên vùng biển tranh chấp, chống đối đầu quân sự và chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang. Có khả năng là thỏa thuận thành công trên một số lĩnh vực này sẽ thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực khác. Ngoài ra, sẽ phát triển các điều kiện để tiếp tục đàm phán xây dựng giao tiếp tốt hơn và tham khảo ý kiến, điều đó sẽ tạo ra bầu không khí thuận lợi hơn, thúc đẩy việc giải quyết vấn đề trong tương lai.”
Tất cả những bước này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của xung đột, nhưng vấn đề phân giới cắm mốc lãnh thổ không thể giải quyết về cơ bản. Điều này đòi hỏi sự thỏa hiệp hữu hình nhiều hơn. Nói cách khác, câu chuyện về luật ứng xử sẽ vẫn chỉ là lời nói suông, và tình hình ở Biển Đông sẽ phải tiếp cận ranh giới định mệnh.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment