Thủy quân nhà Nguyễn và Triều Nguyễn phát triển mạnh, hình thành tư tưởng “lấy thủy binh làm .
Trong một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2011, một học giả Trung Quốc nhận xét rằng vào các thế kỷ trước, người Việt chỉ có thuyền câu nhỏ, không có khả năng tiếp cận Hoàng Sa và Trường Sa, có chăng chỉ đến các đảo gần bờ!
Chiến thuyền của thủy quân triều Nguyễn (mô phỏng)
Nhận xét ấy thể hiện sự thiếu hiểu biết về năng lực hàng hải của nhà Nguyễn, Vương triều Tây Sơn và Vương triều Nguyễn - những chính quyền Việt Nam đã quản lý và khai thác các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong vòng 2 thế kỷ rưỡi từ đầu thế kỷ 17. Đúng là ngư dân Việt Nam, cũng như ngư dân các nước Đông Nam Á khác và Trung Quốc, thường dùng thuyền tam bản để đánh bắt hải sản trên các khu vực khác nhau của Biển Đông. Nhưng hoạt động biển đảo của dân binh của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã có sự hậu thuẫn của những lực lượng hải quân mạnh của triều đình.
Người Việt cổ thông thạo nghề biển và giỏi thủy chiếnXa xưa hơn nữa, những bằng chứng khảo cổ học cho phép khẳng định rằng cư dân cổ Việt Nam, ở cả ba miền, đã thông thạo nghề biển. Vương quốc Phù Nam, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với văn hóa Óc Eo làm cơ tầng, là vương quốc biển. Cư dân Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam, cái nôi của người Việt cổ, từ 2000 năm trước làm nông và đúc đồng cực giỏi. Họ cũng là những người đi biển thành thạo. Các giáo đồng, rìu đồng của người Đông Sơn được phát hiện dưới đáy biển ở khu vực Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh ngày nay). Người Đông Sơn còn mang trống đồng đến các vùng biển xa hơn như Thái Lan và Malaixia. Trống đồng minh khí từ Đông Sơn đã ngược lên phía Bắc đến tận cửa sông Trường Giang, Trung Quốc. Khi khai quật khu mộ Thượng Mã Sơn ở tỉnh Triết Giang, trong một ngôi mộ có niên đại cách đây gần 2000 năm, bên cạnh những đồ tùy táng bản địa, các nhà khoa học Trung Quốc đã gặp chiếc trống minh khí này và coi là sản phẩm do giao lưu văn hóa mà có. Một số loại thuyền được khắc họa trên tang trống đồng Đông Sơn là thuyền đi biển, chứa được nhiều người, có cả lầu thuyền.Khi Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, sự giao lưu hàng hải trên con đường tơ lụa ngang qua Biển Đông đã phát triển phồn thịnh. Các chúa Nguyễn thoát ly khỏi tư tưởng thủ cựu thời hậu Lê, đã nắm bắt vận hội, lần đầu tiên sự thịnh vượng quốc gia tùy thuộc vào ngoại thương chứ không chỉ nông nghiệp. Trong quá trình ấy, chính quyền đàng Trong tiếp thu kỹ thuật đóng tàu Tây phương và xây dựng các đội thương thuyền và chiến thuyền khá mạnh, phục vụ cho mở rộng giao thương với hải ngoại và củng cố các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa vừa vì lý do kinh tế, vừa tạo “phên dậu” cho đàng Trong[1].Từ đó, đàng Trong xuất hiện nhiều tướng lĩnh, thống soái thông thạo thủy chiến. Nguyễn Phúc Nguyên lúc 22 tuổi (khoảng năm 1585) đã chỉ huy một đội thủy quân đánh thắng 5 tàu của ngoại bang đến cướp phá vùng Cửa Việt, được khen là “anh kiệt”. Năm 40 tuổi trấn thủ Quảng Nam, ông đã xây dựng Hội An thành một đô thị quốc tế phồn thịnh. Chúa Nguyễn Phúc Chu trong lần tiếp Thích Đại Sán, một nhà sư và nhà thám hiểm người Trung Quốc cuối thế kỷ XVII, đã nói: “Các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn, một năm chừng 6-7 chiếc, năm nay (1695) số thuyền lên đến 16-17 chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng dư dật”. Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ghi chép lại hoạt động của thương thuyền nước ngoài tại đàng Trong tại “Phủ biên tạp lục”, có đoạn viết: “Hàng hóa các nơi đều hội tập về Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.Trong các năm 1642-1643, người phương Tây đã thực hiện ba chiến dịch với 13 tàu chiến và khoảng 1.000 thủy binh tiến đánh chính quyền đàng Trong. Nhưng tất cả đều bị thủy quân của các chúa Nguyễn đập tan. Được ghi chép khá đầy đủ là sự kiện hải quân chúa Nguyễn Phúc Lan đánh thắng đội chiến thuyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại cảng Eo (thuộc vùng Cửa Việt, sông Gianh) ngày 7-7-1643. Công ty này là biểu tượng quyền lực “bất khả chiến bại” của hải quân thực dân phương Tây đương thời. Theo “Đại Nam thực lục” thì trận này xảy ra năm 1644, nhưng Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” và Giáo sư Dương Kỵ trong “Việt sử khảo luận” thì ghi là năm 1643. Đội chiến thuyền này do chúa Trịnh Tráng đàng Ngoài thuê người Hà Lan, muốn mượn sức mạnh của người Hà Lan để phá hủy hạm đội của chúa Nguyễn. Trận thủy chiến 1643 cũng được Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ghi lại năm 1651 tại sách của ông ta “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646”.Hình thành tư tưởng quân sự “lấy thủy quân làm trọng”Nguyễn Huệ là một thống soái thủy quân xuất chúng. Chỉ riêng trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1/1785), trong một đêm, quân Tây Sơn đã tiêu diệt 2 vạn quân thủy và 300 chiến thuyền của quân Xiêm.
Thuyền bọc đồng thời Minh Mệnh được chạm trên Cao Đỉnh đặt tại Hoàng cung HuếSang nửa thế kỷ đầu của Vương triều Nguyễn, nền hàng hải thuyền buồm và công cuộc xây dựng hải quân Việt Nam đã thực sự khởi sắc, xây dựng “chiến thuyền bọc đồng”. Quan trọng hơn cả, đã xuất hiện tư tưởng quân sự “lấy thủy quân làm trọng”.Năm Gia Long thứ bảy (1809), nước Xiêm giao chiến với Miến Điện, yêu cầu triều đình nhà Nguyễn xuất quân thủy bộ chi viện. Vua Gia Long nói: “Thủy quân ta thì luôn luyện tập, nếu được sử dụng trong biển thì rất tiện”.Theo chứng cứ của Barisy và Michel Đức Chagneau, hai người Pháp đã từng ở Việt Nam dưới thời Nguyễn Phúc Ánh, thủy binh của triều đình có chừng 200 chiến hạm, mỗi chiếc có khoảng 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc có khoảng 40 đến 44 mái chèo, 100 thuyền lớn có 50 đến 70 mái chèo, có nhiều súng bắn đá và đại bác. Thủy quân có 17.600 người, trong đó có 1.200 người thuộc về 3 chiến hạm của người Pháp giúp[2].Đến thời Minh Mạng (1820-1840), hoạt động biển và phát triển sự nghiệp biển đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam. Dưới thời của ông, nhiều hoạt động tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như đo đạc hải trình, xây bia chủ quyền, dựng miếu, lập bản đồ… đã do thủy quân triều định chịu trách nhiệm thực hiện. Ông từng nói: “Nay Trẫm đóng tàu bọc đồng, muốn lợi dụng những nơi xung yếu ven biển để xây dựng nhà máy để cất giữ những con tàu đó để lợi cho việc sử dụng khi cần”[3].Nhà vua tuyên bố: “Nước ta nhiều nơi ven biển, tàu thuyền thủy quân là quan trọng nhất”. Ông ban bố nhiều quy chế nhằm chống cướp biển, giữ gìn an ninh cho tàu thuyền hoạt động ven biển, giao thương trên biển, củng cố chủ quyền biển đảo. Ông cho thực hiện 30 đợt công cán hải ngoại quy mô lớn, tổng cộng khoảng 60 lượt tàu bọc đồng đến vùng Hạ Châu (Đông Nam Á) và Tiểu Tây Dương (miền Đông Ấn Độ).Vị vua thứ ba của triều Nguyễn là Thiệu Trị (1841-1847) tiếp tục hoàn thiện quy chế tổ chức và đổi mới trang thiết bị cho đội thủy quân triều đình. Vua cho học hỏi việc đóng tàu của phương Tây. Năm 1844, Tham tri Đào Trí Phú đi phương Tây mua một chiếc tàu máy hơi nước trị giá hơn 280.000 quan tiền. Thiệu Trị cho phỏng theo, đóng một chiếc thuyền máy mới. Thủy quân triều Nguyễn đã góp phần đắc lực trong việc củng cố chủ quyền lãnh hải và biển đảo quốc gia của Việt Nam.Tuy vậy, các vua Nguyễn thiếu nhận thức cuộc công nghiệp lần thứ nhất tại phương Tây tất yếu dẫn tới việc tìm kiếm và mở rộng thị trường thế giới. Những năm 1830-1840 có rất nhiều thương thuyền của các nước phương Tây đến Việt Nam. Chỉ tính riêng trong hai triều Gia Long và Minh Mạng, triều đình đã khước từ hơn 30 đoàn ngoại giao của các nước phương Tây muốn thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán với Việt Nam. Trước vấn đề “mở cửa” hay “đóng cửa”, các vua Nguyễn đã chọn giải pháp “bế quan tỏa cảng”.Ngăn được thương thuyền, nhưng không chống được pháo thuyền. Rốt cuộc, đời vua thứ tư Tự Đức làm mất nước./.
[1] Có không ít sách cổ Trung Quốc đã ghi lại việc quy thuộc các đảo này vào An Nam. Trong phần tựa cuốn Hải Lục (năm 1842) của tác giả Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thuỷ thủ Trung Quốc từng đi nhiều nước nhiều vùng, kể lại: “Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu cuả An Nam”.
[2] Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội-2006, tr. 416.
[3] “Đại Nam thực lục chính biên”, kỷ II, q. 53, tr.2138.
TS Nguyễn Ngọc Trường - TOQUOC
Comments[ 0 ]
Post a Comment