Đầu tháng 4-1975, biên đội 3 tàu 673, 674,675 do 3 trung úy Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức và Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng được giao nhiệm vụ đưa lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa. 38 năm sau, chúng tôi đã tìm gặp những người tham gia trận đánh lịch sử năm nào.
Từ trái qua: Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và cựu binh Đào Mạnh Hồng
kể lại chuyện giải phóng Trường Sa. Ảnh: PHAN ANH - MẠNH DUY
Không thể chậm trễ
Trong căn nhà trên đường Đoàn Nhữ Hài, quận 4 - TPHCM, thuyền trưởng tàu 673 Nguyễn Xuân Thơm lật từng tấm hình, xem lại từng trang tài liệu về Trường Sa rồi hào hứng kể cho chúng tôi nghe về ký ức một thời hào hùng của mình trong những ngày tháng lịch sử.
“Sau khi nhận nhiệm vụ, biên đội chúng tôi ngay lập tức di chuyển từ Hải Phòng vào cảng Tiên Sa - Đà Nẵng. Đêm 10-4-1975, từ Đà Nẵng, 3 chiếc tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 vận tải hải quân (HQ), vốn nổi tiếng trên Đường Hồ Chí Minh trên biển, được ngụy trang thành những chiếc tàu đánh cá không số nhổ neo ra khơi. Cả 3 tàu đều không lớn, không mang cờ hiệu, trên boong chỉ lác đác vài người đi lại như những ngư dân nhưng chở hơn 200 chiến sĩ đặc công HQ của Đoàn 126 cùng lực lượng Quân khu 5 và hàng tấn đạn dược” - ông Thơm nhớ lại.
Biên đội gồm ba tàu 673, 674, 675 chở quân ra giải phóng Trường Sa - Ảnh: L.Đ.Dục chụp lại tư liệu Bảo tàng Hải quân.
Theo thuyền trưởng tàu 674 Nguyễn Văn Đức, hiện ngụ tại quận 6 - TPHCM, biên đội nhận lệnh bằng mọi giá phải tiếp cận đảo Song Tử Tây vào rạng sáng 14-4-1975. “Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, bởi từ Đà Nẵng ra đảo này đến hơn 400 hải lý (gần 800 km). Hơn nữa, các đảo ở Trường Sa hồi đó rất thấp, ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm càng khó hơn, máy móc hàng hải lại rất thô sơ” - ông Đức kể.
Trên đường ra Trường Sa, biên đội tàu của ta liên tục bị máy bay của quân đội Việt Nam Cộng hòa quần thảo trên đầu. Rồi tàu 674 bị trục trặc máy chính, mất động cơ. Sau nhiều giờ sửa chữa, tàu 674 chỉ còn chạy với tốc độ nửa máy. Do tàu 674 gặp sự cố, tàu 765 phải quay lại kéo nên tàu 673 chạy lên dẫn đầu, tiên phong đạp sóng biển Đông ra Trường Sa.
“Tuy gặp muôn vàn hiểm nguy nhưng chúng tôi đều ý thức được rằng đây là thời khắc không thể chậm trễ. Nếu để mất thời cơ, lực lượng khác lợi dụng tình hình chiếm đóng mất đảo thì chúng tôi sẽ có tội với tổ tiên, với cha ông và con cháu mai sau. Dù khó khăn nhưng bằng kinh nghiệm, quyết tâm và ý chí cao, chúng tôi đã tiếp cận được đảo Song Tử Tây đúng như kế hoạch” - ông Thơm tự hào.
Sẵn sàng chờ giờ G
Những người trực tiếp chỉ huy lực lượng chiến đấu ở Song Tử Tây hiện đều đang sống ở TP Hải Phòng. Thiếu tướng - anh hùng Mai Năng, cựu đoàn trưởng Đoàn 126, cho biết sau 3 ngày đêm hành quân liên tục trên biển, các chiến sĩ phải nấp trong khoang, không được ra ngoài.
Những người lính đặc công HQ dù đã quá quen trận mạc dưới nước nhưng vốn chưa từng đi biển nên hầu hết đều say sóng liểng xiểng. Tuy nhiên, khi mục tiêu Song Tử Tây hiện ra trước mắt, họ ngay lập tức vùng dậy nhận lệnh. “Anh em đều say sóng khi tôi triệu tập giao nhiệm vụ nhưng tất cả đều nhanh chóng vào vị trí chiến đấu” - ông Năng cho biết.
Theo đại tá - anh hùng Nguyễn Ngọc Quế, khi ấy là đội trưởng Đội 1, lúc 19 giờ ngày 13-4-1975, tàu 673 chở các đơn vị chiến đấu bắt đầu tiếp cận Song Tử Tây. Đúng 1 giờ sáng hôm sau, tàu chỉ còn cách đảo này 3 hải lý. “Anh em tập trung lên boong tàu, tất cả đều sẵn sàng. Ước muốn giải phóng Trường Sa cháy bỏng trong mỗi người đã tạo nên một khí thế hừng hực, khẩn trương” - thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm hồi tưởng.
Sau khi xem xét hướng gió và thủy triều, thuyền trưởng Thơm cho tàu tiếp cận Song Tử Tây theo hướng Đông Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng của ta đổ bộ lên đảo bằng 3 xuồng cao su. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế được giao chỉ huy lực lượng đổ bộ lên đảo. Xuồng cao su của ông chở một khẩu DKZ 75 nhắm hướng Bắc chiếm mỏm đá cao nhất của đảo. Hai tàu 674 và 675 vòng ra án ngữ phía Bắc và Nam, sẵn sàng chi viện.
Đội 1 được chia làm 2 phân đội do đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế và thượng sĩ Đào Mạnh Hồng chỉ huy, tiếp cận đảo theo 2 hướng. “Trước khi lên đảo, chúng tôi chỉ có trong tay vài thông tin sơ sài do thuyền trưởng Thơm cung cấp. Đầu tiên, Đội 1 được sử dụng xuồng cao su nhưng khi đến gần đảo, các chiến sĩ phải bơi vào mục tiêu để tránh bị lộ. Khi đó, trời tối như mực, chúng tôi chỉ còn cách nhìn rặng dừa trên đảo để định hướng” - ông Hồng hào hứng.
Đến 3 giờ, lực lượng đặc công HQ đã tiếp cận bờ đảo Song Tử Tây, sẵn sàng chờ giờ G để hành động. Đúng 5 giờ, tiếng súng từ khẩu DKZ 75 của đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế vang lên, nhắm thẳng vào lô cốt địch. Lệnh hiệp đồng chiến đấu được phát ra, những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo…
Mong ngày trở lại
Là những người trực tiếp tham gia giải phóng Trường Sa nhưng 38 năm sau, hai thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức chưa một lần được trở lại quần đảo này.
“Về thăm Trường Sa là nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi. Ngày đó, các đảo ở Trường Sa thấp lè tè. Song Tử Tây, Sinh Tồn… rất nhiều chim. Chim lớn bay ào ào trên đầu, chim con nằm dày đặc dưới đất, chúng tôi không dám bước đi vì sợ giẫm phải… Bây giờ các đảo thay da đổi thịt từng ngày. Mong sao chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi đó” - ông Thơm bồi hồi.
PHAN ANH - MẠNH DUY - NLĐ
Comments[ 0 ]
Post a Comment