Chiến lược "xoay trục" của Mỹ đang mất đà?
Thursday, February 20, 2014
Diễn tiến tình hình ở châu Á có vẻ không giống như những gì người Mỹ mong đợi.
Mỹ bị nghi ngờ là đã “buông xuôi” khu vực vì thái độ hung hăng, cứng rắn của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng
Có vẻ như chính quyền Obama rất “nhạy cảm” trước những “lời ra tiếng vào”, cáo buộc họ đang lơ là với châu Á. Chính vì vậy, các quan chức Mỹ đã nỗ lực nhắc nhở thế giới rằng: Chuyến thăm 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia vừa qua là chuyến công du lần thứ 5 tới Đông Bắc và Đông Nam Á trong vòng 1 năm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.Tuy nhiên, theo Economist (Anh), chính sách ngoại giao, những nỗ lực khẳng định hay thúc đẩy cam kết của Mỹ ở khu vực có vẻ không được “đền đáp” xứng đáng. Quan hệ với cường quốc mới nổi - Trung Quốc vẫn khó khăn. Mỹ lại có mâu thuẫn về các vấn đề quan trọng với đồng minh lớn nhất của mình ở khu vực là Nhật Bản. Và thứ ba, các nỗ lực đúc kết Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng đã không hoàn thành được theo thời hạn dự trù và khả năng vẫn sẽ tiến một cách ì ạch nếu ê kíp của ông Obama không được Quốc hội Mỹ trao quyền gọi là "tiến nhanh" để đạt thỏa thuận.Về nhân tố Trung Quốc, một số nhà ngoại giao châu Á đã nhận xét rằng, sở dĩ Mỹ bị nghi ngờ là đã “buông xuôi” khu vực là vì thái độ hung hăng, cứng rắn của Trung Quốc gần đây nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Theo đó, ông Obama đã bắn đi một tín hiệu sai lạc khi hủy không tham dự hai cuộc họp thượng đỉnh ở Đông Nam Á hồi tháng 10 năm ngoái do chính phủ của ông bị đóng cửa một phần.Dù là nguyên nhân nào thì hành vi được cho là hung hăng của Trung Quốc cũng đưa đến một hậu quả: đó là cản trở việc hình thành mối quan hệ hợp tác trên bình diện rộng mà cả Trung Quốc và Mỹ đều nói là họ muốn thiết lập. Thay vào đó, các cuộc họp bị lu mờ bởi những căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là mối lo ngại về nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh không quân và hải quân hai bên đều gia tăng tuần tra các vùng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.Mỹ cho biết, họ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền các hòn đảo, nhưng công nhận chúng thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và do đó, nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh với Nhật Bản.Vào đầu tháng 2, một quan chức cấp cao của Mỹ đã chỉ trích tuyên bố đơn phương áp đặt “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên một phần biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật. Nhân vật Mỹ này cảnh báo rằng, nếu Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ khác trên Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với 4 quốc gia Đông Nam Á và vùng lãnh thổ Đài Loan, điều đó có thể buộc Mỹ phải bố trí lại lực lượng.Cũng theo một chiều hướng đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách châu Á - Thái Bình Dương Danny Russel đã công kích “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đã tự vẽ ra trong một tấm bản đồ từ những năm 1940 để đòi “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông. Ông Russel nói, “đường lưỡi bò” đó hoàn toàn không có gí trị pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).Trung Quốc đương nhiên đã bác bỏ các chỉ trích của Mỹ mà họ cho rằng đang kích động, “vẽ đường” cho các nước thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Việc Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông với phát xít Đức trong những năm 1930 là một ví dụ.Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, mặc dù cũng là một đồng minh có hiệp ước phòng thủ với Mỹ, nhưng trái với lời hứa của Washington với Nhật Bản trong trường hợp quần đảo Senkaku, Mỹ đã nói rõ là bảo đảm an ninh của họ đối với Philippines không bao gồm khu vực tranh chấp với Trung Quốc (và với những nước khác).Tương tự như vậy, Tân Hoa xã - hãng tin chính thức của Trung Quốc, đã cáo buộc Mỹ tiếp tục “làm cho kẻ gây rối Nhật Bản hư hỏng”. Đối với Trung Quốc, quyết định đến thăm ngôi đền thờ tội phạm chiến tranh Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong tháng 12/2013 là bằng chứng về thái độ không ăn năn đối với quá khứ đế quốc của Nhật Bản và bộc lộ ý định làm sống lại thời quân phiệt vàng son của Tokyo. Rồi đến đầu tháng 2 này, một người được ông Abe cử lên lãnh đạo đài truyền hình quốc gia NHK lại lên tiếng phủ nhận vụ tàn sát Nam Kinh do lính Nhật gây ra vào năm 1937...
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Đối với Mỹ, tất cả những điều trên là một bài toán nhức đầu. Theo Economist, Washington muốn Nhật Bản gánh vác thêm vấn đề an ninh khu vực. Mỹ cũng hoan nghênh mong muốn của ông Abe giải thích lại hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, giảm nhẹ các hạn chế đang trói tay nước này về mặt quân sự. Bởi thực tế, Mỹ cũng cần sự hỗ trợ của ông Abe trong kế hoạch di chuyển một căn cứ không quân Mỹ gây tranh cãi trên đảo Okinawa. Nhưng Mỹ không thể không lên án xu hướng của cánh hữu Nhật Bản, coi mọi sự chỉ trích tội ác chiến tranh của NhậtÔng Obama là đến thăm Nhật Bản (cũng như Malaysia, Philippines và Hàn Quốc) vào tháng 4 tới. Ở Nhật Bản, ông sẽ phải tìm cách tách biệt Mỹ với chủ nghĩa xét lại của ông Abe. Tuy nhiên, nếu tỏ ra quá nghiêm khắc với ông Abe, Mỹ sẽ biếu không cho Trung Quốc một chiến lợi phẩm ngoại giao: một rạn nứt công khai giữa hai đồng minh hiệp ước.Chiến lược của Mỹ trong khu vực hiện đang phải chịu tác hại từ quan hệ xấu đi trông thấy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - nước thậm chí còn nhạy cảm hơn Bắc Kinh trước những nỗ lực viết lại lịch sử của Nhật Bản.Trong khi đó, lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chính là đồng ý với nhau về một chiến lược chung để đối phó với Triều Tiên. Thế nhưng 4 nước này còn quá bận rộn trong việc bất đồng ý kiến với nhau.
Minh Châu - PetroTimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment