Trung Quốc kích hoạt cuộc đuổi bắt vũ trang
Thursday, February 13, 2014
Dưới tác động trực tiếp từ Trung Quốc, nhiều nước châu Á tăng chi phí hiện đại hóa quân sự; cuối những năm 2030, Trung Quốc sẽ tương đương với Mỹ.
10 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới năm 2013 (tính theo tỷ USD)
Ngày 5/2, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đã công bố báo cáo thường niên về cán cân quân sự thông qua thống kê quy mô chi phí quân sự năm 2013 của một số nước có chi phí quân sự lớn nhất trên thế giới.
Xu hướng tăng cường ngân sách quân sự tại châu Á
Trong báo cáo về ngân sách quân sự năm 2014, các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, có trụ sở tại London, khẳng định việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự quy mô lớn trong những năm gần đây buộc các nước láng giềng phải gia tăng chi phí quốc phòng. Báo cáo trên cho biết xu thế tăng cường sức mạnh quân sự đã phát triển nhanh khắp thế giới trong bối cảnh Trung Quốc có có sự cạnh tranh ngầm với Mỹ. Trung Quốc hiện đang củng cố và phát triển quân sự dựa trên sự phát triển mạnh của nền kinh tế và để đối phó với chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ và việc Nhật Bản năm 2013 tăng chi phí quốc phòng, giữa lúc hai nước đẩy mạnh cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Theo báo cáo này, Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng trong năm 2013 với số tiền bỏ ra lên đến 600,4 tỷ USD. Chỉ tính riêng chi phí quân sự của Mỹ đã gần bằng tổng chi phí quân sự của 15 nước đứng đầu trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tổng chi phí quân sự của các nước dưới thứ hạng 15 chỉ ở mức 320 tỷ USD, tương đương một nửa mức chi tiêu quân sự của Mỹ.
Theo sát Mỹ ở vị trí thứ hai là Trung Quốc, nước đã chi đến 112,2 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng - gần gấp đôi mức chi phí 68,2 tỷ USD của Nga - quốc gia đứng ở vị trí thứ ba.
Trong năm 2013, chi phí quân sự của khu vực châu Á đã tăng 11,6% so với năm 2010, chủ yếu là do ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Riêng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm hơn một nửa trong tỷ lệ gia tăng nói trên. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay gấp ba lần của Ấn Độ và còn cao hơn cả tổng chi phí quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan gộp lại. Ấn Độ là quốc gia lớn thứ bảy trên thế giới đầu tư vào quốc phòng (chiếm khoảng 2,5% của GDP).
Giám đốc IISS John Chipman nhận định rằng các chi phí quân sự này đã thúc đẩy mạnh thị trường vũ khí tại một vùng ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột do các tranh chấp lãnh thổ và từ lâu nay đã có nhiều điểm nóng. Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ là vùng có khả năng phát triển nhanh, giữ một vị trí trung tâm trong nền kinh tế thế giới, mà còn là nơi tiếp tục gây lo ngại do nguy cơ xung đột và leo thang căng thẳng. Một trong những ví dụ cụ thể là quan hệ Trung-Nhật rơi xuống mức thấp nhất, kể từ một năm qua, do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Bất chấp tình hình kinh tế còn khó khăn tại nhiều khu vực, chi phí quốc phòng toàn cầu trong năm 2014 dự báo sẽ tăng trở lại sau 5 năm có chiều hướng giảm.
Báo cáo đánh giá ngân sách quốc phòng hàng năm, công bố ngày 4/2 của tổ chức IHS Jane’s Defence Budget Review, cho biết trong năm nay tổng chi tiêu quốc phòng của toàn cầu dự kiến đạt 1.547 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quốc phòng của toàn cầu quay lại chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do chi phí quân sự của khu vực Trung Đông, châu Á, Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.
Trung Quốc tái phân bổ ngân sách: ưu tiên hải quân và không quân
Nghiên cứu của IISS phân tích rằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đang buộc các nước láng giềng tăng chi tiêu quốc phòng, song sẽ mất nhiều thập niên nữa Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ với tư cách một siêu cường quân sự. Nhưng với tốc độ tăng chi phí quân sự như trong những năm vừa qua, có thể vào cuối những năm 2030, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tương đương với Mỹ.
Theo một phân tích của chuyên gia cấp cao Felix K. Chang thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại (Geneva) hồi cuối năm ngoái, trong suốt những năm 1990, Trung Quốc đã công bố giảm bớt chi phí quân sự gia tăng của mình và chắc chắn chi tiêu quốc phòng không bao giờ thấp hơn tuyên bố. Vào đầu thập kỷ này, phần lớn ngân sách quân sự của Trung Quốc đã được dành để chuẩn bị cho việc huy động quốc gia và duy trì lực lượng thông thường với số lượng lớn. Nhưng trong một vài năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu tái phân bổ ngân sách, chuyển các nguồn lực từ các lực lượng bộ binh sang lực lượng hải quân và không quân. Trung Quốc đã giảm mạnh lực lượng bộ binh với việc cho xuất ngũ hơn một triệu quân; quân đội giảm từ hơn 120 sư đoàn xuống còn chưa tới 60 sư đoàn được trang bị đầy đủ vào cuối thập kỷ này.
Điểm đáng chú ý là quá trình này đi kèm với việc thúc đẩy các nguồn lực dành cho nghiên cứu, phát triển và mua lại của các hệ thống vũ khí mới. Viện Thiết kế Máy bay Thành Đô của Trung Quốc và Tổng công ty Máy bay Thẩm Dương đã làm giới quan sát sửng sốt khi cho ra mắt máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo J-20 và J-31. Lực lượng không quân của Trung Quốc bắt đầu chuyển mình, từng bước thay thế các máy bay chiến đấu cũ bằng các loại máy bay chiến đấu Su-30MKK và Su-27SK hiện đại hơn của Nga và những loại máy bay chiến đấu sản xuất trong nước J-10 và J-11. Lực lượng không quân cũng được hiện đại hóa thích nghi với chiến trường “thông tin hóa”. Lực lượng quân sự thông thường cũng đã có tên lửa không đối không mới và tên lửa hành trình phóng từ dưới biển chống tàu đầu tiên. Trung Quốc đưa vào quỹ đạo vệ tinh quân sự riêng của mình cũng như thiết kế và thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, đầu tiên vào năm 2007 và sau đó có thể lặp lại sớm nhất vào năm 2013.
Ngay từ năm 1991, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau khi chứng kiến sự thành công không thể phủ nhận về vũ khí và cách tổ chức quân đội của Mỹ trong cuộc xung đột vùng Vịnh Pếcxích, nhận ra sự cần thiết phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang của họ. Nhưng mãi cho đến khi Bắc Kinh thất bại trong việc ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ trong nỗ lực đe dọa Đài Loan về việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào năm 1995 và 1996, Trung Quốc mới tiếp tục mục tiêu hiện đại hóa quân sự một cách nghiêm túc. Cuối cùng giới lãnh đạo Trung Quốc đã được thuyết phục rằng việc xây dựng lực lượng xung quanh lãnh thổ theo cách nghĩ truyền thống là không đủ để chống lại sức mạnh hải quân và không quân của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng chỉ có cách hiện đại hóa quân sự toàn diện mới có thể hy vọng giữ cho các lực lượng Mỹ không mở rộng sức mạnh quân sự cũng như ngăn chặn các nước khác tác động đến “lợi ích cốt lõi”, bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ ở phía Đông, và Biển Đông và trên khu vực biên giới Himalaya, ngăn chặn vòng vây địa chính trị bao quanh Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ về quân sự, thì các nước châu Á khác đều nhận thấy an ninh của họ sụt giảm. Không có gì ngạc nhiên về việc Ấn Độ nhanh chóng hành động. Trong suốt những năm 2000, New Delhi không ngừng lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với việc lưỡng dụng hóa các cơ sở hạ tầng sân bay, đường sắt, và đường bộ ở Tây Tạng và những lợi ích an ninh, thương mại ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương. Các chuyên gia an ninh Ấn Độ đã nhận thấy Trung Quốc phát triển một "chuỗi ngọc trai" trên Ấn Độ Dương và có thể một ngày nào đó bao vây Ấn Độ.
Một số người hiện nay cho rằng sự tăng cường quân sự của châu Á có thể dẫn đến tình trạng chạy đua vũ trang tại khu vực. Cho đến nay, điều đó chưa xảy ra, ít nhất là theo nghĩa đen: nếu không có lý do nào khác thì không một quốc gia châu Á hoặc liên minh các quốc gia có thể đủ khả năng để cạnh tranh trực tiếp với tốc độ cũng như quy mô hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, ngăn cản sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy chưa hẳn là một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng phần lớn việc tăng cường trang bị quân sự của châu Á có thể được mô tả như là một cuộc đuổi bắt vũ trang do Trung Quốc kích hoạt./.
Nguyễn Nguyên - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment