Không thể độc chiếm biển Đông
Tuesday, April 16, 2013
Dư luận trong và ngoài khu vực đã có phản ứng sau khi Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố kế hoạch tăng cường quản lý tài nguyên biển. Bởi đây là một phần trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương 5 năm lần thứ 12”.
Trong đó, Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí và bình thường hóa các hoạt động tuần tra trên biển Đông, đồng thời bảo vệ quyền lợi trên biển bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sâu các đối sách, tăng cường khống chế thật sự đối với các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Được biết, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc sẽ đánh giá và xác định chiến lược tài nguyên dầu khí tại các khu vực như Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông), đồng thời mở rộng khả năng thăm dò dầu khí tại các khu vực này, cũng như khai thác kinh doanh dầu khí, đầu tư trang bị kỹ thuật thăm dò nước sâu và hoàn tất việc nghiên cứu các khu vực dầu khí trọng điểm trên biển.
Điều đáng nói là tuy “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương 5 năm lần thứ 12” đề cập tới việc phát triển hải dương ở các biển Hoa Đông, Hoa Nam và biển Đông, nhưng chủ yếu nhằm vào biển Đông - Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh chiến lược độc chiếm biển Đông bất chấp các quy định pháp lý quốc tế, thông qua việc triển khai một cách đồng bộ và bài bản các mặt quân sự, kinh tế, ngoại giao... Bắc Kinh sẽ hướng dư luận ủng hộ các lợi ích biển của Trung Quốc, cho dù việc này xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của các nước hữu quan. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thực hiện bài bản, cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là tuyên truyền.
Được biết, Bắc Kinh đã thành lập Ban Lãnh đạo công tác bảo vệ quyền, lợi ích biển của Trung Quốc, gọi tắt là Ban Chủ quyền biển trung ương tập hợp các quan chức thuộc Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và quân đội.
Sở dĩ đưa ra nhận định kể trên bởi sau đó (14/4), hai tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Quốc (tàu hộ vệ Lan Châu 170 và tàu hộ tống Hoành Thủy 572) đã tiến hành một cuộc tập trận (tấn công và phòng vệ) ở khu vực Tây Thái Bình dương. Trước đó, Sở Nghiên cứu Hải dương Nam Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã điều tàu Thực Nghiệm 2 xuống hoạt động trái phép tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu Ngư chính 45001 cũng mới rời cảng Bắc Hải, Quảng Tây (10/4) để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm nhập phi pháp” và bảo vệ quyền lợi ngư nghiệp của Trung Quốc trong vòng 50 ngày ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Được biết, chính quyền tỉnh Hải Nam sẽ tổ chức hội thi câu cá (trái phép) tại đảo Đá Bắc và một số đảo thuộc nhóm đảo Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (từ ngày 12 đến 16/5). Tờ Nhân dân nhật báo coi hội thi diễn ra tại quần đảo Hoàng Sa nhằm cổ vũ, quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh Hải Nam trong năm 2013. Có không ít chuyên gia nhấn mạnh, các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông không nên ảo tưởng vào việc Trung Quốc sẽ từ bỏ tham vọng và âm mưu độc chiếm biển Đông. Bởi biển Đông vừa là vấn đề đối ngoại, vừa là vấn đề đối nội của Trung Quốc. Nhiều người còn cảnh báo, phải cảnh giác với kế “dương Đông, kích Tây” của Trung Quốc bởi mục đích chính của Bắc Kinh là độc chiếm biển Đông.
Ngày 15/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài phân tích của Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc - vị học giả này cho rằng, các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy TW Tập Cận Bình vừa qua (thăm ngư dân làng chài Đàm Môn, thị sát cái gọi là "dân binh Nam Hải", thị sát quân cảng Tam Á) không phải là những sự kiện riêng rẽ, mà có liên hệ tất yếu với nhau. Trong những chuyến thị sát kể trên, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng, kêu gọi hải quân tự củng cố lực lượng, chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột.
Theo ông La Viện, hoạt động hiện nay của lực lượng công vụ như Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát biển chia theo cơ cấu tổ chức hành chính, trong khi tàu cá Trung Quốc lại hoạt động phân tán nên khó tránh khỏi "rủi ro", nhất là khi phải đối mặt với lực lượng chức năng của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Do đó, Bắc Kinh nên cho ngư dân Trung Quốc tổ chức hệ thống "dân binh" lên thuyền, vũ trang cho từng tàu cá để "đối phó" với lực lượng chức năng của các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông!? Ông La Viện từng kêu gọi Bắc Kinh hiện thực hóa các hành động để củng cố 6 sự hiện diện ở quần đảo tranh chấp, gồm sự hiện diện của chính quyền, sự tồn tại của hệ thống luật pháp, sự hiện diện quân sự, sự hiện diện của đội ngũ thực thi luật pháp, sự hiện diện kinh tế và sự hiện diện của ý kiến công chúng.
Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden từng nhấn mạnh, Washington quan ngại trước hành động đơn phương trên biển Đông và mong muốn các nước hữu quan tìm cách giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, và ASEAN cần thống nhất trong việc nêu lên những quan ngại về vấn đề biển Đông và phải đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc muốn trì hoãn các cuộc đàm phán soạn thảo COC cho dù Hoàng thân Mohamed Bolkiah, Ngoại trưởng Brunei khẳng định, việc hoàn tất COC là mục tiêu hàng đầu của Brunei trong năm nay. Điều này cho thấy, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 (sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25/4) sẽ khó đạt được đột phá trong việc thúc đẩy để sớm soạn thảo COC.
Tuệ Sỹ - CAND
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment