Những bất lợi về kinh tế, quân sự ở vùng Biển Đông
Thursday, April 4, 2013
Lời tòa soạn: Trong vài năm trở lại đây, vấn đề Biển Đông luôn được các độc giả trong và ngoài nước quan tâm. Ngày càng nhiều các học giả đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam với vùng biển này cũng như đưa ra những nghiên cứu, lập luận của mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Nền Tổ Quốc - Ảnh Lê Bá Dương
Chùm bài viết của tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Vụ trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề cập một cách toàn diện từ vị trí địa lý, điều kiện vật chất, quy mô lãnh thổ, quy mô dân số, đặc điểm dân tộc tới đặc điểm thể chế Nhà nước, để xem xét vấn đề của Việt Nam với Biển Đông (trên cơ sở vận dụng quan điểm lý luận về các thành tố địa – chiến lược cốt yếu đã góp phần tạo ra sự hưng thịnh của các cường quốc trên biển mà A. F. Mahan [1840-1914], một chiến lược gia hải quân người Mỹ đã nghiên cứu, đề ra vào cuối thế kỷ XIX).
Vietnam+ trân trọng gửi tới độc giả chùm bài viết "Luồng gió mới để Việt Nam thành 'quốc gia mạnh về biển'," thể hiện quan điểm nghiên cứu của tác giả.
Bài 2: Những bất lợi về kinh tế, quân sự ở vùng Biển Đông
Lịch sử từ xa xưa cho thấy, với điều kiện địa hình phức tạp, vùng biển Việt Nam hàm chứa sự bất lợi cho phát triển kinh tế cũng như quân sự.
Khó phòng thủ
Tuy có cấu trúc địa hình đa phân và núi và biển, song người Việt từ xưa tới nay chủ yếu dựa vào đất, chưa quan tâm đúng mức đến tiềm năng kinh tế các vùng biển mặc dù chiều dài bờ biển Việt Nam chiếm tới 3.260 km.
Trong hơn 10 thế kỷ kể từ năm 938 đến nay, Việt Nam thường đối diện với những nguy cơ tranh chấp về đường biên giới trên bộ, cả ở phía Bắc và ở phía Nam nhiều hơn là trên biển. Ngày nay, đường biên giới trên bộ của Việt Nam với ba nước xung quanh vẫn dài hơn khá nhiều so với đường bờ biển. Cho đến tháng 1/1974, Việt Nam chưa bao giờ phải chịu sức ép quá lớn về tranh chấp chủ quyền đối với khu vực biển và hải đảo.
Đường bờ biển ở miền Trung dài và có nhiều nơi thuận lợi để làm cảng nước sâu, đáng lẽ đó phải là điều kiện vật chất tốt để tạo ra sự giàu có cho quốc gia ven biển. Nhưng một điều đáng tiếc là địa hình ven biển thiếu chiều sâu và chiều rộng không gian nên luôn chứa đựng sự bất lợi cả cho việc phòng thủ lẫn việc phát triển tiềm lực kinh tế của đất nước. Champa một thời hùng mạnh về nghề đi biển cũng vì nguyên nhân này mà bị diệt vong trước cả kỷ nguyên mà thuyền buồn và đại bác thống trị trên các đại dương.
Riêng đối với người Việt, trong thời hậu kỳ phong kiến (thế kỷ XVII-XIX), ít nhất đã có ba chính quyền bị suy sụp và thất bại nhanh chóng sau các cuộc tấn công của kẻ địch vào thủ đô qua đường biển (hải quân của Nguyễn Ánh đã đột kích thành công vào Quy nhơn của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc năm 1792, vào Phú Xuân của vua Quang Toản nhà Tây Sơn năm 1801 và sau này Thành Huế của Nhà Nguyễn đã thất thủ trước người Pháp vào năm 1883).
Tất cả điều này chứng minh yếu tố bất lợi về địa hình đối với bên phòng thủ một khi bên tấn công đã phong tỏa đường đường biển, không có đường rút lui.
Có thể thấy rằng cấu trúc địa hình chữ S trên đất liền của Việt Nam, dù nằm ngay cạnh một biển vô cùng quan trọng, nhưng dựa trên cấu trúc địa hình này đã không thể hướng nổi các mối quan tâm của cộng đồng cư dân vào các lợi ích kinh tế biển. Từ đó không đủ sức tập trung các nguồn lực từ đất liền cho các mục tiêu dài hạn cho phát triển kinh tế biển.
Sẽ bứt phá khi ở thế chân tường
Lịch sử cho thấy, trong từng thời kỳ nhất định, Nhà nước và xã hội Đại Việt cũng có những mối quan tâm nhất định đối với biển. Giai đoạn từ cuối thời hà Lý đến giữa thời thà Trần (thế kỷ XII-XIII), người Việt đã có sự tận dụng tốt hơn lợi thế của biển để mở rộng quan hệ thương mại với các nước. Đó là thời kỳ chứng kiến sự thành lập, phát triển sầm uất của thương cảng Vân Đồn (từ 1149); các cuộc viễn chinh qua đường biển của người Việt vào lãnh thổ Champa…
Tuy nhiên, trong hai thế kỷ tiếp theo, các kỹ năng của người Việt liên quan biển gần như bị chững lại và suy thoái.
Sự kiện Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đã mở ra một thời kỳ mới mẻ trong lịch sử Việt Nam, làm xuất hiện xứ Đàng Trong trong cục diện đối đầu với Đàng Ngoài. Quyết định vượt biển vào Nam lúc đó của Nguyễn Hoàng diễn ra khi bị đặt vào đường cùng trước nguy cơ bị họ Trịnh tận diệt.
Những người đi khai phá phương Nam buộc phải có sự thay đổi cả về tư duy, lề lối làm ăn và tập quán sinh hoạt theo hướng gần hơn với biển, điều sẽ không thể có được khi người ta chỉ sinh sống quanh quẩn ở đồng bằng miền Bắc.
Khi phân tích đến yếu tố đặc điểm dân tộc, không nên đổ riệt cho đặc trưng “tâm lý cư dân lúa nước,” cho lề lồi làm ăn có tính tiểu nông “manh mún” từ bao đời nay đã quyết định tư duy “đất liền” của người Việt mà quên đi tâm thức hướng biển.
Lịch sử cũng đã nhiều lần chứng minh, khi bị dồn vào hoàn cảnh không có đường lùi, người Việt rất biết cách bứt phá. Thời hiện đại, chúng ta đã từng biết rõ điều này vào một số thời điểm như mùa đông năm 1946 và mùa đông năm 1986, khi tất cả dân tộc chỉ còn dựa vào niềm tin.
Muốn trở thành một cường quốc trên biển, chắc chắn dân tộc Việt Nam phải tiếp tục bồi đắp bản lĩnh cho mình.
Chưa nhận thức đầy đủ vai trò Biển Đông đối với sự phát triển của đất nước
Năm 1802, Nguyễn Ánh, một ông hoàng rất am hiểu về lợi thế sức mạnh của quyền kiểm soát trên biển với sự giúp đỡ của những người châu Âu đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn.
Trước việc triều Nguyễn được kế thừa những nền tảng kinh tế-xã hội có căn tính ven biển dưới thời các chúa Nguyễn trước đây và tiếp tục lựa chọn Huế (Phú Xuân cũ) - một đô thị sát biển làm thủ đô, những tưởng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển về biển. Song thực tế không phải vậy.
Nguyên nhân trước hết vẫn là hạn chế từ thể chế chính trị của nhà nước phong kiến rập khuôn từ Trung Quốc nên mang bản chất chuyên chế, độc đoán cao, không khuyến khích mở cửa bang giao.
Nguyên nhân thứ hai là việc Triều đình Huế, do phải tính đến khả năng cân bằng quyền lực với Miền Bắc và Miền Nam, đề phòng những khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh và dân số đông hơn ly khai đã chủ trương theo đuổi chính sách kinh tế “trọng nông,” “bế quan toả cảng”.
Nguyên nhân thứ ba, các vị vua nhà Nguyễn ưu tiên cho việc mở rộng lãnh thổ đế quốc trên đất liền, chủ yếu là cuộc chiến tranh khốc liệt. Hậu quả của cuộc chiến tranh này đã làm kiệt quệ mọi nguồn sức mạnh của Đại Nam.
Mặc dù dưới thời Minh Mạng, hải quân cũng được quan tâm, hải đội đã tung hoành ở Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng mọi sự chuyển biến theo chiều hướng tệ hại chỉ sau đó ít lâu (chưa đến 10 năm). Hải quân đã bị bỏ quên, trang bị vũ khí yếu kém, ít luyện tập nên từng bị cướp biển Tàu đánh bại ngay trước cửa nhà. Phần lớn thuyền bè bị cất vào kho và trở nên mục nát.
Sự lãng quên vai trò của biển trong việc duy trì, củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế một thời tạo nên cơ đồ nhà Nguyễn đã khiến Việt Nam phải trả một cái giá khủng khiếp khi chứng kiến sức mạnh quân sự của hạm đội Pháp ở Đà Nẵng vào năm 1858-1859.
Về cơ bản, trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam, việc duy trì đường lối đối ngoại và kinh tế chỉ chú trọng quan hệ với Trung Hoa và coi thường quan hệ với các nước khác đã mang đến một hậu quả tiêu cực lâu dài đối với sự phát triển của dân tộc. Do vậy, mặc dù là một đất nước có vị trí gần biển và giàu tài nguyên biển nhưng người Việt không nhận thức được đúng đắn vai trò của biển, hải đảo thông qua việc sử dụng nhân tố này để phá cục diện mất cân bằng chiến lược với Trung Quốc.
Ngày nay, với đường lối chính sách độc lập, mở cửa trên tinh thần làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của dân tộc và tạo điều kiện khả năng phát triển các tiềm lực kinh tế biển.
Tuy nhiên, việc áp dụng thành công nguyên lý kết hợp giữa hai nhân tố thể chế vượt trước và lợi thế mặt tiền của biển còn tuỳ thuộc rất nhiều vào việc hiểu đúng bản chất cả về ưu thế và bất lợi đối với đất nước. Từ đó, xác định bước đi đúng đắn cho việc thực hiện chiến lược biển của quốc gia./.
Đặng Xuân Phương (Vietnam+)
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment