Vài Suy Tư Về Ngày 30 Tháng Tư Một Phân Tích Dựa Trên Sự Kiện & Lô-gíc
Friday, April 19, 2013
Lại sắp đến ngày 30-4. Ở hải ngoại chúng ta lại được rót vào tai những cụm từ như “ngày quốc hận” hay “ngày mất nước”, và “Tháng Tư Đen”. Lẽ dĩ nhiên, ai muốn gọi ngày 30/4/75 là “ngày quốc hận” hay “ngày mất nước” là quyền của họ, chẳng ai có quyền cấm cản. Nhưng mong rằng những người này cũng đừng cấm cản những người khác gọi ngày 30/4 bằng những cụm từ khác, tùy theo quan niệm của họ, thí dụ như: “ngày nước nhà thống nhất” hay “ngày của bên thắng cuộc”, hay “ngày tháo chạy” hay “ngày VNCH sụp đổ”, hay “ngày đầu hàng” v..v… và v…v… Gọi như vậy có được không, ai bảo không được, và tại sao không, xin mời lên tiếng.
Có một điều chúng ta cần biết, là ở hải ngoại có rất nhiều tổ chức hoặc hội đoàn, chống Cộng hay không, nhưng không có tổ chức hay hội đoàn nào có tư cách đại diện, nhân danh, và có quyền nói thay cho cả “cộng đồng mấy triệu người Việt ở hải ngoại”, trong đó phần lớn là lớp trẻ sinh ra ở Mỹ và không biết gì về cuộc chiến ở Việt Nam. Vì không có tư cách đại diện, nên tiếng nói của các tổ chức, hay hội đoàn ở hải ngoại đều chỉ là những ý kiến, lập trường, của riêng những tổ chức, hội đoàn đó, cho nên những người ngoài không có bổn phận phải nghe theo nếu không đồng ý. Bởi lẽ đó, không một tổ chức hay hội đoàn nào có thể áp đặt quan niệm hay lập trường của mình về ngày 30/4 trên toàn thể cộng đồng. Đây là căn bản hiểu biết về những hoạt động chính trị hay văn hóa trong những xã hội tự do dân chủ mà quyền tư do tư tưởng, quyền phát biểu ý kiến, quyền tin và không tin v…v.. là những quyền tuyệt đối. Chỉ có luật pháp quốc gia là người dân bắt buộc phải tuân hành, dù có biết đến hay không.
Gọi “Ngày Mất Nước” Khi "Nước Độc Lập"?
Chúng ta hãy thử phân tích những cụm từ như “ngày quốc hận” hay “ngày mất nước” xem chúng có khớp không. Trước hết, điều rõ ràng là, “quốc hận” chỉ là mối hận của một thiểu số tiếp tục nuôi dưỡng hoặc đi buôn thù hận, “mất nước” chỉ là sự mất mát của một thiểu số tiếc nuối một chế độ không đáng tiếc nuối, và “tháng tư đen” chỉ đen đối với một thiểu số mà đa số thuộc thế lực đen, trước một biến cố lịch sử của Việt Nam và của cả thế giới, ngày 30/4/75. Những cụm từ này không có tính cách pháp lý, không thể là ý nghĩ chung của mọi người, kể cả đa số những người tỵ nạn Cộng sản trước đây và con cháu của họ. Do đó không ai có quyền bắt mọi người trong cộng đồng phải gọi ngày 30/4 bằng những cụm từ mà vài nhóm thiểu số dùng. Theo lô-gíc thì mang cái “hận”, cái “mất” của một thiểu số, cá nhân cũng như tổ chức, để áp đặt lên cả nước qua những cụm từ như “Quốc hận” hay “Mất nước” là việc làm của những kẻ ngu si vô trí.
Chúng ta hãy đọc thêm vài định nghĩa của một số người về ngày 30/4 trên Internet:
“Ngày quốc hận là ngày của cộng đồng người Việt”; “Ngày Quốc hận là ngày của toàn dân miền Nam”; “Ngày Quốc Hận 30/4 là Ngày Mất Đất Nước, nói rõ hơn là Ngày Mất Nước Việt Nam Cộng Hòa”; “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là quốc tang và quốc hận”; “Ngày Quốc Hận là Quốc Hận”, “ngày 30-4 là ngày đau buồn của dân VN”.
Toàn là những lời mê sảng ngu đần của những kẻ thiếu oxy trong óc. Họ có quyền ngu, nhưng nếu đã là ngu thì vĩnh viễn vẫn là ngu. Họ có quyền nói láo, nhưng điều nói láo vĩnh viễn vẫn chỉ là điều nói láo.
Bây giờ chúng ta thử dùng một chút lô-gíc để luận chơi về những cụm từ như “quốc hận” và “mất nước”. Trước hết, những người muốn gọi ngày 30/4 là “ngày quốc hận” hay “ngày mất nước” phải ý thức được rõ ràng thế nào là một “quốc”, một “nước”, và xác định “quốc” đây là quốc nào, “nước” đây là nước nào. Lẽ dĩ nhiên ai cũng hiểu là họ muốn nói đến miền Nam trước đây. Nhưng những từ “quốc” và “nước” này có thể áp dụng cho miền Nam Việt Nam không. Người nào bảo được xin mời lên tiếng.
Đối với tôi, và tôi tin chắc là đối với đa số người dân Việt Nam, thì miền Nam không phải là một quốc gia riêng biệt của một sắc dân khác, dù rằng trong đó có 10% tự nhận là con dân của nước trời, nhưng trên thực tế chẳng có ai muốn về trời sớm để sống với Chúa ở trên trời. Miền Nam là một phần đất của Việt Nam do công ơn Nam tiến mở mang đất nước của tổ tiên trong quá khứ. Chuyện Mỹ dùng cường quyền thắng công lý dựng lên một chế độ tay sai (client state), con đẻ (offspring) của Mỹ, không thi hành Hiệp Định Geneva và tự cho miền Nam là miền riêng biệt chỉ có tính cách tạm thời trong mục đích chính trị của Mỹ. [Xin đọc chi tiết trong Phần II của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam” sẽ đăng nay mai].
Sau khi Mỹ tháo chạy và miền Nam sụp đổ, nước nhà thống nhất, thì Nam Bắc đã thành một khối, không còn sự phân biệt như trong thời chiến, thì tính cách tạm thời do Mỹ dựng lên đã không còn. Đây là một sự kiện lịch sử bất khả phủ bác, có chấp nhận hay không thì cũng không thể thay đổi được gì.
Nên biết, Hiệp Định Geneva cũng như Thỏa Hiệp Paris đều coi toàn thể nước Việt Nam là một, không làm gì có nước Nam Việt Nam, hay nước Việt Nam Cộng Hòa. Câu đầu tiên trong Thỏa Hiệp Paris là:
Điều 1. Mỹ và mọi nước khác tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, sự thống nhất, và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như đã được công nhận bởi Hiệp Định Geneva 1954 về Việt Nam.
[Article 1: The United States and all other countries respect the independence, sovereignty, unity, and territorial integrity of Viet-Nam as recognized by the 1954 Geneva Agreements on Viet- Nam.]
Hiệp định Geneva không hề chia cắt đất nước làm hai miền riêng biệt Bắc và Nam. Vĩ tuyến 17 chỉ là một phân định tạm thời để hai bên, Pháp và Việt Minh, rút quân và người dân được tự do chọn lựa nơi mình muốn sinh sống, chờ ngày Tổng Tuyển Cử vào năm 1956 để thống nhất đất nước bằng giải pháp chính trị. Trong bản Tuyên Ngôn Đơn Phương (Unilateral Declaration) của Mỹ về Hội Nghị Genève, Mỹ không bao giờ nói đến “Nam” hay “Bắc” mà chỉ nói đến một nước Việt Nam (Kahin, George McTurnan & John W. Lewis, The United States in Vietnam: An Analysis in Depth Of The History of America’s Involvement in Vietnam: Nowhere in its unilateral declaration did the US speak of a “South” or “North” Vietnam. Every reference of the American representative was to a SINGLE VIETNAM.). Vậy thì từ đâu mà đẻ ra cái gọi là Nước Nam Việt Nam riêng biệt. Đó chỉ là đứa con đẻ của Mỹ, và tàn dư của đứa con đẻ này chỉ là những nhóm người muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại. Xin đọc chi tiết về “đứa con đẻ của chúng ta” (our offspring) trong Phần II của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam”.
Do đó những người thốt ra những từ như “Quốc hận” hay “mất nước’ là những người không ý thức được thế nào là “quốc”, là “nước”, “quốc” của họ chỉ có trong những cái đầu với sự hiểu biết rất hạn hẹp về hai cuộc chiến ở Việt Nam. Họ không đủ lý trí để nhận ra là mình đã dùng những cụm từ vô nghĩa, tệ hơn nữa họ còn muốn lấy cái hận, cái mất của một thiểu số để mà áp đặt lên cộng đồng những người Việt mà họ cho rằng tất cả đều phải là tỵ nạn Cộng sản, hay cho cả nước, và hi vọng mọi người phải đồng ý với mọi điều họ đưa ra, bất kể những điều đó ngu xuẩn như thế nào. Họ muốn giữ chặt mối hận của họ trong đầu và hung hăng chống đối bất cứ ai mà họ hoang tưởng cho là có mưu đồ xóa bỏ cái hận của họ, trong khi chẳng có ai quan tâm đến và phải mất công để mà xóa bỏ những cụm từ mà tự thân chúng đã vô nghĩa.. Tại sao lại là ngu xuẩn. Bởi vì, đến ngày nay mà họ vẫn không hiểu được nguyên nhân cuộc chiến từ đâu mà ra, không hiểu được chế độ tàn bạo phi dân tộc của người Ca-tô Việt Nam Ngô Đình Diệm với tinh thần của một quan án Tây Ban Nha trong thời Trung Cổ, không hiểu được thực chất của những chế độ quân phiệt sau Diệm, không hiểu được tâm trạng chán chường chiến tranh của binh sĩ miền Nam, không hiểu được tại sao miền Nam sụp đổ v..v.. thì quả thật là ngu xuẩn.
Phần II của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam” hi vọng sẽ làm cho họ hiểu rõ hơn về cuộc chiến ở Việt Nam. Họ sẽ thấy rằng, họ hận điều không đáng hận, họ mất điều đáng mất, nhưng họ không biết như vậy, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng một mối hận và muốn mọi người cũng phải hận theo, khư khư ôm chặt lấy cụm từ “Quốc hận”.. Điều thê thảm là họ không thể mở mắt ra, cho nên trải qua hơn ba chục năm, mà vẫn không biết là thực ra mình đang làm cái gì, chỉ húc bừa vào những cối xay gió.
Ông Nguyễn Ngọc Bích và Nghị Quyết SJR455
Nghe nói ông Nguyễn Ngọc Bích đã vận động với Quốc Hội tiểu bang Virginia để thông qua Nghị Quyết SJR455, để kỷ niệm ngày 30 tháng Tư và gọi đó là ngày “Ngày Nam Việt Nam”. Những người nuôi thù hận một cách mù quáng điên cuồng, đọc không thông bản văn của Nghị Quyết SJR455, hoảng sợ người ta lấy đi cái hận của họ, đã ào ào chém gió, lên án ông ta là không có quyền đổi tên ngày “Quốc hận” của họ.
Có thể Quốc Hội Tiểu Bang Virginia ra quyết nghị qua vận động của một số người thực chất cũng chẳng có mấy về trí tuệ, và có thể Quốc Hội cũng chưa nghe đến cụm từ “Ngày Quốc Hận”, cho nên bảo rằng Nghị Quyết có mục đích đổi “ngày Quốc hận” thành “Ngày Nam Việt Nam” để mà chống đối là chống đối ẩu.
Tôi đã đọc toàn văn bản Nghị Quyết SJR 455 và không hề thấy trong đó có chỗ nào đề nghị đổi “ngày Quốc hận” thành “ngày Nam Việt Nam”, mà chỉ thấy có một câu sau một số những “Xét rằng”: “Quyết định bởi Thượng Viện Virginia, cùng với Hạ Viện, Rằng Hội Đồng khoáng đại, định danh hiệu ngày 30 tháng Tư, 2013 và mỗi năm sau đó, là “Ngày công nhận người Nam Việt Nam ở Virginia” (RESOLVED by the Senate of Virginia, the House of Delegates concurring, That the General Assembly designate April 30, in 2013 and in each succeeding year, as South Vietnamese Recognition Day in Virginia).
Ông Nguyễn Ngọc Bích dịch “South Vietnamese Recognition Day in Virginia” là “Ngày Nam Việt Nam” là dịch láo. Vì Vietnamese ở đây không có nghĩa là nước Việt Nam. Xét toàn bản văn bản Nghị Quyết thì tất cả là nói đến người Việt Nam, quân nhân Việt Nam, sự đóng góp của người Việt Nam ở Mỹ v…v… chỉ có một đoạn nói về miền Nam là “South Vietnam” chứ không phải là “South Vietnamese”. “Vietnamese” nếu là tĩnh từ thì có nghĩa là “thuộc hay đặc biệt của Việt Nam” thí dụ như “thức ăn Việt Nam”, “đường phố Việt Nam” v…v…; nếu là một danh từ thì có nghĩa là “người Việt Nam” hay “ngôn ngữ Việt Nam”. Mặt khác, dịch “South Vietnamese Recognition Day in Virginia” là “ngày Công nhận Nam Việt Nam ở Virginia” thì cũng chẳng có nghĩa gì, Nam Việt Nam ở đâu mà công nhận? Khi Mỹ dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam thì có nhiều nước trong thế giới tự do đã công nhận chế độ miền Nam. Ngày nay, “công nhận Nam Việt Nam” là công nhận một cái gì không còn hiện hữu, công nhận một cái đã được công nhận cách đây 58 năm, đúng là chuyện tiếu lâm.. Cho nên, theo tinh thần bản Quyết Nghị thì “South Vietnamese Recognition Day in Virginia” phải dịch là “Ngày công nhận người Nam Việt Nam ở Virginia”, cũng có thể hiểu là “Ngày Virginia công nhận người Nam Việt Nam”. Dù sao thì đâu có thể bẻ quẹo “Người Nam Việt Nam” thành “Nước Nam Việt Nam” được.
Hơn nữa, trên thực tế làm gì có “Quốc Gia Miền Nam” để mà có “Quốc hận”. Mặt khác, Nghị Quyết của Quốc Hội Tiểu Bang Virginia là của Virginia, không có giá trị với các tiểu bang khác, và không bắt buộc toàn thể cộng đồng người Việt ở hải ngoại phải công nhận Nghị Quyết của Tiểu Bang Virginia. Còn nữa, “South Vietnamese Recognition Day in Virginia” cũng là một cụm từ vô nghĩa vì nó rất mơ hồ về căn cước thế nào là “South Vietnamese”. Cho nên thực ra những người chống đối ông Nguyễn Ngọc Bích chỉ là những người vì hoảng sợ vô cớ nên dựng ra một người rơm rồi tự tay quật nó xuống đất.
Ai muốn hận thì cứ việc hận, có ai cấm cản mấy người đâu, nhưng đứng có nuôi ảo vọng là mọi người khác cũng phải hận theo. Nếu tôi đọc truyện chưởng Cửu Nguyệt Ưng Phi của Cổ Long và cảm thấy câu kết “Nếu một người vẫn không thể quên thù hận, há chẳng ngu xuẩn lắm sao?” hợp với quan niệm của mình, hoặc được Phật Giáo dạy “Một niệm sân hận có thể thiêu đốt cả rừng công đức” thì làm sao tôi lại phải hận một cái gì mà tôi thấy không có lý do để hận.
Vẫn Còn Muốn Viết Về Biến Cố 30/4/75
Trước đây tôi đã viết vài bài về ngày 30/4/75 (Ba Mươi Tháng Tư Và Tôi). Hình như ngày này có cái gì vướng mắc trong đầu, nên đã 38 năm rồi mà nay tôi vẫn còn muốn viết về một biến cố có thể coi là một mốc trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Người ta đã đưa ra nhiều luận cứ để giải thích và biện minh cho sự sụp đổ của miền Nam: nào là vì đồng minh phản bội (Mỹ có bao giờ coi VNCH là đồng minh?), nào là Việt Cộng được Nga Tàu cung cấp chiến cụ và vũ khí (thế miền Nam không được cung cấp nhiều hơn hay sao?), nào là chúng ta thua vì miền Nam văn minh hơn, nhân đạo hơn, giàu có hơn v..v.. miền Bắc.
Đó là những lý luận hời hợt của những kẻ không có mấy hiểu biết. Vì thiếu hiểu biết nên "mối hận vô căn cứ" cứ day dứt trong mấy chục năm qua trong một số người có cơ hội sống trong một nước tự do dân chủ như ở Mỹ mà vẫn không trưởng thành.
Cần Nhắc Lại Vài Nét Về Các Chế Độ Ở Miền Nam
Muốn hiểu tại sao miền Nam lại có một kết cục như vậy, chúng ta cần nhắc lại vài nét về các chế độ ở miền Nam. Ai cũng biết là chế độ Ngô Đình Diệm cũng như miền Nam là do Mỹ dựng lên, không phải là do người dân miền Nam bầu chọn, hay muốn như vậy. Đa số người dân miền Nam không biết Ngô Đình Diệm là ai. Về bản chất thìTổng Thống của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa, Ngô Đình Diệm, thuộc một gia đình ba đời làm Việt gian, không phải là một khuôn mặt yêu nước đối với dân tộc, được Mỹ, CIA và Vatican đưa về để chống Cộng cho Mỹ và cho Chúa với tinh thần của một bạo chúa, của một quan án Tây Ban Nha (Spanish inquisitor).
Còn về những chế độ quân phiệt của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa thì chúng ta hãy đọc vài lời thú nhận của các vị lãnh đạo cao cấp nhất ở miền Nam:
- Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu :
Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng . Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!
- Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt TT Nguyễn Văn Thiệu:
“Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản hoàn toàn bị phụ thuộc Hoa Kỳ, chúng ta không ở vào vị thế có thể đặt điều kiện với họ. Quân đội Mỹ muốn đến là đến, muốn đi là đi…”
- Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ:
"ông" Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê.
- Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH Cao Văn Viên:
"Chúng ta không có trách nhiệm chiến tranh (!) Trách nhiệm chiến đấu là của người Mỹ. Chính sách đó do Mỹ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi."
Với những lời thú nhận như trên, có thể coi miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, theo đúng nghĩa của một quốc gia được không ?
Lời phát biểu của Đại Tướng Cao Văn Viên phản ánh tâm trạng của nhiều người trong Quân Lực Việt Nam Cộng khi Mỹ đổ quân vào. Khi đó tôi còn ở trong quân đội, và câu tôi thường nghe được là: “Kệ mẹ nó. Để cho nó đánh”.
Với tâm trạng như vậy cho nên thật là dễ hiểu tại sao VNCH sụp đổ chỉ trong 55 ngày. Ngay trước khi Thỏa Hiệp Paris được ký kết (27 tháng 1, 1973), miền Nam đã được cung cấp một số lượng lớn vũ khí và chiến cụ, kể cả máy bay oanh tạc, đưa lực lượng không quân của miền Nam lên hàng thứ tư trên thế giới, mà một tướng lãnh Mỹ đã nói đùa là “Nếu chúng ta cho những thứ này cho Bắc Việt, chúng có thể đánh chúng ta cho đến hết thế kỷ” (If we had been giving this aid to the North Vietnamese,” an American general joked, “they could have fought us for the rest of the century.”) [Xin đọc Marilyn B. Young trong The Vietnam Wars: 1945-1990, trang 275].
Tại Sao Chỉ Trong 55 Ngày VNCH Sụp Đổ?
Nhưng tại sao chỉ trong 55 ngày VNCH sụp đổ? Đó là vì những vấn nạn về căn cước quốc gia miền Nam, về chính nghĩa miền Nam, về thực chất các chế độ miền Nam, về ý chí chống Cộng của quân nhân miền Nam, và cuối cùng là binh sĩ miền Nam đã chán chiến tranh cho nên có tâm cảnh buông xuôi.
Tâm trạng này đã được nhân sĩ miền Nam Vân Xưa Hồ Sĩ Khuê phân tích trong một bài dài “Đầu Hàng” [http://sachhiem.net/LICHSU/V/VanXua.php] trong cuốn “Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Bài này cũng cho thấy thực chất của hai nền Cộng Hòa ở miền Nam: độc tài phong kiến gia đình trị, tôn giáo trị, tiếp theo là chế độ quân phiệt của những tướng lãnh bất tài tham nhũng cầm đầu miền Nam, và nhất là chi tiết về những tướng nào chuồn trước, tướng nào chuồn sau, trước ngày 30/4.
Sau đây là một đoạn ngắn, và theo sự hiểu biết của tôi, thì tác giả đã viết không khác với những điều tôi biết qua những năm tôi ở trong quân đội và làm việc ngoài dân sự. Còn rất nhiều điều tôi biết về thực chất quân lực VNCH nhưng vì tôi là một cựu quân nhân nên tôi không bao giờ muốn nói ra.
Tâm cảnh chung của toàn thể đồng bào từ lâu rồi đã chán chiến tranh vì thù ghét một chế độ cộng hòa giả hiệu, hết phong kiến đến quân phiệt, mà người Mỹ đã không thương tiếc phương tiện dựng nên, để chống Cộng bất chấp quần chúng trong nước. Cứ nhìn quang cảnh, đầu năm 73, lúc bắt đầu thi hành thỏa hiệp đình chiến cũng rõ. Nói cho thật gọn, mà cũng thật đúng, quân dân miền Nam không còn một chút tin tưởng nào ở chính quyền do các ông tướng Thiệu/Kỳ bám chặt, binh sĩ miền Nam không còn gắn bó với quân đội do các ông tướng Khiêm/Viên khống chế.
Tâm cảnh chung là buông xuôi, là phó mặc, biểu thị sự thờ ơ, tình thế ra sao thì ra, Cộng Sản có vào cũng thế thôi, chẳng còn chi khác để chọn lựa.
Đó là thực chất của các chế độ miền Nam, thực chất tâm cảnh của quân dân miền Nam, không phải là tuyên truyền của Cộng sản. Điều này giải thích ngày 30 tháng tư tất nhiên phải đến. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Tại sao chúng ta lại hận khi “Lỗi tại ta mọi đàng” (Mea Culpa). Thực tế là như vậy, người quốc gia như tôi, có đau lòng đến đâu cũng không thể phủ nhận sự thật lịch sử.
Cuộc chiến đã qua lâu rồi, tại sao chúng ta không thể đối diện với sự thật mà cứ nghĩ và hành động theo những ảo tưởng của chúng ta về sự oai hùng của Quân Lực VNCH, sự oai hùng trên những bộ quân phục thẳng nếp, trên những huy chương treo đầy ngực, đi diễn hành ở Bolsa v…v… Góp phần vào những ảo tưởng này, Nghị Quyết SJR455 của Tiểu Bang Virginia có một đống “xét rằng” (Whereas) để tố Cộng và vinh danh người lính Cộng Hòa trong đó có câu: “Xét rằng: Cho đến tận ngày cuối, binh sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ nền tự do của họ với tài ba, quả cảm và dũng cảm” (Whereas: to the very end, soldiers of the Army of the Republic of Vietnam (ARVN) fought valiantly, defending their freedom with skill, daring, and gallantry.)
Đúng hay sai, có lẽ chúng ta không cần bàn đến, vì những diễn biến trong 55 ngày cuối của VNCH với nhiều hình ảnh vẫn còn đó, chưa biến đi đâu mất. Vấn đề là qua Nghị Quyết này, rõ ràng là Quốc Hội Tiểu Bang Virginia rất mù mờ về cuộc chiến ở Việt Nam nên viết theo những luận điệu tuyên truyền đã lỗi thời và sai sự thật về Cộng sản và về cuộc chiến. [Xin đọc bản Nghị Quyết ở cuối bài].
Chẳng có ai có thể phủ nhận ngày 30/4/1975 là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, là ngày người dân Việt Nam, trừ những người còn mang nặng tinh thần “Nam kỳ quốc” do chính sách chia rẽ ba kỳ của Pháp gây nên để dễ trị, hoặc những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, thù hận vì thiếu hiểu biết, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể là họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào. Tại sao, vì đó là ngày đánh dấu thêm một trang sử chiến thắng chống xâm lăng oai hùng của nhân dân Việt Nam.
Khía cạnh tích cực nhất của ngày 30/4/75 là Việt Nam đã được cả thế giới biết đến và nhìn Việt Nam dưới một lăng kính khác. Từ một nước nhỏ, nghèo, chưa phát triển, được biết đến rất ít trên thế giới trước cuộc chiến, nay đã là một quốc gia có liên lạc ngoại giao với 178 quốc gia, giao thương với 224 quốc gia trên thế giới, và là thành viên của các tổ chức Liên Hiệp Quốc, ASEAN, ASEM, APEC, WTO. Tại sao chúng ta không thể nhìn vào khía cạnh tích cực này của Việt Nam mà chỉ chú trọng đến những chuyện nhỏ nhoi trong xã hội để mà đả phá chính quyền. Có đọc, chỉ một phần nhỏ số sách đồ sộ viết về Việt Nam mới thấy thế giới, kể cả Mỹ, đã nghiên cứu hiểu biết về Việt Nam như thế nào. Nếu Mỹ có sự hiểu biết này từ thập niên 1940 thì chắc chắn Mỹ đã không lao đầu vào Việt Nam để bị sa lầy.
Thế Giới Ngưỡng Mộ Chiến Thắng Của Việt Nam.
Có đi du lịch nhiều nơi trên thế giới mới thấy chiến thắng của Việt Nam đã được ngưỡng mộ như thế nào. Nói về Việt Nam, chẳng có mấy người biết đến Ngô Đình Diệm, nhưng về Hồ Chí Minh thì hầu như những người tương đối nhiều tuổi ai cũng biết. Đã có một tác giả Mỹ ví cuộc chiến ở Việt Nam như là huyền thoại về David chống người khổng lồ Goliath. Chỉ có điều khác biệt, cậu bé David có Gót ở cùng nên có thể dùng một cái ná bắn chim đánh thắng người khổng lồ Goliath, Thánh Kinh viết vậy. Còn Việt Nam thì chỉ có nguồn cảm hứng từ Mác-Lênin với ý chí sắt đá chống ngoại xâm nên không thua cường quốc khổng lồ Mỹ. Mà không thua tức là thắng, theo quan niệm của Bắc Việt (theo Marilyn Young trong The Vietnam Wars: 1945-1990). Wilfred Burchett cũng ví cuộc chiến như là “Châu chấu và voi” Tại sao (Nam) Việt Nam sụp đổ” (Grasshoppers and Elephants: Why Vietnam Fell..)
Người Việt có quyền hãnh diện về trận Điện Biên Phủ, về ngày 30/4 không? David G. Marr, Giáo sư nghiên cứu về Thái Bình Dương ở Đại Học Quốc Gia Úc, viết trong Phần Dẫn Nhập của cuốn “Vietnamese Tradition On Trial 1920-1945”, trang 1:
Năm 1938: Ít nhất là 18 triệu người Việt nằm trong vòng kiềm tỏa của chỉ có 27000 binh lính thuộc địa. Tuy vậy mà chỉ 16 năm sau, lực lượng thuộc địa tới 450000 quân mà không thể tránh khỏi cuộc thảm bại về chiến thuật ở Điện Biên Phủ và bắt buộc phải di tản chiến lược xuống miền Nam vĩ tuyến 17. Sau cùng, trong những năm 1965-1975, nhiều tổ hợp của Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa, Nam Hàn, và các lực lượng quân sự đồng minh khác, tổng số lên tới 1.2 triệu người cũng bị thảm bại, và cuối cùng cũng bị đánh bại bởi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
(In 1938 at least eighteen million Vietnamese were being kept in check by a mere 27,000 colonial troops. Yet a scant sixteen years later, colonial forces totalling 450,000 were unable to avoid tactical disaster at Dien Bien Phu and compulsory strategic evacuation south of the seventeenth parallel. Finally, in the years 1965-1975, various combinations of American, Republic of Vietnam, South Korean, and other allied armed forces totalling up to 1.2 million men were outfoxed, stalemated, and eventually vanquished by the National Liberation Front and the People’s Army of Vietnam.)
Nếu chúng ta lại biết rằng, khi ông Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì lực lượng vũ trang nhân dân yếu kém như thế nào, nhưng ông Võ Nguyên Giáp đã phát triển từ lực lượng yếu kém này thành Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong vòng chưa đầy 10 năm để đưa đến thành tích chiến thắng ở Điện Biên Phủ, và sau đó với thành tích chiến thắng một đối phương có ưu thế tuyệt đối về quân sự và kinh tế, để đi đến thống nhất đất nước, thì đó có phải là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ và nhìn CS Việt Nam ngoài cái lăng kính nhỏ hẹp của hội chứng Quốc – Cộng không?
Nếu chúng ta lại biết rằng sự bất đồng Quốc–Cộng không thể nào trở thành cuộc chiến nếu chỉ là chuyện nội bộ của Việt Nam, mà cuộc chiến xẩy ra là do mưu đồ và sự xếp đặt của các cường quốc, mới đầu là Pháp, sau là Mỹ, dùng “cường quyền thắng công lý“ xía vào nội bộ Việt Nam để phục vụ cho quyền lợi chính trị và kinh tế của chúng, thì chúng ta sẽ nghĩ sao về cuộc chiến?
Cuộc chiến giữa Quốc và Cộng, nếu có, có thể coi là nội chiến với ý nghĩa xung đột giữa hai lý tưởng của hai khối người Việt, là chuyện nội bộ của Việt Nam, không có ngoại quốc nhúng tay vào. Vấn đề chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân của cuộc chiến là từ đâu và tại sao CS lại có thể thành công thực hiện được mục đích trong cả hai cuộc chiến? Lẽ dĩ nhiên những thành tích trên là của toàn dân, nhưng nếu không có sự tổ chức và lãnh đạo của đảng Cộng Sản VN thì làm sao tự thân nhân dân có thể đạt được những thành tích như vậy.
Ngày 30/4/1975 cũng là ngày hòa bình đã đến đất nước Việt Nam, không còn chiến tranh bom đạn chết chóc phi lý và một thế hệ mới đã có thể bắt tay vào việc xây dựng đất nước. Bất kể những hô hào chống đối của một thế lực đã nổi tiếng là phi dân tộc cũng như của một số người đã sống với những “ảo tưởng” về quá khứ ở miền Nam, hay những định nghĩa phi lý trí như “Ngày quốc hận là ngày của cộng đồng người Việt”; “Ngày Quốc hận là ngày của toàn dân miền Nam”; “Ngày Quốc Hận 30/4 là Ngày Mất Đất Nước, nói rõ hơn là Ngày Mất Nước Việt Nam Cộng Hòa”; “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là quốc tang và quốc hận”; “Ngày Quốc Hận là Quốc Hận”, “ngày 30-4 là ngày đau buồn của dân VN”, tình người Việt Nam đã tỏ rõ trong sự kiện hàng năm có nhiều trăm ngàn người Việt tha hương về thăm quê hương, trong đó không thiếu gì các quân nhân trong Quân Lực VNCH khi xưa, từ cấp Tướng, Tá cho đế các cấp dưới, mang về cho đất nước nhiều tỷ đô la, nhiều chuyên gia trong giới trẻ cũng đã góp phần xây dựng đất nước qua những kiến thức chuyên môn của mình. Rõ ràng là những lớp người này không hề coi ngày 30/4 là “ngày Quốc hận”. Và không ai có thể phủ nhận là đất nước càng ngày càng phát triển, vượt xa chế độ miền Nam trước đây về đủ mọi mặt, kể cả về phương diện tự do và dân chủ tuy rằng còn có ít nhiều giới hạn để đối phó với những người lợi dụng tôn giáo hay dựa thế ngoại bang trong mưu toan làm loạn quốc gia, và đối phó với một số chính trị gia ấu trĩ vọng ngoại. Chẳng ai có thể phủ nhận là Việt Nam ngày nay có những tệ đoan xã hội, giáo dục, đạo đức con người xuống cấp, lạm dụng quyền thế. Nhiều năm trước, khi vụ đồng Bath của Thái Lan xuống giá, tôi đã báo động với Nhà Nước là: Cần phải biết rằng, nếu đi vào con đường hiện đại hóa, mở mang kinh tế, không có cách nào có thể tránh khỏi những tệ đoan xã hội, ảnh hưởng của những nền văn hóa ngoại lai, điển hình là nền văn hóa mà các nhà truyền giáo Tây phương vẫn thường nhập nhằng liên kết với những tiến bộ của khoa học Tây phương để mà hãnh diện gọi là nền văn minh KiTô Tây phương (Westem Christian Civilization), và mong Nhà Nước có kế hoạch giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực trên xã hội. Nhưng đây là những vấn nạn cần phải giải quyết qua chính quyền trung ương và những chính quyền địa phương với sự đóng góp của người dân quan tâm đến đất nước. Những tệ đoan xã hội và sự suy thoái đạo đức cách mạng ngày nay là những vấn nạn thời đại, không liên hệ gì đến vai trò và thành tích của đảng Cộng sản Việt Nam trong hai cuộc chiến. Vấn đề là người trong nước phải tìm cách giải quyết những vấn nạn thời đại này. Không thể vì những vấn nạn thời đại này mà xóa bỏ công của CS Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và thống nhất đất nước, hay đặt vấn đề một cách ấu trĩ như Bùi Tín, dựa trên tình trạng đất nước trong thời hậu chiến: “Vậy thống nhất để làm gì, thống nhất mà như vậy sao”.
Ngày 30/4/1975 mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, tỵ nạn Cộng sản cũng như tỵ nạn kinh tế, hiện đang sống ở nước ngoài. Ở ngoại quốc, người Việt Nam nổi tiếng là cần cù, chịu khó, con em học hành rất thành đạt và có thể nói là vượt trội nhiều sắc dân khác đã định cư ở hải ngoại lâu đời. Đó là những em không cầm cờ vàng đi biểu tình, chỉ chăm lo học hành với sự thúc đẩy của gia đình. Điều này không có nghĩa là con em Việt Nam ở ngoại quốc giỏi hơn hay thông minh hơn con em người dân ỡ trong nước. Ngày nay, có nhiều con em trong nước, trong đó có con em của những người thuộc chế độ VNCH, có cơ hội du học nước ngoài, học ở các trường lớn, chắc chắn chẳng thua kém ai. Tôi có biết vài trường hợp như vậy. Giới trẻ ở ngoại quốc thì như vậy nhưng không thể tổng quát hóa. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại không phải là không có những tệ đoan xã hội như băng đảng cướp của, giết người, tống tiền v..v.., hậu quả của sự đua đòi vật chất nhưng lại không có khả năng chuyên môn để kiếm sống; những sự gian lận công quỹ của một số trí thức vô liêm sỉ trong các giới bác sĩ, luật sư không phải là không có; những hành động phi dân chủ, tự do nhân danh chính dân chủ và tự do của một số người thuộc loại chống Cộng chết bỏ là chuyện xẩy ra thường xuyên v..v.. Ở đâu cũng vậy, cũng có những hạng người không còn lương tri, không còn liêm sỉ, không còn đạo đức. Tiền bạc, hư danh là những thứ dễ lôi cuốn con người vào vòng sử dụng những thủ đoạn để đạt được mục đích đen tối bất kể liêm sỉ.
Riêng đối với cá nhân tôi, trước ngày 30/4/1975 mấy ngày là ngày tôi quyết định ly hương và cho đến bây giờ tôi vẫn không hối tiếc gì về quyết định này. Không được sống trên quê hương đất tổ, nhưng ngày nay, tôi muốn về thăm quê hương khi nào cũng được. Và tôi đã thực hiện bốn chuyến về thăm quê hương trong các năm 1996, 1998, 2007 và 2010, đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, và thấy Nước vẫn còn đó, Sài Gòn vẫn còn đó, chẳng có “mất” đi đâu cả. Không gian như thu hẹp lại, cả thế giới đã mở ra trước mắt, và nhờ “hồng ân” của cụ Washington, tôi đã có thể đi tham quan nhiều nước trên bốn lục địa, ngoài Phi Châu.
Cuộc chiến Việt Nam đã đưa đẩy nhiều người đến những số phận không ai muốn. Nhưng dù muốn hay không, với bản năng sinh tồn, con người vẫn phải tiếp tục sống. Đối với những mất mát về tinh thần và vật chất khi phải xa quê hương, nói rằng không có sự luyến tiếc chỉ là tự dối lòng. Nhưng điều bù đắp hơn hết đối với cá nhân tôi là tôi có cơ hội đọc rất nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, về Ki Tô Giáo cũng như về Phật Giáo. Điều này đã khiến tư duy của tôi thay đổi trên nhiều phương diện.
Sự Mất Mát Được Đền Bù
Đối với tôi, sự mất mát trong một giai đoạn đã được đền bù bằng những món ăn tinh thần mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ tới. Từ 1975, định cư ở Mỹ, tôi mới có cơ hội và phương tiện để tìm hiểu về Phật Giáo. Tôi cho đó là một hồng phúc của tổ tiên để lại. Ngoài ra, tôi cũng còn có cơ hội để tìm hiểu thực chất về các tôn giáo khác, đặc biệt là về Ki Tô Giáo nói chung, Ca-tô Rô-ma giáo (Roman Catholicism) nói riêng, cũng như về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam mà tôi tin rằng nếu ở lại Việt Nam tôi không thể nào có phương tiện và cơ hội để có được những sự hiểu biết này. Đây là những món ăn tinh thần vô giá đối với tôi.
Về chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã thua, hay là không thắng theo quan niệm của Mỹ (Mỹ quan niệm không thắng là thua), và một thiểu số muốn tiếp tục cuộc thánh chiến chống Cộng ở hải ngoại, chống Cộng vì những mất mát cá nhân về quyền thế, về tôn giáo, hay tài sản, hay người thân v..v.., nói chung, với lý do chúng ta là “nạn nhân của Cộng Sản”. Nhưng trong chúng ta, có ai đặt câu hỏi: “Thế nạn nhân của Mỹ và của phía Quốc Gia thì sao?” Ai có can đảm trả lời trung thực câu hỏi này. Nên nhớ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã giết khoảng 300000 người vô tội trong chính sách “tố Cộng”, cộng với những thảm bom trải từ B52, vùng oanh kích tự do, Bến Tre, chiến dịch Phụng Hoàng, Agent Orange, Mỹ Lai v..v.. của Mỹ đến Việt Nam với danh nghĩa bảo vệ dân chủ, tự do, nhân quyền cho người Việt. Và sự thật là, trong cuộc chiến, số người chết, bị thương của miền Bắc gấp mấy lần của miền Nam. Khoan nói đến những sự tàn khốc của chiến tranh, những người chết và thân nhân gia đình họ ở phía bên kia có phải là người không, và những người còn sống có đau khổ trước những sự mất mát to lớn đã đến với họ không? Hơn nữa những nạn nhân của chiến tranh do ảnh hưởng của chất độc da cam còn kéo dài cho tới ngày nay, vậy họ có quyền thù hận chúng ta không?
Vậy nếu họ cũng kéo dài thù hận như chúng ta, thì sự thù hận này bao giờ mới chấm dứt, oan oan tương báo. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ thấy những thái độ thù hận một chiều, đúng ra là ngược chiều, từ phía những người quốc gia vô trí ở hải ngoại. Có vẻ như những người đi buôn thù hận này nghĩ rằng, những người bên phía CS không phải là người, không có cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thuộc v..v.. nên những mất mát tổn thất của họ không đáng kể, chỉ có những tổn thất của phía chúng ta mới đáng để thù hận. Những người chống Cộng chỉ đưa ra những luận điệu một chiều để chứng minh chỉ có CS là ác, còn QG hay Mỹ thì không. Họ cố tình lờ đi và không bao giờ nhắc đến những hành động đối với dân, với kẻ thù, của người lính Quốc Gia cũng như của người lính Mỹ mà ngày nay chúng ta không thiếu tài liệu, những tài liệu nghiên cứu của chính người Mỹ và của các bậc khoa bảng. Nhưng cũng may là sự thù hận này phần lớn chỉ có một chiều, tập trung trong một thiểu số ở hải ngoại mà đa số trong đó thuộc thế lực đen, một thế lực đã nổi tiếng trong dân gian, mà lịch sử đã ghi rõ, là “mất gốc” và “hễ đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc”, đang nắm những phương tiện truyền thông ở hải ngoại.
Có một điều khó ai có thể phủ nhận là cuộc cách mạng 1789 của Pháp, và sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20, đã phần nào làm sụp đổ ý thức hệ Ca-tô Rô-ma giáo ở Âu Châu, hậu quả là tình trạng suy thoái thê thảm của Ki Tô Giáo nói chung ở Âu Châu ngày nay. Có thể nói, chủ nghĩa Cộng Sản là một toa thuốc đã thành công chữa vài căn bệnh thời đại đã giáng lên đầu nhân loại: bệnh nghiện thuốc phiện Thiên Chúa của Âu Châu mà người dân Âu Châu ngày nay đã cai từ từ, bệnh tư bản bóc lột giai cấp vô sản của cuộc cách mạng kỹ nghệ mà nhờ có Marx các xí nghiệp đã sáng suốt kịp thời cho tổ chức những nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân, và bệnh thực dân bóc lột chà đạp những nước nhược tiểu, đã cáo chung sau chiến thắng Điện Biên Phủ ở Việt Nam.
Việt Nam nên hãnh diện vì đã đi tiên phong trong sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, một ách nô lệ mà lịch sử đã ghi rõ, thực dân Pháp không thể áp đặt lên dân tộc Việt Nam nếu không có những sự hỗ trợ, hành động tay sai của tổ chức Ca-tô Giáo Rô-ma ở Việt Nam, như chính giám mục Puginier đã thú nhận. Cộng Sản Việt Nam đã đóng góp không ít cho sự cáo chung của chế độ thực dân trên thế giới, đồng thời đưa thế lực đen ở Việt Nam, một thế lực đã nổi tiếng là “hễ phi dân tộc thì thể nào cũng phản bội dân tộc”, về nguyên vị là một thiểu số lệ thuộc ngoại bang sống ngoài lề xã hội mà một trí thức Ca-tô đã nhận định là sống như người ngoại quốc trên chính đất nước của mình, và mất đi những quyền lợi chỉ có thể có được nhờ thực dân và 2 chính quyền Ca-tô ở miền Nam.. Đây là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ bác bất cứ dưới lý luận ngụy biện nào.
Chống Cộng Khi Không Còn Cộng,
Nhưng sau khi đánh đuổi được thực dân và thống nhất đất nước, chủ nghĩa Cộng Sản đã không còn thích hợp, vì vậy mà Việt Nam đã kịp thời chuyển hướng, vượt qua những khó khăn lúc đầu của tình trạng đất nước kiệt quệ sau cuộc chiến, và sự cấm vận có tính cách trả thù của Mỹ trong 19 năm, và đưa quốc gia đến tình trạng phát triển về mọi mặt ngày nay. Trăm nghe không bằng một thấy. Hãy về Việt Nam để thấy tận mắt đất nước này ngày nay như thế nào. Chỉ có những con bò mộng Tây Ban Nha, đeo thêm cặp kính màu hồng, nhìn đâu cũng thấy màu đỏ và cắm đầu húc càn, mới không biết đến những điều này. Tôi đọc đâu đó có câu “Chỉ những kẻ ngu mới làm tay sai cho CSVN“. Câu này cần đổi lại cho thích hợp với thực tế: “Chỉ những kẻ ngu mới chống Cộng khi không còn Cộng“. Ở Việt Nam, ai thấy Cộng ở đâu, chỉ tôi coi. Nếu đúng là Cộng thì làm gì còn Nguyễn Văn Lý, còn các nhà “dân chủ“, còn các vụ biểu tình dân oan, còn có vụ thắp nến cầu nguyện với búa, kìm và xà beng ở Thái Hà.
Trong phần kết của bài “Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam: Phần II“, tôi có viết: “Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cởi trói cho các ngươi”: đó là một câu trong Tân Ước. Chiến tranh đã chia rẽ lòng người, thù hận một chiều của một số những kẻ với tâm cảnh “quốc hận, “mất nước”, “tháng tư đen” kéo dài liên miên bất tận. Thật tội nghiệp cho họ. Đầu óc của họ thường bị trói chặt trong thiên kiến, trong thù hận, vì họ không biết đến sự thật, hay cố chấp bác bỏ những sự thật không phù hợp với sự hiểu biết hay thiên kiến của họ.
Quá khứ đã qua lâu rồi, Những hiểu biết một chiều của chúng ta về cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam đã tạo nên lòng thù hận kéo dài một cách phi lý, cần phải xóa bỏ trước những sự thật lịch sử. Việt Nam đang nhìn về và tiến tới tương lai. Tương lai quốc gia ra sao, theo thể chế nào, là do người trong nước quyết định, làm lịch sử cho đất nước của họ. Người ở ngoài nước, nếu có lòng với quốc gia, chỉ có thể góp ý xây dựng một cách chân thành, bất vụ lợi, với mục đích mong cho quốc gia tiến bộ về mọi mặt, song song với thế giới.
Chúng ta chắc hẳn ai cũng muốn cho nước nhà phát triển và tiến bộ và tự do dân chủ như những nước tân tiến. Nhưng có mấy ai thực sự hiểu thế nào là dân chủ, là tự do, là nhân quyền. Những quyền này không thể tách rời khỏi trách nhiệm xã hội của người dân. Người dân phải được giáo dục kỹ về trách nhiệm xã hội trong những vấn đề như tự do, dân chủ, nhân quyền, trước khi họ có thể sử dụng những quyền này. Chưa ý thức được thế nào là trách nhiệm xã hội, thì sử dụng các quyền trên một cách vô trách nhiệm chỉ làm loạn xã hội.
Về “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”
Những người chống Cộng thường viện dẫn bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” của Liên Hiệp Quốc làm khuôn vàng thước ngọc để đo vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong khi họ không hiểu rõ về bản Tuyên Ngôn này.
Tháng 12, 1948, Liên Hiệp Quốc tung ra Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, một tài liệu không rõ ràng, không có tính cách bắt buộc pháp lý (Mary E. Williams, Human Rights, p. 16: declarations are not legally binding; Robert W. Lee, The United Nations Conspiracy, p.101: the UN later adopted its vague, non-binding Declaration of Human Rights), nghĩa là các quốc gia không có bổn phận phải thi hành những điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền. Tuy nhiên, Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền trên thường được Tây phương cưỡng dùng làm thước đo vấn đề nhân quyền trên toàn thể thế giới, một chiêu bài thường được sử dụng để đạt được những mục đích chính trị kinh tế của Tây phương chứ không phải vì tự thân nhân quyền, bất kể quan niệm về nhân quyền trong các nền văn hóa khác nhau. Ảnh hưởng của các cường quốc Tây phương, dựa trên bản Tuyên Ngôn, sau này đã đưa đến sự thành hình hai Giao Ước về Nhân Quyền trên thế giới: Giao Ước Quốc tế Về Quyền Dân Sự và Quyền Chính Trị (The International Covenant on Civil and Political Rights), và Giao Ước Quốc Tế về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa (The International Covenant on Economic, Social, and Cultural Rights) vào năm 1966.
Vài điều khoản trong bản Giao Ước Quốc Tế cho thấy những quyền của con người luôn luôn đi kèm với trách nhiệm xã hội trong vòng pháp luật:
Điều Khoản 18
1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tri và tôn giáo..
2. Sự tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mọi người có thể chỉ phải chịu những hạn chế quy định bởi luật pháp và cần thiết để bảo vệ sự an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, hay đạo đức hay quyền căn bản và tự do của người khác.
Article 18
1. Everyone shall have the right to freedom of thought, conscience and religion..
2. Freedom to manifest one’s religion or beliefs may be subject only to such limitations as are prescribed by law and are necessary to protect public safety, order, health, or morals or the fundamental rights and freedom of others.
Điều Khoản 19:
1. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến..
2. Việc thực thi những quyền quy định trong mục 2 của điều khoản này đi cùng với những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Nó có thể phải chịu một số hạn chế, nhưng những hạn chế này chỉ có thể do luật pháp đặt ra.
Article 19
1. Everyone shall have the right to freedom of expression..
2. The exercice of the rights provided for in Paragraph 2 of this article carries with its special duties and responsibilities. It may therefore be subject to certain restrictions, but these shall only be such as are provided by law.
Điều khoản 21
1. Công nhận quyền hội họp trong hòa bình
2. Không hạn chế nào được đặt trên sự thực thi quyền trên ngoài những hạn chế được áp đặt để tuân theo luật pháp.
Article 21.
1. The right of peaceful assembly shall be recognized.
2. No restriction may be placed on the exercice of this right other than those imposed in conformity of the law.
Chúng ta thấy ngay rằng, mọi quyền của con người, theo tinh thần của những bản văn trên, đều phải đi kèm với trách nhiệm xã hội nằm trong vòng luật pháp của mỗi nước. Nếu luật pháp của mỗi quốc gia mỗi khác thì định nghĩa về nhân quyền của mỗi quốc gia cũng mỗi khác. Không có lý do gì để lấy nền luật pháp của Mỹ hay của bất cứ nước nào để dựa vào đó mà đo vấn đề nhân quyền trên toàn thể thế giới.
Ngoài ra, điều khoản 20 trong bản Giao ước “đòi hỏi chính quyền phải ra luật ngăn cấm mọi tuyên truyền cho chiến tranh và mọi ủng hộ cho sự căm thù quốc gia, sắc dân hay tôn giáo có tác dụng tạo nên sự khích động cho những vấn đề kỳ thị, thù nghịch hay bạo lực” (Article 20 of the CP covenant “requires States parties to prohibit by law any propaganda for war and any advocacy of national, racial or religious hatred that constitutes incitement to discrimination, hostility or violence..).
Với những hiểu biết về nhân quyền như trên, chúng ta phải nói rằng Việt Nam ngày nay là một nước hỗn loạn về tự do áp dụng vô ý thức những quan niệm về tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng vẫn bị những thế lực thù nghịch xuyên tạc về vấn đề nhân quyền. Nhưng thử hỏi, trước những trường hợp như “linh mục Nguyễn Văn Lý” nói bậy, coi thường luật pháp trong Tòa”; “thắp nến cầu nguyện với búa, kìm và xà beng của một tôn giáo”, lời tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về những chuyện làm bậy của các linh mục không trái với “giáo luật” của Ca-tô giáo, “Tuyên Ngôn Thuộc Linh” của nhóm Tin Láo v…v… thì Nhà Nước có quyền áp dụng Khoản 20 của bản Giao Ước Quốc Tế không? Nhưng tại sao Nhà Nước lại có thể để cho những chuyện đó xẩy ra mà không có biện pháp trừng phạt thích ứng. Phải chăng Nhà Nước phải dè dặt trước áp lực của các thế lực ngoại quốc như Mỹ, và những cơ quan truyền thông chuyên xuyên tạc, đánh phá Việt Nam?
Hi vọng những hiểu biết này, qua những công cuộc nghiên cứu trí thức, có thể phần nào đóng góp cho việc tìm hiểu những vấn đề nhức nhối giữa những khối người Việt có chính kiến khác nhau về cuộc chiến tranh trên ba mươi năm trước, và nhất là về ngày 30 tháng Tư, 1975.
Trần Chung Ngọc (Ngày 18 tháng 4, 2013) - SACHHIEM.NET
Tags:
Việt Nam
ong co chac nhu zj ko?
ReplyDeleteNếu tất cả người Việt đều có suy nghĩ như tác giả bài viết thì bao giờ chúng ta mới hòa hợp được dân tộc?Những người thuộc chế độ đó sẽ mất đi,con cháu họ rồi sẽ trở về xây dựng đất nước."Thắng làm vua thua làm giặc" bạn đã bao giờ nghe câu nói đó chưa? Chúng ta là nạn nhân của chiến tranh.Chiến tranh Việt Nam chỉ là sự mặc cả của các nước lớn."Người Trung Quốc đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng,còn người Mỹ quyết nhuộm màu da trên đất Việt"
ReplyDeleteVậy đọc xong bài viết trên bạn thấy tác giả nói về việc nên giữ lại sự thù hằn hay là tác giả phân tích rõ ngọn ngành về những sự ngu dốt mu muội của một bộ phận những người Việt ở hải ngoại?
Delete:)) hình như tên nặc danh chưa đọc dc hết bài. chẳng có cái lý nào là thắng làm vua thua làm giạc hết, đó chỉ là sự ngụy biện cho lý do thua. nếu chiến tranh vn mà là sự mặc cả toàn bộ thì vn ta đã ko thống nhất ko độc lập. họa chăng có sự can thiệp thì chỉ năm 54 trở vê trước nên phải có thêm cuộc trường chinh 21 năm. ngụy thua vì nó bán nước, làm tay sai cho giặc, ngụy tự lừa mình lừa người nên mới có bài ca quốc hận. nó ko có chính nghĩa, ko có tình yêu thương với giống nòi nên tháo chạy bám càng trục thăng nhục nhã là chuyện tất yếu. đó là quy luật khách quan của lịch sử. vn ko phải là thuco65 địa của tàu, càng ko phải là tay chân đàn em gì mà phải chống mỹ cho tàu. vn đánh mỹ chỉ vì vn mà thôi. chiến tranh năm 1979 biên giới phía bắc là minh chứng, là phản biện sắc bén cho cái câu :"Người Trung Quốc đánh Mỹ tới người Việt Nam cuối cùng,còn người Mỹ quyết nhuộm màu da trên đất Việt" vn đánh mỹ, mỹ cút, tàu tự cho mình anh cả thích dạy cho đàn em vn thì lại bị đập 1 trận. vn từ xưa tới giờ chỉ chiến đấu vì chính dân tộc mình mà thôi.
DeleteNhững ngày gần 30 tháng 4 này, tràn ngập trên các diễn đàn chống phá Việt Nam đầy rẫy những bài viết nào là "Quốc Hận", nào là "Ngày 30 tháng 4 đen tối", "30 THÁNG 4 NĂM 1975, NGÀY QUỐC HẬN
ReplyDeleteCỦA DÂN TỘC VIỆT NAM."... "Quốc hận" cho ai vậy?