Hai bà mẹ của người liệt sỹ Gạc Ma
Friday, April 19, 2013
Sau phút giây choáng váng, ông bà lại hy vọng co trai mình còn sống, đang trôi dạt đâu đó hoặc đang bị địch giam giữ, sẽ có ngày trở về.
Người mẹ kế
Người mẹ đẻ đã mất khi liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (xã Thượng Sơn- Đô Lương) còn rất nhỏ. Nhưng số phận đã đem đến cho anh người mẹ khác, dù không rứt ruột đẻ ra nhưng vẫn thương anh hết lòng. Đã ¼ thế kỷ trôi qua kể, người mẹ ấy chưa một phút giây nào nguôi nỗi nhớ thương...
Chúng tôi tìm về xóm 7, xã Thượng Sơn (Đô Lương), hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Mai nhưng mọi người đều có chung câu trả lời: "Ở đây không có ai là bà Mai". Đến lúc phải nói rõ: "Bà Mai có con trai là liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (sinh năm 1967), người đã hy sinh trong trận Hải chiến với quân Trung Quốc năm 1988", lập tức có người dẫn đến tận cổng nhà.
Sau khi trình bày mục đích của cuộc viếng thăm, chúng tôi ngỏ ý muốn được xem toàn bộ giấy tờ liên quan đến liệt sỹ Nguyễn Tất Nam. Và quả nhiên, một điều bất ngờ đã xẩy đến khi nhận thấy toàn bộ giấy tờ đều ghi liệt sỹ Nguyễn Tất Nam là con bà Hồ Thị Khuyên, trong khi danh sách do Hội Cựu chiến binh tỉnh cung cấp là bà Nguyễn Thị Mai.
Đem thắc mắc này đến với gia chủ, chúng tôi mới được biết bà Mai là mẹ đẻ của anh Nam nhưng do ốm đau, bệnh tật đã từ giã cuộc đời khi đứa con trai của mình chưa đầy 3 tuổi.
Vợ mất khi các con đang còn quá thơ dại (trước anh Nam có 2 chị gái), ông Nguyễn Tất Sỹ (bố liệt sỹ Nguyễn Tất Nam, đã mất cách đây gần 2 năm) quyết định chia sẻ gánh nặng với bà Hồ Thị Khuyên. Lúc đó, bà Khuyên là vợ liệt sỹ, chồng bà đã hy sinh trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một mình bà đang tảo tần nuôi đứa con đầu lòng. Về chung sống với ông Sỹ, bà Khuyên sinh thêm 2 người con trai là Nguyễn Tất Bắc và Nguyễn Tất Việt.
Suốt cuộc chuyện trò, chúng tôi mới thực sự "ngộ" ra rằng câu nói "Bao giờ bánh đúc có xương..." của người xưa chắc hẳn sẽ có những ngoại lệ, và tình cảm của bà Hồ Thị Khuyên dành cho người con riêng của chồng là một biểu hiện sinh động cho những ngoại lệ ấy.
Bà kể: "Thấy 3 đứa con ông Sỹ mất mẹ lúc còn quá nhỏ, bố thường phải đi công tác xa (ông Sỹ lúc ấy công tác trong ngành Giao thông- PV), phải sống côi cút, bơ vơ, tôi nhận lời gá nghĩa cùng ông ấy. Lúc mới về, thằng Nam còn nhỏ, mới lẫm chẫm tập đi, sức vóc nhỏ bé và hay ốm yếu..."
Bà Hồ Thị Khuyên và 2 con trai bên chiếc xe đạp- kỷ vật của liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (ảnh Công Kiên)
Trước tình cảnh ấy, bản năng làm mẹ đã thôi thúc bà Khuyên dồn hết tình cảm để chăm sóc, yêu thương anh Nam như chính con ruột của mình. Bà thay người mẹ đã khuất bón từng miếng cơm, thìa cháo cho đứa con trai nhỏ của chồng.
Những hôm trái gió trở trời, bà Khuyên lại thức thâu đêm vỗ về, ôm ấp để anh tìm vào giấc ngủ. Ông Sỹ vắng nhà thường xuyên, một mình bà tất tả với ruộng vườn và những đứa con nhỏ.
Có lẽ do phải chịu cảnh mồ côi mẹ lúc còn bé tý, chưa ý thức được nỗi bất hạnh của cuộc đời, lại được đón nhận những tình cảm chân thành, thiết tha và nồng ấm từ người mẹ kế nên từ trong sâu thẳm lòng mình, anh Nam luôn xem bà Khuyên là người đã sinh ra mình. Ngay cả sau này, khi bà Khuyên sinh thêm 2 người con trai và khi anh Nam đủ lớn để hiểu được mọi chuyện, sự yêu thương và kính trọng ấy vẫn không hề thay đổi.
Sau mỗi buổi học, anh Nam thường đỡ đần công việc cho mẹ, từ việc trông em đến chăn trâu cắt cỏ và kể cả công việc đồng áng nặng nhọc. Những năm sau chiến tranh chống Mỹ, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, miếng cơm manh áo là cả một mối lo lớn đối với gia đình. Học xong cấp 2, anh Nam quyết định nghỉ học để cùng mẹ làm lụng nuôi các em.
Liệt sỹ Nguyễn Tất Nam (ngoài cùng bên phải) và các đồng đội (ảnh gia đình cung cấp)
Câu hỏi suốt 25 năm
Năm 1985, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Tất Nam lên đường nhập ngũ. Trong thời gian tại ngũ, anh Nam có gửi thư về mấy lần. Qua những cánh thư của con, bà Khuyên biết anh Nam đã trở thành chiến sỹ Hải quân. Anh kể về những chuyến ra khơi xa, nơi có những con sóng tung lên đến mấy mét, nơi có những đàn cá lớn đua nhảy và bơi theo mạn tàu...
Bức thư cuối cùng của anh Nam gửi về cho gia đình vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 1988. Anh nói không được sum vầy bên gia đình ngày Tết nhưng đón Tết ở đơn vị cũng vui lắm, có đủ bánh chưng và thịt lợn. Ít ngày nữa anh sẽ lên tàu ra đảo làm nhiệm vụ một thời gian.
Sau chuyến công tác này anh sẽ hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, sẽ đến hạn xuất ngũ để trở về với quê hương, gia đình. Anh cũng chia sẻ với bố mẹ dự định sau khi xuất ngũ sẽ cố gắng ôn tập để thi vào trường nghệ thuật, vì từ nhỏ anh đã rất mê đàn hát.
Không lâu sau khi nhận được bức thư cuối cùng của anh Nam, các thành viên trong gia đình chợt lặng người khi nhận được bức thư của Bộ Tư lệnh Hải quân thông báo Nguyễn Tất Nam mất tích cùng 75 chiến sĩ khác trong trận Gạc Ma.
Sau phút giây choáng váng, ông bà lại hy vọng co trai mình còn sống, đang trôi dạt đâu đó hoặc đang bị địch giam giữ, sẽ có ngày trở về.
Sau đó, ông Sỹ nhiều lần gửi thư cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Ngoại giao để hỏi thăm tình hình nhưng câu trả lời vẫn tương tự nội dung bức thư trên.
.. suốt 25 năm...
TUẦN VIỆT NAM NET
Tags:
Hoàng sa,
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment