Biên niên sự kiện Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 (Kỳ 1)
Thursday, February 6, 2014
Cách đây 35 năm, vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã đưa hàng chục vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, tiến hành cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ biên giới phía Bắc.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979
Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả hai nước, đặc biệt là hậu quả lâu dài đối với quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển đến bạn đọc Biên niên sự kiện về cuộc chiến tranh này. Qua đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị láng giềng Việt - Trung với phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Thông qua sách báo, tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, bạn đọc sẽ thấy được những nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh này.
Phần I: Trung Quốc kiếm cớ tấn công Việt Nam
Từ thời kỳ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, phía Trung quốc đã có những động thái can thiệp thiếu thiện chí, nhằm kéo dài cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của Việt Nam. Do bất đồng quan điểm, những mâu thuẫn bắt đầu phát sinh giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Đến cuối năm 1978, căng thẳng giữa Việt Nam với Campuchia và Trung Quốc đều lên tới đỉnh điểm.
Lúc này, chính quyền Khmer Đỏ liên tục tiến công lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở những tỉnh biên giới Tây Nam, tàn sát dân thường, gây ra những cuộc thảm sát dã man bậc nhất thế kỷ 20. Ngày 23/12/1978, Quân đội Việt Nam tổng phản công dọc biên giới Tây Nam, đánh sang Campuchia, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn. Trung Quốc lấy lý do đó để tuyên bố về cuộc chiến chống Việt Nam. Việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công Việt Nam sau khi Đặng Tiểu Bình vừa kết thúc chuyến công du sang Mỹ, cùng với việc ông ta lớn tiếng đe dọa "dạy cho Việt Nam một bài học".
Trung Quốc được hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là Mỹ cũng im lặng tán thành. Ngoài ra, việc Trung Quốc cắt nguồn viện trợ dầu cho Việt Nam vào cuối năm 1978, vốn chiếm tới hơn một nửa lượng dầu tiêu thụ của Việt Nam, trong khi Liên Xô chưa kịp viện trợ bổ sung, cũng khiến dự trữ dầu chiến lược của Việt Nam bị thiếu hụt trong thời điểm quyết định khi quân Trung Quốc tấn công.
Trung Quốc đòi quân đội Liên Xô phải hoàn toàn triệt thoái khỏi Mông Cổ, đồng thời giảm số lượng các lực lượng vũ trang trên suốt tuyến biên giới Trung-Xô. Sau đó, vào đầu tháng 4/1978, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev khi đi thăm Siberia và Hạm đội Thái Bình Dương, tuyên bố rằng sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới, ngoài những hệ thống vũ khí trang bị hiện đại đã có sẵn trên biên giới Trung-Xô.
Ngày 12/4/1978, chính phủ Mông Cổ cũng công khai bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, tuyên bố rằng lực lượng quân đội Liên Xô được tăng cường và triển khai dọc biên giới Mông Cổ - Trung Quốc là theo yêu cầu của Mông Cổ nhằm đáp trả việc tăng cường lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên biên giới. Ngày 26/4/1978. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bổ sung thêm vào điều kiện công nhận sự tồn tại các vấn đề tranh chấp khu vực trên biên giới Trung-Xô.
Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5/1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút bớt chuyên gia về nước. Ngày 29/6/1978 Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế. Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Ngày 3/11/1978, Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô. Ngoài các điều khoản về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước còn có những thoả thuận về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước". Ngày 22/12/1978, Trung Quốc cắt tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam. Đầu tháng 1/1979, đường bay Bắc Kinh - Hà Nội cũng bị cắt.
Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt -Trung, trong đó lên án việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng, giới thiệu 19 tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 9/1978, Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí mới (máy bay, tên lửa phòng không, xe tăng và vũ khí, đạn dược, cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh) cho Việt Nam bằng đường hàng không và đường biển.
Trong khi đó, Đặng Tiểu Bình trở thành người lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc. Đặng nhìn thấy cả rắc rối lẫn cơ hội trong mối quan hệ khó khăn với Việt Nam và cho rằng cách tốt nhất để nắm lấy những cơ hội này là một hành động quân sự. Trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng 12/1978, tại một cuộc trả lời phỏng vấn được Trung Quốc truyền hình trực tiếp, Đặng Tiểu Bình tuyên bố: " Phải dạy cho Việt Nam bài học" mà ngày hôm sau báo chí chính thức của Trung Quốc đều đưa tin.
Liên bang Xô Viết cũng tăng cường áp lực với Trung Quốc nhằm mục đích đạt được sự kéo dài Hiệp định Xô – Trung có giới hạn 30 năm về quan hệ Liên minh, hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau, được ký vào ngày 14/2/1950 (hết hạn vào ngày 15/2/1979). Ngày 16/2/1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô. Dọc tuyến biên giới Xô - Trung đã bố trí khoảng 1,5 triệu quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người, phía Liên Xô đã triển khai hơn 40 sư đoàn Hồng quân.
Tháng 5/1979 trên biên giới Liên Xô - Trung Quốc xảy ra một xung đột quân sự nghiêm trọng có sự tham gia của cả máy bay trực thăng chiến đấu. Cũng trong tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Ít lâu sau, các máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh xuống Cam Ranh.
(Còn tiếp)
PV - PetroTimes
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment