Chuyên gia Mỹ dự báo kịch bản khủng hoảng ở Biển Đông
Friday, May 3, 2013
Cốt lõi của kịch bản dựa trên giả định, Trung Quốc nhận thấy mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ, Philippines và Việt Nam như một “xu hướng đe dọa chiến lược” như đã từng nhìn nhận về hiệp ước an ninh Việt Nam – Liên Xô năm 1978.
Mới đây, trên tuần báo Defense News (Mỹ) có giới thiệu báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng quốc gia (Mỹ) mang tựa đề “Giới hạn chịu đựng của Trung Quốc: Tín hiệu đe dọa và trả đũa của Trung Quốc và những ẩn ý trong đối đầu quân sự Trung-Mỹ”.
Hai tàu đánh cá Trung Quốc "lởn vởn" quanh một tàu của tình báo Mỹ trên Biển Đông tháng 3/2009. Ảnh: AFP
Báo cáo của 2 tác giả Paul H.B. Godwin (Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ) và Alice L. Miller (Viện Hoover) đã dự báo một kịch bản tín hiệu liên quan đến tương lai Biển Đông dựa trên những nghiên cứu về lịch sử những tín hiệu trả đũa và đe dọa của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1978 – 1979, chiến tranh biên giới Trung Quốc - Ấn Độ 1961 – 1962, hành động ngăn chặn Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên hồi năm 1950, … và các luật trưng cầu dân ý của Trung Quốc 2003 – 2004.
Báo cáo nhận định không có gì tàn phá quan hệ Trung-Mỹ và các động lực an ninh của châu Á hơn một quyết định đe dọa đối đầu quân sự của Trung Quốc nhằm thay đổi đường lối hành động của Mỹ mà Bắc Kinh coi là sự đe dọa với lợi ích của mình ở Biển Đông. Mỹ sẽ xem sự đe dọa đó là nỗ lực thách thức ưu thế quân sự của Mỹ trên vùng biển châu Á từ Trung Quốc.
Cốt lõi của kịch bản dựa trên giả định, Trung Quốc nhận thấy mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn giữa Mỹ, Philippines và Việt Nam như một “xu hướng đe dọa chiến lược” như đã từng nhìn nhận về hiệp ước an ninh Việt Nam – Liên Xô năm 1978. Bắc Kinh lo ngại Mỹ, Philippines và Việt Nam sẽ thiết lập hợp tác an ninh khu vực, thậm chí lập một liên minh quân sự để đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc khủng hoảng giả định này, dự báo Trung Quốc sẽ phát đi 4 tín hiệu trả đũa:
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ kết hợp các hành động chính trị và ngoại giao cùng với sự chuẩn bị quân sự. Những hành động này thường công khai và nhằm “ngăn chặn hành động của kẻ thù từ khi còn trứng nước, một khi Bắc Kinh nhìn thấy mối đe dọa”.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ khẳng định việc sử dụng sức mạnh quân sự là hợp lý. Thông điệp này sẽ được tuyên truyền không chỉ đến người dân Trung Quốc mà còn cả cộng đồng quốc tế. “Chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ tuyên bố Trung Quốc đang đứng trước các mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh và lợi ích và nếu chúng không chấm dứt, Trung Quốc buộc phải sử dụng sức mạnh quân sự”.
Thứ ba, Trung Quốc rêu rao rằng sử dụng vũ lực không phải là giải pháp ưu tiên của Bắc Kinh nhưng Trung Quốc buộc phải sử dụng nếu đối phương phớt lờ cảnh báo của nước này. Đây là vỏ bọc chính nghĩa mà Bắc Kinh tạo ra để làm giảm phản ứng của quốc tế trước hành động quân sự của mình.
Cuối cùng, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh không nên xem sự chịu đựng và kiềm chế của Trung Quốc là yếu hèn và Trung Quốc sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết.
Minh Châu - Petrotimes
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment