Giới truyền thông Trung Quốc từng coi việc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm là “trận đánh tự vệ trên biển qui mô không lớn, nhưng có ý nghĩa”. Bởi kể từ khi chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa đến nay, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để hợp thức hoá vấn đề này. Và một lần nữa, hành động ngang ngược của Trung Quốc tiếp tục bị dư luận quốc tế lên án.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
Giới bình luận coi những động thái của Trung Quốc thời gian qua đều được tính toán kỹ lưỡng, được yểm hộ chặt chẽ và cụ thể từ các ban, bộ, ngành. Và rất dễ nhận thấy, Trung Quốc đang dần hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò” và quyết độc chiếm Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam.
Ngày 10-1, tại khách sạn Le Meridan ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra hội thảo bàn tròn với chủ đề “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc và những thách thức hàng hải mới đối với châu Á-Thái Bình Dương và cấu trúc an ninh Biển Đông”. Hội thảo do Viện nghiên cứu Stratcore Group của Ấn Độ tổ chức, với sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia và giới báo chí. Và tại đây một số diễn giả đã chỉ trích hành động chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước đó (1-1), tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, lễ thượng cờ (phi pháp) tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) đã được Trung Quốc tiến hành, đồng thời triển khai cái gọi là “đợt huấn luyện chấp pháp, xử phạt tàu đánh bắt phi pháp năm 2014” với sự tham gia của 14 thuyền và 190 nhân viên. Đây được coi là phép thử tiếp theo, gần hơn, mạnh hơn, có sức răn đe lớn hơn mà Trung Quốc đang nhắm vào các quốc gia lân cận trong khu vực.
Cũng trong ngày 1-1, Tân Hoa xã cho biết, giới chức Trung Quốc cho công bố wesbite của cái gọi là “chính quyền Thành phố Tam Sa” và phát hành “nhật báo Tam Sa”. Theo “Thị trưởng Tam Sa”, ông Tiêu Kiệt, năm 2014 sẽ là “cơ hội để phát triển xây dựng thành phố”.
Ngày 22-7-2013, tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc bắt đầu chuyến đi 5 ngày đến quần đảo Hoàng Sa và đây là chuyến đi thứ 4 của tàu này tới quần đảo Hoàng Sa kể từ đầu năm 2013. Chuyến đi do Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc mới được tái cơ cấu và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc tổ chức, với sự tham gia của hơn 40 thủy thủ. Trước đó (17-7-2013), tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là "Thành phố Tam Sa".
Phó Thị trưởng Phùng Văn Hải ngang ngược tuyên bố, sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, và từng bước tiến tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã (24-7-2012) gắn biển trụ sở cái gọi là “Thành phố Tam Sa” và đẩy mạnh các hoạt động dân sự, kinh tế, vơ vét tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ máy hành chính “cai trị Biển Đông”.
Gần 9 tháng trước (24-5-2013), tờ China Daily đưa tin, các tour du lịch (phi pháp) đến quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) đã bắt đầu được bán tại các hãng du lịch lớn sau khi nhà chức trách Trung Quốc đánh giá họ đã có cái gọi là “một chuyến thử nghiệm thành công” hồi tháng trước. Theo đó, ngày 24-5-2013 có 150 khách du lịch Trung Quốc đi tour này (5 ngày tới Hoàng Sa) với giá từ 7.000 NDT đến 9.000 NDT/người và mỗi tháng sẽ có 1-2 tour như vậy. Bởi trước đó (28-4-2013), tàu du lịch Coconut Princess (Gia Hương công chúa) đã chở 240 người Trung Quốc du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhưng theo tờ Shanghai Morning Post, chỉ khoảng 100 trong số 240 người tham gia chuyến đi kéo dài 4 ngày kể trên là dân thường, số còn lại là cán bộ công chức thuộc các cơ quan chính quyền ở tỉnh Hải Nam. Ngoài ra, tàu Gia Hương công chúa đã thực hiện chuyến đi với sự hộ tống của tàu thuộc lực lượng bán quân sự của Trung Quốc.
Ngoài việc tổ chức hội thi câu cá (trái phép) tại đảo Đá Bắc và một số đảo thuộc nhóm đảo Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (từ 12 đến 16-5-2013), Trung Quốc còn điều tàu Thực Nghiệm 2 xuống (khảo sát, thu thập dữ liệu về địa chất khu vực phía Bắc Biển Đông) hoạt động trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (do Sở nghiên cứu Hải dương Nam Hải thuộc Viện khoa học Trung Quốc đăng cai).
Hơn 1 năm trước (8-1-2013), tờ Nhật báo Công nghệ Trung Quốc cho biết, cuối tháng 12-2012 Trung Quốc đã biên chế một số chiến đấu cơ loại mới do nước này "tự chế tạo" cho 1 sư đoàn không quân chủ lực của hạm đội Nam Hải. Và những chiến đấu cơ này đã thực hiện cái gọi là "đóng quân, bay tuần tra" trái phép tại quần đảo Hoàng Sa.
Gần 1 năm trước (1-4-2013), tờ Tin tức Tài chính (Trung Quốc) cho hay, chính quyền của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" đang lên kế hoạch phát triển các hoạt động thương mại, du lịch và sòng bạc tại đây. Bởi việc mở sòng bạc tại "Thành phố Tam Sa" sẽ thu hút khách du lịch ra thăm quan (trái phép), đồng thời tạo ra "thiên đường trốn thuế" cho khách nước ngoài. Trước đó (20-1-2013), tờ Tân Kinh đưa tin, Bắc Kinh vừa ban hành "Quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc 5 năm lần thứ 12", trong đó sẽ xây dựng các khu nghỉ mát, du lịch nhiệt đới tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 7-1-2013, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, Bắc Kinh đã đầu tư 74 triệu NDT để xây dựng (trái phép) một trạm khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng đã đầu tư 2,88 triệu USD để xây dựng bệnh viện trên đảo Phú Lâm (hoạt động từ tháng 6-2013).
Theo giới truyền thông, sau khi thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" phi lý và trái phép nhằm "quản lý" 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và gần 90% diện tích Biển Đông, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng trái phép các công trình cơ sở hạ tầng trên quần đảo Hoàng Sa nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trái phép các công trình cơ sở hạ tầng mang tính bền vững tại đảo Phú Lâm và một số đảo khác trong quần đảo Hoàng Sa, bao gồm hệ thống đường giao thông, bệnh viện, sân bay, kho xăng, trạm xử lý nước thải - rác thải, cầu cảng với tổng số tiền lên tới 1,6 tỉ USD. Ngày 29-9-2012, Thị trưởng của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" Tiêu Kiệt đã thông báo khởi công chương trình xây dựng nhà ở phi pháp tại đảo Phú Lâm, với tổng vốn đầu tư 18,7 triệu NDT (2,97 triệu USD).
Ngày 16-11-2012, chính quyền của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" đã lập đội "Lôi Phong trên biển" chuyên cung cấp nước ngọt, rau quả và các nhu yếu phẩm cho ngư dân Trung Quốc kéo ra đánh bắt phi pháp tại ngư trường phụ cận quần đảo Hoàng Sa. Trước đó (10-11-2012), Trung Quốc đã xây dựng nhà máy lọc nước biển trị giá 70 triệu NDT tại đây. Trước đó (8-10-2012), phòng khí tượng của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" chính thức được thành lập tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Được biết, sau một tháng ngang nhiên thành lập cái gọi là “Trung tâm hành chính Tam Sa”, ngày 28-8-2012, Trung Quốc chính thức gắn biển thành lập Cục cung cấp điện Tam Sa tại đây. Trước đó (25-8-2012), Tân Hoa Xã cũng thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm. Ngày 22-7-2012, Công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam đã đưa vào hoạt động trái phép Trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm. Đây là những động thái nhằm tiếp tục các hoạt động tuyên truyền bóp méo sự thật về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Ngày 28-8-2013, Vụ Bưu chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã phản đối Bưu chính Trung Quốc phát hành tem vi chủ quyền Việt Nam. Trước đó, cậu lạc bộ Viet Stamp thuộc Hội tem Thành phố HCM đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội tem Việt Nam nêu rõ quan điểm phản đối Bưu chính Trung Quốc về vấn đề này. Được biết, nhân ngày du lịch quốc gia 19-5-2013, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem mang tên “Mỹ lệ Trung Quốc”, trong đó có tem "Tam Sa Thất Liên Dữ" in các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bưu chính Trung Quốc còn phát hành mẫu phong bì FDC và một bưu ảnh mang hình nhóm đảo kể trên./.
Đông Ngàn - Từ Sơn - PetroTimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment