Việt Nam sẽ mua 6 máy bay chống ngầm P-3 Orion của Mỹ
Saturday, April 13, 2013
Hải quân Việt Nam muốn mua 6 máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion của Mỹ, đây là tiết lộ của công ty Lockheed Martin hôm 12/4.
Hải quân Việt Nam dự kiến sẽ đề nghị chính phủ Mỹ thông qua một thỏa thuận cung cấp các máy bay tuần tra hải quân (MPA) P-3 Orion của hãng Lockheed Martin, một quan chức cấp cao của công ty này cho biết với tạp chí quốc phòng nổi tiếng Jane Defense Weekly hôm 12/4.
Phát biểu tại triển lãm An ninh và Quốc phòng LAAD 2013 diễn ra ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil), Giám đốc các chương trình tuần tra hải quân của Lockheed Martin, ông Clay Fearnow nói rằng, Hải quân Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua được 6 máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion mà hiện Hải quân Mỹ đang "còn dư thừa" để giúp tuần tra dọc theo đường bờ biển dài gần 3.500 km và trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (một phần của Biển Đông) rộng khoảng 1.396299 km2.
Sát thủ săn ngầm P-3 Orion của Hải quân Mỹ
"Hải quân Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm lớn đến các máy bay P-3 Orion và chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ thỏa thuận này", ông Fearnow cho biết.
Theo ông Fearnow, những máy bay P-3 Orion sẽ được bán cho Việt Nam bởi chính phủ Mỹ là trường hợp đầu tiên không kèm theo vũ khí. Các máy bay này được độc quyền trang bị với kit nhiệm vụ MPA, cũng như các cảm biến tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại (FLIR) và các hệ thống dò tìm tiên tiến khác.
Tuy nhiên, ông Fearnow cũng lưu ý rằng, nếu các cuộc thảo luận giữa hai quốc gia tiếp tục được cải thiện thì khả năng cung cấp các hệ thống vũ khí cho máy bay sẽ là điều hiển nhiên.
Ông Fearnow nói rằng, công ty Lockheed Martin sẽ khuyên Việt Nam nên lựa chọn những máy bay P-3C mới nhất, những máy này được bay trang bị công nghệ tiên tiến nhất và có số giờ bay lớn hơn.
Được thiết kế với nhiệm vụ ban đầu là tuần tiễu chống ngầm tầm xa, ngày nay, máy bay P-3 Orion còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Máy bay P-3 Orion đã phục vụ trong Hải quân Mỹ từ những năm 1960 với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu chống ngầm. Biến thể hiện đại nhất của loại máy bay này là P-3C được bàn giao cho Hải quân Mỹ từ 1969. Đến nay, P-3C đã được nâng cấp nhiều lần (gói I, II, II.5 và III) để phù hợp cho chiến trường hiện đại. Ngoài ra, các cụm thiết bị riêng như thiết bị liên lạc, định vị, trinh sát thủy âm và điều khiển vũ khí của P-3C cũng được nâng cấp trong các chương trình riêng biệt để thỏa mãn yêu cầu của Hải quân Mỹ.
Loại máy bay này có khả năng mang nhiều loại vũ khí dành cho nhiều loại nhiệm vụ khác nhau cả trên biển và trên bộ với tổng khối lượng 9 tấn như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54.
Một phi đội tiêu chuẩn vận hành máy bay P-3C Orion có 11 người, bao gồm 3 phi công, 2 sĩ quan giám sát bay hải quân, 2 kỹ thuật viên bay, 3 sĩ quan vận hành thiết bị trinh sát và một kỹ thuật viên chung.
Với nhiệm vụ chủ yếu là chống ngầm, P-3C được trang bị rất nhiều thiết bị trinh sát hiện đại như sonar DIFAR, thiết bị phát hiện điểm từ trường bất thường (MAD)... Các thông tin thu thập được sẽ được chuyển đến máy tính trung tâm, từ đó sẽ phân tích, lưu trữ, gửi đến các cấp chỉ huy hay vận hành tự động các vũ khí trên máy bay.
Gói nâng cấp I của P-3C được thực hiện năm 1975 chủ yếu nhằm vào nâng cấp máy tính xử lý thông tin cùng phần mềm trong khi gói nâng cấp II năm 1977 được lắp đặt cảm biến hồng ngoại, nâng cấp hệ thống tiếp nhận thông tin thủy âm, nâng cấp khả năng sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon.
Gói nâng cấp số III của P-3C được thực hiện từ giữa những năm 1980 với rất nhiều nội dung so với 2 gói nâng cấp trước, bao gồm bộ vi xử lý tín hiệu thủy âm IBM Proteus mới.
Hệ thống xử lý tín hiệu cũ chỉ có thể nhận tín hiệu từ sonar trên 31 kênh sóng khác nhau trong khi hệ thống được nâng cấp có thể tiếp nhận tín hiệu trên 99 kênh với khả năng chuyển kênh bất kể lúc nào, đảm bảo tín hiệu truyền về được tiếp nhận và xử lý hoàn toàn trong thời gian nhanh nhất.
Ngoài ra, bản nâng cấp số III này cũng có thêm nhiều nội dung quan trọng khác như bộ xử lý tín hiệu đơn (SASP) cho phép nhanh chóng phân biệt tín hiệu thu về là tầu ngầm hay tạp âm đơn thuần của đại dương. Tín hiệu thu được từ nhiều phao thủy âm sẽ được phân tích và hiển thị cùng lúc, cho phép người vận hành đánh giá dễ dàng và chính xác tình hình.
Hệ thống nhận tín hiệu thủy âm của bản nâng cấp này gồm bốn antenna được bố trí dưới bụng máy bay theo hình tinh thể kim cương, được điều khiển bởi máy tính CP-901 cho phép tăng tín hiệu đường truyền VHF và giảm nhiễu.
Ngoài các nhiệm vụ chống ngầm, một số máy bay P-3C được nâng cấp để hỗ trợ mặt đất trên chiến trường gồm radar địa hình, cảm biến quang - điện tử với khả năng kết nối thời gian thực cho các nhiệm vụ trinh sát, tuần tiễu.
Hiện nay, Mỹ đang hoàn thiện và chuẩn bị đưa máy bay chống ngầm P-8 Poseidon vào biên chế nên một số máy bay P-3 Orion sẽ được chuyển đổi thực hiện các nhiệm vụ khác, ít quan trọng hơn như giám sát chiến trường hay huấn luyện, hoặc được rao bán. Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng có nhu cầu thay thế 100 chiếc P-3 Orion với thiết bị điện tử nội địa bằng máy bay chống ngầm Kawasaki P-1.
Cùng với việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí, trong tương lai, loại máy bay này chắc chắn sẽ đến tay nhiều nước hơn ngoài khối đồng minh của Mỹ.
P-3 Orion có chiều dài 35,6 mét, cao 10,3 mét với sải cánh 30,4 mét, khối lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13 công suất 4.600 mã lực/động cơ. Tốc độ tối đa của máy bay là 760 km/h, tầm hoạt động tới 4.400 km khi tuần tiễu ở tốc độ 600 km/h.
Hoàng Thu (Theo Jane), Nguyễn Linh - mil.sohu.com
ĐVO
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment