Mỹ ủng hộ ASEAN trong vấn đề Biển Đông
Thursday, April 11, 2013
Bất chấp việc cắt giảm ngân sách tới 41 tỷ USD trong năm tài khóa 2013, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các chương trình viện trợ và quốc phòng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của chính quyền Washington không chỉ tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, mà còn sớm giải quyết những mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa các quốc gia ở châu Á trong vấn đề Biển Đông.
Phát biểu tại trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Washington, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục xúc tiến kế hoạch chuyển trọng tâm quân sự sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hòn đá tảng trong chính sách quốc phòng của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Theo ông Carter, chính sách xoay trục của chính phủ Mỹ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, chính trị cho tới quốc phòng.
Và kế hoạch tái cân bằng quân sự sẽ không bị ảnh hưởng cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ bị cắt giảm 500 tỷ USD trong 10 năm tới. Mỹ cũng phản đối các hành động khiêu khích, áp đặt và sử dụng vũ lực trong giải quyết xung đột. Ông Ashton Carter nói: “Chúng tôi muốn bảo vệ lợi ích cân bằng của mình. Thế giới đã thay đổi và chúng tôi cũng phải thay đổi theo”.
Đồng thời, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đưa ra quan điểm rằng, trong bối cảnh châu Á đang nóng lên từng ngày với những diễn biến bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên và các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chính sách tái cân bằng của Mỹ càng trở nên thích hợp và nó không nhằm kiềm chế bất kỳ một quốc gia nào ở châu Á và Washington luôn ủng hộ tự do hóa thương mại và giải quyết xung đột bằng đàm phán hòa bình.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tái khẳng định việc Washington chuyển trọng tâm quân sự sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cho đến nay, Washington vẫn ủng hộ vai trò của ASEAN trong khu vực và khẳng định tổ chức này sẽ có tác động mạnh mẽ lên những nỗ lực của các nước thành viên trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chưa hết, ông Carter còn cho rằng, tiếp cận đa phương đối với vấn đề Biển Đông là phương cách đúng nhất và hợp lý nhất. Bên cạnh đó, Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ việc Philippines tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, Mỹ ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ, cứng rắn và đưa ra lập trường vững vàng hơn trong vấn đề Biển Đông bởi trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định sẽ chính thức đưa vấn đề Biển Đông vào bàn thảo trong hội nghị cấp cao Đông Á vào cuối năm.
Cuối tháng 4 này, Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm 2013 cũng sẽ được tổ chức tại Brunei. Giới phân tích nhận định, chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ được nhắc đến bởi trong thời điểm hiện tại, quá trình thủ tục để giải quyết đơn kiện của Philippines tại tòa án trọng tài vẫn đang được tiến hành.
Theo góc nhìn của nhiều chuyên gia thì việc Philippines khởi kiện Trung Quốc theo phụ lục 7 của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý, có lợi cho hoà bình ổn định trong khu vực và là cơ sở để hướng Trung Quốc phải tôn trọng những chuẩn mực và luật pháp quốc tế trong quan hệ với các nước láng giềng.
Nhưng để mọi việc được giải quyết một cách hợp lý, ASEAN cần tách bạch vụ kiện của Philippines với các hoạt động của khối này, kể cả việc xây dựng COC. Việc này, theo các nhà phân tích, cần phải “làm triệt để và không khoan nhượng” bởi trong cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) của ASEAN – Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi đầu tháng, mặc dù các nước ASEAN đã nỗ lực yêu cầu Trung Quốc sớm tiến hành thảo luận về COC, nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục từ chối và đề nghị thảo luận về COC ở kênh II (tức là kênh giữa các nhà học thuật).
Nguyên do là vì Trung Quốc biết rằng COC sẽ cản trở những hành động leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh muốn tiếp tục có thời gian để gia tăng hoạt động, phá vỡ cục diện hiện nay ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, nên chăng các nước ASEAN hãy tự xây dựng COC như đề nghị của Indonesia? Nếu làm được điều này, các nước ASEAN sẽ tạo nên một áp lực rất lớn cho Trung Quốc.
Trên thực tế, cùng với việc từ chối thảo luận COC, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông với cường độ nhiều hơn, phạm vi hoạt động rộng hơn, hành động táo tợn hơn. Ngày 9/4, Đài phát thanh Trung Quốc đã chính thức lên sóng kênh phát thanh “Tiếng nói Biển Đông” bằng 6 ngoại ngữ gồm tiếng Trung phổ thông, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Malaysia, tiếng Philippines, tiếng Indonesia nhằm xây dựng một kênh thông tin, phát ngôn chính thống cho chính phủ Trung Quốc đối với các vấn đề liên quan tới tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Phạm vi phát sóng của kênh phát thanh này bao phủ các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, khu vực các đảo trên Biển Đông và tỉnh Hải Nam. Nguồn tin từ hãng Stratfor còn cho hay, Trung Quốc cũng đang mở rộng chương trình máy bay không người lái (UAV) nhằm giám sát và kiểm soát các vùng biển tranh chấp là biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sông Thương (tổng hợp) - CAND
Tags:
Biển Đông
Một trong những chủ đề thảo luận chính tại cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ở thủ đô Brunei là triển vọng thông qua Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa). Trong khu vực kỳ vọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và bốn nước thành viên ASEAN, tình hình tiếp tục còn nhiều căng thẳng, làm cho vấn đề thông qua Qui tắc ngày càng quan trọng.
ReplyDeleteHầu hết các nước ASEAN ủng hộ thông qua Qui tắc ứng xử. Trong khi đó, Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề trên các cơ sở song phương, né tránh đưa ra thảo luận ở cấp độ quốc tế đa phương. Vấn đề đã không đạt được tiến bộ vào năm ngoái dưới quyền chủ tịch ASEAN của Campuchia. Là quốc gia phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc, lập trường của Campuchia dẫn đến thực tế là lần đầu tiên trong 45 năm hoạt động, ASEAN đã không thực hiện thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức. Campuchia tán đồng Trung Quốc trong nỗ lực tránh đưa tranh chấp lãnh thổ với từng quốc gia lên cấp độ quốc tế.
Tình hình vào lúc này có những nét chuyển biến. Tháng Giêng năm nay, Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển tại Liên hợp quốc. Mỹ ủng hộ Philippenes. Như vậy tính quốc tế của cuộc tranh chấp được mở rộng. Thứ hai, quyền chủ tịch ASEAN năm 2013 đến với vương quốc Brunei giàu có, bản thân cũng có kỳ vọng lãnh thổ trên Biển Đông. Các nhà ngoại giao Brunei tuyên bố khẳng định rằng, việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề trên Biển Đông sẽ là phương hướng ưu tiên của Brunei trong vai trò chủ tịch ASEAN.
Như vậy, đàm phán về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có cơ hội đạt được những tiến bộ đáng kể. Tại cuộc họp quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra ở Bắc Kinh vào đầu tháng Tư năm nay, các bên đã khẳng định mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực, cam kết tuân thủ Tuyên bố được thông qua năm 2002 về ứng xử của các bên tại Biển Đông (viết tắt là DOC), cũng như tích cực làm việc nhằm đạt sự thống nhất về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Không thể hoài nghi là việc thông qua một qui tắc ứng xử, biến tài liệu thành yếu tố của luật pháp quốc tế về biển, chắc chắn sẽ trở thành một sự kiện vô cùng quan trọng. Nhưng chỉ thông qua tài liệu là chưa đủ, không thể thiếu sự tuân thủ các điều khoản của Qui tắc trong thực tế. Theo nhận xét của ông Dmitry Mosyak, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thì chỉ sau khi được áp dụng tài liệu mới có ý nghĩa thật sự.
Ông Dmitry Mosyak cho biết: “Các qui tắc cần được hỗ trợ và ghi nhận thành văn trong quá trình thảo luận. Tình hình vấn đề lúc này có vẻ bế tắc. Khả năng là tiến bộ đạt được nếu các bên chịu chấp nhận những nhượng bộ thực tế, đề xuất việc khai thác chung nguồn tài nguyên, đạt thương lượng trong các vấn đề tự do hàng hải, hoạt động ngư nghiệp, cũng như vấn đề căn cứ quân sự. Mỗi điểm mục đều chứa đựng thắc mắc nghiêm túc chưa có giải pháp xử lý.”
Trung Quốc không dễ dàng tiến tới thỏa hiệp trong những vấn đề được nêu. Cách đây 20 năm, Trung Quốc đã thông qua đạo luật công nhận chủ quyền quốc gia với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Động thái này cắt đứt đường lui của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nỗ lực báo chí đã hâm nóng dư luận gay gắt trong nước. Vì vậy, ngay cả có muốn nhượng bộ, thì ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ không thể tránh khỏi những phản ứng rất tiêu cực từ phía xã hội.
Nhưng liệu có giải pháp nào khác cho các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, ngoài đàm phán và tìm kiếm thỏa hiệp. Chỉ còn hai tuần lễ, hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Brunei. Hi vọng rằng, những nỗ lực phối hợp của Hiệp hội các nước Đông Nam Á sẽ góp phần phá vỡ bế tắc trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông.
http://vietnamese.ruvr.ru