Vì Biển Đông, Mỹ - Trung "đe" nhau ngay tại Bắc Kinh
Sunday, February 16, 2014
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh ngày hôm qua (14/2), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiếp tục cảnh báo chống lại các động thái đơn phương hòng áp đặt cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (phải)
Sau một ngày tiếp kiến và hội đàm với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kerry nhấn mạnh rằng, ông cũng đã nêu bật sự cần thiết phải giảm bớt những lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Chuyến công du châu Á của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 cường quốc hàng đầu khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng và căng thẳng nhất trong những năm gần đây do tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Hồi năm ngoái, Washington đã rất giận dữ trước việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao trùm lên không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật. Và nay, trước thông tin Trung Quốc có thể đang xem xét thiết lập một ADIZ tương tự ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có đồng minh Philippines của Mỹ, dù Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận, song Washington và không thể không cảnh báo.
“Chúng tôi đã làm rõ rằng, các hành động đơn phương, không báo trước và không qua tham vấn như vậy có thể sẽ gây thách thức với một số quốc gia trong khu vực, và do đó, sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực”, ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho hay, bất kỳ động thái nào như vậy trong tương lai cũng nên được thực hiện một cách “cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm”. Đồng thời, Trung Quốc phải đáp ứng “các tiêu chuẩn cao nhất” của sự cởi mở để “giảm nhẹ bất kỳ khả năng hiểu lầm nào”.
Các cuộc trao đổi giữa ông Kerry và lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh cũng tập trung vào các “phương hướng cụ thể trước mắt” để giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.
Trước những tuyên bố cảnh báo mạnh mẽ từ người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Washington tôn trọng các lợi ích “chủ quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo ông Vương Nghị, nhìn chung, tình hình Biển Đông đang ổn định. Trung Quốc có đủ tự tin để làm việc với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm bảo vệ hòa bình khu vực. Trung Quốc và ASEAN đã thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tăng cường hợp tác hàng hải. Bên cạnh đó, việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng đang tiến triển thuận lợi.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, sự tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông đã, đang và sẽ luôn luôn được đảm bảo và không thể nghi ngờ về điều này. Tất cả các nước có quyền hợp pháp đều được tự do hàng hải ở Biển Đông.
Mặc dù vẫn khăng khăng cho rằng, Trung Quốc có cái gọi là “bằng chứng lịch sử” cũng như “cơ sở pháp lý” về “chủ quyền” ở Biển Đông và biển Hoa Đông, song ông Vương cho biết: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình và tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp với các nước láng giềng thông qua đàm phán và tham vấn”.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, không ai có thể làm lung lay quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ “chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ông kêu gọi Mỹ tôn trọng “sự thật lịch sử” và “lợi ích quốc gia” của Trung Quốc, tuân thủ một lập trường khách quan và không thiên vị, đồng thời có những hành động thiết thực để thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực, nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định.
Ngoài ra, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vấn đề CHDCND Triều Tiên cũng được nêu bật trong chương trình nghị sự giữa ông Kerry và lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh. Hai bên đã đưa ra các ý tưởng cụ thể trên bàn đàm phán nhằm tìm cách thúc đẩy đồng minh của Trung Quốc thực hiện các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Minh Châu - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment