Thế giới chi bao nhiêu cho quốc phòng?
Saturday, February 8, 2014
Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn tại nhiều khu vực, song thế giới vẫn mở rộng hầu bao cho ngân sách quốc phòng trong năm 2013 và xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay.
Đồ họa chi tiêu quốc phòng của các nước. Nguồn: Vietnamplus
"Quán quân” quen thuộc
Theo báo cáo thường niên mang tên Cân bằng Quân sự do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh vừa công bố, trong năm 2013, với 600,4 tỷ USD, Mỹ đã giành ngôi vị quán quân về chi tiêu quốc phòng. Chỉ tính riêng chi phí quân sự của Mỹ đã gần bằng tổng chi phí quân sự của 15 nước tiếp sau trong lĩnh vực này. Nếu so với tổng chi phí quân sự của các nước dưới thứ hạng 15, con số 320 tỷ USD của các nước này chỉ tương đương hơn một nửa mức chi của Mỹ. Vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Trung Quốc và Nga với con số tương ứng là 112,2 tỷ USD và 68,2 tỷ USD.
Trong khi đó, với số liệu chênh lệch không quá lớn so với của IISS, báo cáo của hãng phân tích an ninh - quốc phòng IHS Jane’s cho biết, năm 2013, chi phí quốc phòng của Mỹ là 582,4 tỷ USD-lớn nhất thế giới, tiếp theo là Trung Quốc 139,2 tỷ USD và Nga 68,9 tỷ USD. Cũng theo IHS Jane’s, trong khi mức chi tiêu quân sự của các cường quốc đậm dấu ấn về quy mô thì Trung Đông lại gây ấn tượng với tốc độ gia tăng nhanh nhất, trong đó Ô-man và A-rập Xê-út đã tăng hơn 30% trong hai năm qua. Riêng A-rập Xê-út, trong 10 năm qua, ngân sách quốc phòng đã tăng gấp hơn 3 lần.
IHS Jane’s dự báo trong năm 2014, tổng chi tiêu quốc phòng của toàn cầu dự kiến đạt 1.547 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013 và động lực tăng trưởng trong chi tiêu quân sự sẽ đến từ Nga, Trung Quốc và Trung Đông. Ngân sách quốc phòng của Nga dự kiến sẽ tăng 44% trong 3 năm tới lên 98 tỷ USD vào năm 2016. Riêng Trung Quốc, đến năm 2015, chi phí quốc phòng sẽ vượt tổng chi của Anh, Đức và Pháp. Với đà như hiện nay, chi phí quốc phòng của Nga và Trung Quốc trong năm 2014 dự kiến sẽ cao hơn tổng chi phí quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU). Cho dù vẫn là nước dẫn đầu về phí tổn trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng chi phí của Mỹ sẽ giảm xuống còn khoảng 575 tỷ USD vào năm 2014 và 535 tỷ USD vào năm 2015 do cắt giảm chi tiêu.
Chuyển dịch trọng tâm
Đối với xu thế tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng hiện nay, giới phân tích cho rằng cần phải lưu ý tới bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang củng cố và phát triển quân sự dựa trên sự phát triển mạnh của nền kinh tế. Chuyên gia G. Ra-gien-đran (G. Rajendran) của IISS cho rằng, nếu Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay thì ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh có thể đuổi kịp Mỹ trong khoảng "giữa đến cuối những năm 2030". Bên cạnh đó, những căng thẳng liên quan đến các tranh chấp chủ quyền tại châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ tác động đến việc chi tiêu quốc phòng ở khu vực này.
Riêng đối với Nga, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng là nhằm đối phó với nguy cơ quân sự mang tính chiến lược. Chương trình phòng thủ tên lửa và triển vọng phát triển vũ khí trên vũ trụ của Mỹ vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh của Nga. Vẫn còn nhiều cuộc xung đột khu vực, trong đó có những khu vực giáp biên với Nga, chưa được giải quyết và mang xu hướng giải quyết bằng vũ lực. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố, mà nguồn cơn chính là từ tình hình khu vực Bắc Cáp-ca-dơ, cũng là mối lo không thể xem thường với Nga bởi đằng sau đó là hoạt động chống đối của những lực lượng và tổ chức Hồi giáo cực đoan với mục tiêu ly khai, là xung đột về sắc tộc và tôn giáo ở một số nước cộng hòa và khu vực lãnh thổ tại vùng này.
Giới phân tích cho rằng, chi tiêu quân sự ở châu Á và Trung Đông tiếp tục gia tăng trong khi Mỹ và phương Tây thu hẹp lại do ảnh hưởng từ các chính sách thắt lưng buộc bụng đang làm thay đổi cán cân quân sự trên toàn cầu. Cũng chính vì vậy mà mới đây Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) A. Ra-xmút-xen (A. Rasmussen) cho rằng, ảnh hưởng của phương Tây trên vũ đài thế giới đang giảm dần vì phải giảm chi tiêu quân sự. Theo ông A. Ra-xmút-xen, việc Mỹ và châu Âu giảm ngân sách quốc phòng, trong khi Nga và Trung Quốc tăng mạnh sẽ dẫn đến tình trạng “tiếp tục chuyển dịch trọng tâm chi tiêu quốc phòng xuống phía nam và sang phía đông”.
HOÀNG VŨ - QĐND
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment