Vợ lính Trường Sa
Sunday, April 14, 2013
Hà Tĩnh hiện có hơn 200 CBCS đang công tác ở các đảo lớn, nhỏ trên quần đảo Trường Sa. Phía sau những chiến sĩ Trường Sa là gia đình, nơi có những người vợ đảm đang, cáng đáng chu toàn việc hậu phương để chồng vững tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điểm chung đọng lại của những người vợ lính là lòng chung thủy và dù vất vả, gian khổ, họ luôn tự hào được làm vợ lính Trường Sa.
Giây phút gặp gỡ cảm động của anh Nguyễn Đức Khánh với người vợ là chị Nguyễn Thị Hà trên đảo Đá Tây - Ảnh: Ngọc Nga (Tuổi Trẻ)
Tình yêu vượt qua trở ngạiVừa lật giở từng trang thư chồng gửi suốt hơn chục năm qua, chị Thái Thị Minh (thị trấn Thạch Hà) vừa tâm sự: “Lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Hữu Thủy (công tác tại đảo Song Tử Tây), chị Minh - khi ấy còn là sinh viên của Đại học Vinh về thực tập tại Trường THPT Lý Tự Trọng - không mấy ấn tượng. Thế nhưng, sau một thời gian quen biết, chị cảm mến và yêu vẻ thật thà, chất phác của anh lính hải đảo lúc nào không hay. Tình yêu của anh chị cứ lớn dần lên qua những lá thư, những cuộc điện thoại ngắn ngủi.
Cô giáo Thái Thị Minh dạy 2 con học bàiRa trường, chị nhận công tác ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Dù không một lần gặp lại, tình cảm chỉ được gửi gắm qua những trang thư nhưng anh chị vẫn luôn hẹn ước về một tương lai hạnh phúc. Vượt qua tất cả định kiến, sự ngăn cản của gia đình, anh chị đã đến với nhau trong niềm hạnh phúc vô tận. Giờ chị đã chuyển công tác về Trường THPT Lý Tự Trọng – quê hương anh và đã có 2 con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn, học giỏi.Chị Minh bồi hồi nhớ lại: “Cưới nhau đã 12 năm nhưng số lần vợ chồng được ở gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả 2 lần sinh đều không có anh bên cạnh nhưng tôi không cảm thấy chạnh lòng vì biết ở nơi đầu ngọn sóng, anh cũng đang lo lắng và dõi theo mẹ con mình. Tôi hạnh phúc và tự hào khi được làm vợ người lính hải đảo”. Trong những ngày này, báo, đài tấp nập đưa tin về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lòng chị chợt dâng lên những cảm xúc lo âu khôn tả cùng nỗi nhớ chồng da diết khôn nguôi.Giỏi việc nước, đảm việc nhàNhư những người vợ có chồng công tác nơi hải đảo tiền tiêu, chị Minh lo toan và quán xuyến mọi việc nơi hậu phương. Ông bà nội ngoại và người thân đều ở xa, mọi công việc trong nhà đều do một tay chị lo liệu, từ nuôi dạy con, xây nhà đến cả những việc như thay bóng đèn, sửa ăngten...Dù chị Minh có đảm đang đến đâu cũng không giấu được việc ngôi nhà của 3 mẹ con chị thiếu vắng bàn tay người chồng, người cha. Nhìn những dây điện chằng chịt, kéo lê ở góc nhà, ống nước bị hỏng được buộc lại sơ sài bằng vải rách, chúng tôi càng thấu hiểu sự vất vả vì thiếu vắng người trụ cột của những người vợ lính Trường Sa.Đồng cảnh ngộ với chị Minh, chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Thạch Bằng - Lộc Hà) có chồng là anh Đào Văn Tám công tác tại đảo Sơn Ca. Hai lần sinh nở là 2 lần chị Ngọc phải vượt cạn một mình. Con trai đầu của anh chị lên 2 tuổi mới được gặp bố. Cháu gái thứ 2 nay đã hơn 1 tuổi nhưng vì nhiệm vụ anh vẫn chưa được gặp. Từ bấy đến nay, một mình chị gánh cả 2 vai vừa là mẹ, vừa là cha chăm sóc các con, chăm sóc mẹ già để anh yên tâm công tác nơi đảo xa.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà)Vất vả là thế nhưng chị Ngọc luôn gánh trọn vai trên tất cả các cương vị. Là kế toán Trường Mầm non xã Thạch Bằng, chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cơ quan giao phó. Chị Ngọc kể: “Hồi mới cưới nhau, anh ấy cứ ra đảo là không thể liên lạc được. Con trai đầu sinh lúc nào anh ấy cũng không biết. Chỉ đến khi con được 18 tháng, anh ấy mới biết thông tin về con. Đôi lúc cũng chạnh lòng, tủi thân nhưng đã là trách nhiệm, tình yêu đối với Tổ quốc, bản thân mình xác định phải hy sinh và phải có lập trường kiên định”.Đã là lính đảo thì ở đâu cũng vất vả, gian lao, đã là vợ lính thì ai cũng phải thay chồng cáng đáng việc gia đình. Bởi vậy, 19 năm qua, chị Chúc Thị Thu (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) đã quen với việc là trụ cột của gia đình. Tuy nhiên, nỗi vất vả của cuộc sống đơn chiếc đè nặng trên vai. Nhất là khi con đau ốm, tay chăm con lớn, tay bồng con nhỏ quấy khóc, chị chợt thấy những ngày xa chồng dài đằng đẵng và đôi lúc thoáng buồn. Dù một mình vất vả lo cho tổ ấm nhưng chưa một lần chị than vãn với chồng. Khi nói chuyện điện thoại với chồng, lời đầu tiên bao giờ cũng là thăm hỏi, động viên anh yên tâm công tác.Dẫu biết rằng, vợ lính Trường Sa hầu hết là những người vợ, người mẹ đảm đang nhưng có những việc người phụ nữ không thể làm được. Những lúc như vậy, hơn tất cả, các chị cần sự động viên của người thân, đặc biệt là người chồng đang công tác nơi hải đảo xa xôi. Qua tâm sự của chị Ngọc, chị Minh, tôi hiểu vì sao những người lính Trường Sa luôn sẵn sàng xung phong, hoàn thành tốt nhiệm vụ và càng thêm vững tin khi có các anh canh giữ biển trời thân yêu của Tổ quốc!Theo Phan Trâm (Báo Hà Tĩnh)
Tags:
Hoàng sa,
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment