Trung Quốc có thể “đi đêm” với Philippines
Monday, April 1, 2013
Lo thua kiện, Trung Quốc có thể tiến hành đàm phán “ngầm” với Philippines để Manila rút lại đơn kiện đường "lưỡi bò".
"Philippines xuống nước tôi rất vui"
Gia tăng các hành động gây sức ép
Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc xuất bản ngày 1/4 dẫn lời Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Lưu Tích Quý, cho hay Bắc Kinh quyết định sẽ phái tàu "tuần tra" thường xuyên ngoài Senkaku, đồng thời cắt cử lực lượng "cắm chốt" ngoài bãi cạn Scarborough để duy trì các hoạt động “tuần tra chấp pháp” trái phép ngoài Biển Đông và Hoa Đông.
Trước đó, trang Hải quân Trung Quốc đưa tin, để "đáp ứng yêu cầu của tác chiến trên biển trong tương lai, mở rộng sứ mệnh lịch sử", gần đây 2 chiếc tàu hộ vệ thuộc biên chế hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã kéo ra vùng biển phía Tây bãi cạn Scarborough tập trận "tuần tra".
Theo bản tin, trước khi 2 chiếc tàu hộ vệ của hạm đội Nam Hải kéo ra Scarborough, thủy thủ đoàn và chỉ huy tàu đã phải tham gia một khóa huấn luyện nghiêm ngặt với nhiều nội dung xung quanh dự báo rủi ro, giữ gìn bí mật, nghiên cứu tình hình, sau đó mới về xây dựng kế hoạch "tuần tra" ngoài Scarborough.
Trong kế hoạch tác chiến của 2 tàu hộ vệ này, lực lượng thủy thủ hạm đội Nam Hải sẽ thực hiện các bài huấn luyện tác chiến tấn công, phòng thủ, đảm bảo liên lạc, chi viện hỗ trợ trong tác chiến trên biển ở khu vực Hoàng Nham /Scarborough.
.
Tàu Ngư chính 46012 của Trung Quốc
Cùng trong chuyến “tuần tra” lần này còn có tàu Ngư chính lớn 46012, thuộc biên chế Tổng đội Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam. Chuyến đi nhằm bảo vệ cái gọi là "chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc, tăng cường quản lý đối với bãi cạn, xử lý các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải và nghề cá, đảm bảo an ninh sản xuất cho khu vực bãi cạn", hãng thông tấn Tân Hoa xã cho hay.
"Đây là lần đầu tiên Tổng đội Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam thực hiện nhiệm vụ tại bãi cạn Hoàng Nham, quãng đường rất dài và đối diện với nhiều tình huống phức tạp trên biển", Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Ngô Tráng nói Cục trưởng Ngô Tráng nói thêm: "Trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện các nước láng giềng có hành động xâm phạm lãnh hải và nghề cá thì sẽ tiến hành các biện pháp mạnh, nếu cần thiết có thể lên tàu lục soát hoặc bắt giữ".
Ngoài việc gia tăng các hành động gây hấn, Trung Quốc đang gây áp lực đối với ASEAN, trong đó có Singapore và Malaysia, để buộc Philippines rút đơn kiện “đường lưỡi bò”. Ngoài ra, Trung Quốc còn có ý đồ cô lập Philippines bằng cách phân hóa nội bộ ASEAN và răn đe khiến một số nước trong khu vực không có cơ hội tận dụng vụ kiện của Philippines.
“Mặc cả ngầm” với Philippines
Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông trước thời điểm tháng 4/2012 do Philippines kiểm soát và khu vực này là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines.
Tuy nhiên sau sự kiện Hải quân Philippines điều tàu ra Scarborough vây bắt các tàu cá Trung Quốc, Bắc Kinh đã lấy cớ phái tàu công vụ ra can thiệp và duy trì sự hiện diện của các tàu Hải giám, Ngư chính từ đó đến nay.
Trong tháng 1/2013, khi hai chiếc tàu cá Philippines quay lại ngư trường của họ ở Scarborough đã bị tàu công vụ Trung Quốc rượt đuổi, tàu Trung Quốc tiến sát tàu cá Philippines chỉ còn cách 10 mét buộc tàu cá phải rời khỏi khu vực bãi cạn Scarborough trong điều kiện biển động.
Tổng thống Philippines Aquino đã quyết định khởi kiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông ra Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Theo ông Aquino, nếu Philippines không kiện, Trung Quốc sẽ được đằng chân lân đằng đầu.
Phía Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa quốc tế này và Chánh án Tòa án LHQ về Luật biển (ITLOS) Shunji Yanai đã chỉ định thẩm phán người Ba Lan đại diện cho Trung Quốc.
Phía Philippines chỉ định thẩm phán người Đức kiêm cựu chủ tịch ITLOS Rudy Wolfrum làm đại diện. Nếu 3 thành viên còn lại của hội đồng trọng tài được chỉ định, quá trình xét xử sẽ được tiến hành mà không cần đến sự có mặt của Trung Quốc.
Trước những diễn biến này, do lo ngại bị thua kiện, rơi vào thế bất lợi vì tuyên bố "chủ quyền" không nhận được sự hỗ trợ từ luật pháp quốc tế, Trung Quốc liên tục phát tín hiệu “hòa bình” gửi đến Manila thông qua Đại sứ Trung Quốc tại Philippines - Mã Khắc Khanh.
Tờ Inquirer Philippines ngày 31/3 đăng tải phân tích của các học giả thuộc Trung tâm New American Security (CNAS) cho rằng có khả năng giới chức Trung Quốc quyết định tham gia các cuộc đàm phán mặc cả "ngầm" với Philippines để Manila rút lại đơn kiện đường "lưỡi bò" phi pháp và những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tránh các rủi ro và hậu quả từ vụ kiện này.
Đổi lại, Bắc Kinh có thể đưa ra những con bài mặc cả, chẳng hạn như "cho phép" (tàu thuyền, ngư dân) Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough (vốn dĩ do Philippines kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát từ tháng 5 năm ngoái), hoặc "cho phép" Philippines được khai thác dầu khí tại một số khu vực tranh chấp (Ví dụ: Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố "chủ quyền" và có ý định thăm dò khai thác dầu khí trái phép).
Phân tích trên được chuyên gia Peter Dutton của CNAS đưa ra và nhấn mạnh, các cuộc mặc cả tay đôi này chỉ có thể thành công nếu Philippines đóng một vai trò như một bên đàm phán "kín đáo và hợp lý".
Nếu Bắc Kinh chọn cách tiếp cận này và nếu Manila chấp nhận "ngầm" mặc cả tay đôi, có thể 2 bên sẽ đạt được một số thỏa thuận. Trong trường hợp này, vụ kiện đường "lưỡi bò" phi pháp sẽ phục vụ mục đích của Tổng thống Philippines Aquino tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải kiên nhẫn khi chúng ta nói về lãnh thổ và chủ quyền vì những vấn đề này rất nhạy cảm". Đại sứ Mã nhấn mạnh: "Nhưng tôi rất lạc quan với tình hữu nghị sâu sắc giữa hai dân tộc và sự phát triển của hai nước, chúng ta có thể kiểm soát và xử lý các vấn đề"./.
V.V (Tổng hợp)-TOQUOC
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment