Vì sao quan hệ Nga - Nhật ấm lên nhanh chóng?
Sunday, February 16, 2014
Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết được một hiệp định hòa bình vĩnh viễn kể từ khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên gần đây mối quan hệ này lại ấm lên một cách nhanh chóng...
Tổng thống Nga V. Pu-tin gặp Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê ngày 8-2 tại Sochi. Ảnh: Ria Novosti
Một trong những tồn tại chính giữa Nga và Nhật Bản là vấn đề chủ quyền 4 đảo nhỏ thuộc quần đảo do Nga quản lý ngoài khơi Hốc-cai-đô mà Mát-xcơ-va gọi là Nam Cu-rin còn Tô-ki-ô gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đã lên tiếng tuyên bố, ông muốn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt gần 7 thập niên qua với Nga trước khi rời nhiệm sở. Thủ tướng S. A-bê cho biết: “Tôi quyết tâm bằng cách nào đó giải quyết vấn đề này khi còn làm thủ tướng. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để xử lý những thách thức lớn nhằm giải quyết vấn đề với đất nước đang quản lý 4 hòn đảo này và tiến tới ký một hiệp ước hòa bình”. Trước đó tại Sochi, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin) cũng đã nhất trí thúc đẩy đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ bắt nguồn từ việc Liên Xô nắm quyền quản lý Nam Cu-rin từ năm 1945, sau khi phát-xít Nhật đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngay sự kiện Thủ tướng S. A-bê thăm và dự Lễ khai mạc Olympic Sochi, nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, việc coi trọng mối quan hệ với Nga đang là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc, việc Nhật Bản muốn xây dựng mối quan hệ tốt với Nga cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, việc cải thiện quan hệ với Nga cũng giúp Nhật Bản có ưu thế hơn trong việc thuyết phục Mát-xcơ-va xếp Tô-ki-ô là khách hàng ưu tiên trên thị trường khí đốt, góp phần giải bài toán năng lượng mà nước này đang phải đối mặt.
Trong khi đó, theo nhận xét của Giáo sư Lưu Giang Vĩnh, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, không chỉ Nhật Bản mà cả Trung Quốc cũng đều rất coi trọng tầm quan trọng lớn của mối quan hệ với Nga vì họ hy vọng Nga sẽ đóng một vai trò tích cực trong an ninh khu vực và họ muốn giành được sự ủng hộ của Nga trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Xên-ca-cư. Hay có thể nói rằng, cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tô-ki-ô đã "mở cửa" để ông Pu-tin bước vào khu vực Đông Á với vai trò như "một trung gian mới đầy quyền lực". Và rõ ràng, ông Pu-tin sẽ không để tuột mất cơ hội này.
Giáo sư Lưu Giang Vĩnh cũng nhận định: “Những cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã cho phép Nga gia tăng ảnh hưởng của họ ở châu Á bằng cách hợp tác với Trung Quốc, trong khi họ cũng tiến hành thương lượng với Nhật Bản”. Ông Lưu Giang Vĩnh cho rằng, Nga đang thực hiện một cách tiếp cận tế nhị, tìm cách gia tăng ảnh hưởng của nước này trong bối cảnh hai cường quốc lớn ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đang bất hòa do tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Xên-ca-cư và chuyến thăm đầy tranh cãi của Thủ tướng A-bê tới đền Y-a-xư-cư-ni vào tháng 12 vừa qua.
Ẩn chứa nhiều toan tính, mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Nhật Bản được xem là một bước đi cùng có lợi của chính quyền hai nước. Nhật Bản có thể tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn, thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ như trước đây nhằm tăng vị thế trong khu vực và quốc tế. Còn đối với Nga, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản có thể giúp phục vụ chính lược "xoay trục" về châu Á-Thái Bình Dương của riêng mình.
HÙNG HÀ - QĐND
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment