Việt Nam và cuộc đua khai thác băng cháy ở Biển Đông
Sunday, April 28, 2013
Biển Đông đang nóng lên không chỉ vì nguồn tài nguyên phong phú về hải sản, dầu khí mà còn có sức hấp dẫn khác mạnh hơn, đó là băng cháy.
Các nhà khoa học năng lượng tính toán năng lượng hóa thạch trên Trái đất chỉ có thể khai thác khoảng 60 năm nữa là cạn kiệt. Trong nỗ lực phát triển, con người đang đi tìm những nguồn năng lượng mới để thay thế. May mắn thay Trái đất này còn một nguồn năng lượng khác đó là băng cháy, có thể cung cấp cho con người nguồn năng lượng khổng lồ đủ cho con người sử dụng trong vòng 2.000 năm nữa.
Băng cháy (còn gọi là đá cháy), có tên khoa học là Methane clathrate (còn gọi là natural gas hydrate hoặc gas hydrate, hình thành từ các loại khí thiên nhiên như methane, ethane, propan và nước trong điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0°C). Băng cháy thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu ít nhất từ 300 m trở lên, các đảo ngầm đại dương và ở các vùng băng vĩnh cửu, dưới dạng thể rắn giống như những trái banh tuyết nhỏ.
Băng cháy là nguồn năng lượng khổng lồ, cứ 1 m3 băng cháy giải phóng khoảng 164 m3 methane (cao gấp 2 - 5 lần khí thiên nhiên, lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường vì là hydrate đông lạnh, ít tạp chất). Băng cháy có nhiều màu khác nhau như trắng, vàng, nâu, đỏ, xám hay xanh da trời. Có hơn 90 quốc gia trên thế giới có trữ lượng băng cháy. Các nước có trữ lượng băng cháy lớn nhất là Canada, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc.Băng cháy cũng có mặt trái của nó. Được hình thành ở nhiệt độ thấp và áp suất thấp, nên chỉ cần thay đổi áp suất hoặc nhiệt độ tăng lên khoảng 1°C-20°C sẽ làm băng cháy phóng thích methane gây nên thảm họa nhà kính toàn cầu, gây sóng thần do các thềm lục địa đổ ập xuống. Đặc biệt, trong tình trạng biến đổi khí hậu dang diễn ra nhanh chóng, dễ làm băng cháy phóng thích năng lượng. Chính vì vậy băng cháy rất khó khai thác.
Cũng có giả thuyết cho rằng băng cháy có thể là nguyên nhân gây nên những vụ mất tích máy bay, tàu thuyền bí hiểm bởi năng lượng của chính băng cháy được giải phóng bất ngờ.
Chạy đua khai thác
Hiện nay, chưa có quốc gia nào khai thác băng cháy ở quy mô công nghiệp. Nga khai thác mỏ băng cháy ở Siberi từ năm 1965 với công nghệ truyền thống như với khí thiên nhiên nên hiệu quả thấp.
Làm sao khai thác băng cháy một cách an toàn và hiệu quả là một thách thức đối với nhiều nước. Phương pháp khai thác băng cháy về nguyên tắc là không được đào lên mà phải làm tan chảy băng cháy dưới lòng đất bằng cách làm giảm áp suất để thu khí methane. Nhưng làm sao xây dựng được hệ thống đường ống dẫn khí methane khi băng cháy phân hủy là một thách thức của giới công nghệ.
Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… là những quốc gia đang ráo riết đi tìm công nghệ để khai thác băng cháy. Canada đã chiết xuất thành công methane từ băng cháy trên đất liền. Nhật Bản đầu tư 127 triệu USD cho dự án khai thác băng cháy ở vùng biển Tây Nam Tokyo… Nhưng cho đến nay, công nghệ khai thác băng cháy hoàn chỉnh vẫn chưa được xác định và nó vẫn là một thách thức rất lớn đối với con người hiện đại.
Trung Quốc khai thác băng cháy ở biển Đông
Tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Cục Khảo sát địa chất biển Quảng Châu, thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết nước này đang chuẩn bị kế hoạch tìm kiếm và khai thác băng cháy ở Bắc biển Đông.
Theo đó, sang năm 2013 Trung Quốc sẽ đưa tàu Hải Dương 6 làm nhiệm vụ tìm kiếm và khai thác băng cháy trên Bắc biển Đông. Tàu có trọng tải 4.600 tấn, tầm hoạt động 15.000 hải lý, do Trung Quốc sản xuất với chi phí 63 triệu USD, được trang bị nhiều thiết bị công nghệ cao và hệ thống thăm dò dưới nước có thể điều khiển từ xa.
Trung Quốc tuyên bố đã tìm thấy băng cháy ở Bắc biển Đông từ năm 2007, với trữ lượng ước tính khoảng 19,4 tỉ m3.
Kế hoạch này, cùng với việc đưa tàu dầu khí Hải Dương 201 và giàn khoan dầu khổng lồ Ocean Oil 981 đi vào hoạt động, cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc khai thác năng lượng trên biển Đông.
Việt Nam tiếp cận với băng cháy
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng băng cháy khá lớn. Từ năm 2007, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức hội nghị khoa học về băng cháy. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định, chương trình nghiên cứu, đánh giá tài nguyên băng cháy. Ngày 3-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 796 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu (2007- 2015) kết thúc giai đoạn tiếp cận, nghiên cứu công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 bắt đầu đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng.
Việc nghiên cứu băng cháy rất khó khăn, đặc biệt về công nghệ khai thác nên đòi hỏi cần nhiều thời gian. Với các nước có công nghệ tiến tiến, cũng cần phải mất đến vài chục năm nữa mới hy vọng tìm ra giải pháp công nghệ tối ưu trong việc khai thác an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng khổng lồ này.
Theo Người lao động
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment