Nếu những tuyên bố hiếu chiến của Triều Tiên - theo đó đe dọa Mỹ và Hàn Quốc về khả năng phải đối mặt với một cuộc chiến tranh hạt nhân - là nhằm kéo Washington ngồi vào bàn đàm phán, vậy thì có lẽ nước này đã thất bại. Một lần nữa, Bình Nhưỡng cảm thấy rằng họ cần phải đặt cược lại.
Triều Tiên từng nói rõ rằng nước này sẽ không đàm phán trừ khi Mỹ công nhận quyền răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn được Triều Tiên coi là "thanh gươm báu", trong khi Washington khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải kèm theo điều kiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Xe chở đồ đạc của các công nhân Hàn Quốc ở khu công nghiệp Kaesong, ngày 17-4. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Thế giằng co đó có thể khiến Bình Nhưỡng tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mới hoặc cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4, hoặc cũng có thể là một tình trạng đối đầu quân sự quy mô nhỏ với Hàn Quốc nhằm buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và chia rẽ Seoul với Washington.
Chun Yung-woo - nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, người đã rời nhiệm sở hồi tháng 2-2013 và từng tham gia soạn thảo các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên do nước này tiến hành vụ thử hạt nhân hồi tháng 2-2013 - nói: "Hiện giờ, sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Triều Tiên lớn hơn bao giờ hết. Ngày càng khó để hai nước này tìm kiếm điểm chung và tìm ra các điều kiện thích hợp để ngồi vào bàn đàm phán".
Triều Tiên từng nói nước này muốn Mỹ ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng và Mỹ cũng như Hàn Quốc phải cam kết không tấn công Triều Tiên, công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.
Do thiếu lòng tin và các công cụ để xác minh sự chân thành của Triều Tiên nên chưa chắc Tổng thống Obama sẽ chấp thuận các yêu cầu của Bình Nhưỡng. Victor Cha, nguyên cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống George W. Bush về các vấn đề Triều Tiên, nói: "Do cách xử sự của Triều Tiên nên tôi nhận thấy Tổng thống Obama không muốn mạo hiểm".
Bắc Kinh là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và có thể thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán, mặc dù hiện giờ Trung Quốc cũng tỏ ra khá thất vọng với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Một nguồn tin có mối quan hệ thân thiết với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cho biết: "Trung Quốc rất không hài lòng với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un của Triều Tiên vì ông ta đã gây ra quá nhiều rắc rối. Kim Jong Un đang thử nghiệm khả năng kiểm soát quân đội của ông ta, song ông ta đã hành động quá trớn".
Trong khi đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Park Gyun Hye sẽ gặp Tổng thống Obama tại Washington vào ngày 7-5 tới. Sự kiện này sẽ lại tạo cho Triều Tiên cái cớ để đe dọa tiến hành một vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân hoặc phô trương sức mạnh quân sự.
Sung-Yoon Lee, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên của trường Fletcher thuộc Đại học Tufts ở Mỹ, nói: "Nguyên nhân khiến mọi việc trở nên yên tĩnh trong 10 ngày qua.... không phải là do nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bắt đầu mệt mỏi, việc ông ta dịu giọng và im lặng trong thời gian qua sau những tuyên bố hùng hồn và hiếu chiến không phải là quyết định mang tính chiến lược, mà thực chất ông ta đang muốn làm cho kẻ thù lơ là, mất cảnh giác".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 26-4, Hàn Quốc cho biết nước này vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Triều Tiên đối với đề xuất của Seoul về việc tiến hành các cuộc đàm phán liên quan đến một khu công nghiệp chung giữa hai nước - vốn được coi là "nạn nhân" của tình trạng căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 25-4, Hàn Quốc cho Triều Tiên 24 giờ để chấp thuận các cuộc đàm phán chính thức nhằm tái khởi động hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng những "biện pháp nghiêm khắc" nếu Bình Nhưỡng từ chối.
Phát biểu với các phóng viên trước khi thời hạn chót là chiều 26-4 chấm dứt, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-Seok nói: "Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Triều Tiên. Chúng tôi vẫn đang chờ câu trả lời và có lẽ không nên phỏng đoán về những gì sẽ xảy ra phía trước".
Vietnam+
Comments[ 0 ]
Post a Comment