Trong vài năm trở lại đây, vấn đề Biển Đông luôn được các độc giả trong và ngoài nước quan tâm. Ngày càng nhiều các học giả đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam với vùng biển này cũng như đưa ra những nghiên cứu, lập luận của mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Chùm bài viết của tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Vụ trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề cập một cách toàn diện từ vị trí địa lý, điều kiện vật chất, quy mô lãnh thổ, quy mô dân số, đặc điểm dân tộc tới đặc điểm thể chế Nhà nước, để xem xét vấn đề của Việt Nam với Biển Đông (trên cơ sở vận dụng quan điểm lý luận về các thành tố địa – chiến lược cốt yếu đã góp phần tạo ra sự hưng thịnh của các cường quốc trên biển mà A. F. Mahan [1840-1914], một chiến lược gia hải quân người Mỹ đã nghiên cứu, đề ra vào cuối thế kỷ XIX).
Trân trọng gửi tới độc giả chùm bài viết "Luồng gió mới để Việt Nam thành 'quốc gia mạnh về biển'," thể hiện quan điểm nghiên cứu của tác giả.
Việt Nam có bờ biển dài và tài nguyên biển vô cùng dồi dào, phong phú nhưng chưa khai thác, phát huy lợi thế được bao nhiêu. Ảnh: minh họa - Trung Hiền/Vietnam+
Bài 1 - Việt Nam: Người nghèo ngồi canh núi của “Biển Đông"
Khi tình hình Biển Đông đang gia tăng “sức nóng” một cách nhanh chóng, nguy cơ Việt Nam có thể bị cuốn vào xung đột vũ trang liên quan tranh chấp lãnh thổ là không nhỏ.
Câu chuyện cần xem xét một cách nghiêm túc ở đây là, tại sao trong suốt chặng đường dài của lịch sử dân tộc Việt Nam chưa lúc nào có thể tận dụng được ưu thế ven biển để vươn lên thành một quốc gia có sức mạnh trên Biển Đông?
Ngồi… nhìn khối “của cải”
Từ hơn một ngàn năm nay, vùng biển Đông đã tập trung các tuyến hàng hải quốc tế có mật độ giao thương vào loại cao giữa các nước Đông Bắc Á với các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và xa hơn nữa là các nước Tây Âu. Tầm quan trọng của Biển Đông lại ngày càng được khẳng định đối với thế giới do sự phụ thuộc ngày càng tăng của các nước Châu Á-Thái Bình Dương vào nguồn dầu mỏ được cung cấp từ Trung Đông cũng như các nguồn tài nguyên tiềm tàng trong lòng đất dưới đáy Biển này.
Trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước khác đều mong muốn có thể tiến lên vị trí cường quốc nhờ biển. Nhưng không phải quốc gia nào cũng hội tụ các điều kiện và có tiềm năng để thực hiện được mục tiêu này, ngay cả khi có đường bờ biển dài và sở hữu nhiều đảo, quần đảo.
Trong lịch sử văn minh nhân loại, có những quốc gia đã biết tận dụng được vị trí đặc biệt của mình để vươn lên thành cường quốc biển. Thời cổ đại, người La Mã sau khi làm chủ bán đảo Italy cũng đã tận dụng lợi thế này để vươn ra kiểm soát toàn bộ các khu vực lãnh thổ nằm chung quanh biển này và trở thành Đế quốc vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Sau này, hai Đế quốc Anh và Mỹ (có tính kế tục nhau) đều đã nổi lên duy trì sức mạnh thống trị biển cả từ những thắng lợi quân sự và quan trọng hơn cả là biết tận dụng những vị trí hiểm yếu trên biển xét về phương diện địa – chiến lược như các eo biển Manche, Gibraltar, Mallaca hoặc các kênh đào Suez, Panama.
Đầu thế kỷ XXI, khi người ta bắt đầu nói nhiều về một nền văn minh mới nổi trên hai bên bờ của Thái Bình Dương, cũng là lúc đất nước Việt Nam chúng ta đang nằm cạnh một khu vực tập trung nhiều mâu thuẫn hàng đầu thế giới về lợi ích quốc gia cũng như sự thiếu tin tưởng vào những giá trị của pháp luật quốc tế.
Vì vậy, vị trí địa lý của Việt Nam trên bên bờ Biển Đông, xem ra vừa thuận lợi nhưng cũng lại cực kỳ nguy hiểm. Điều này cũng giống như ta đang ở ngay cạnh một khối “của cải” có giá trị to lớn nhưng lại chưa có thực lực để chiếm hữu, sử dụng có ích nhất cho mình nên luôn bị kẻ khác nhòm ngó, tìm cách chiếm đoạt và rất dễ xâm hại đến bản thân.
Đại bộ phận dân cư chưa sẵn sàng tiến ra biển
Trong vòng hơn 5 thế kỷ đầu tiên sau khi Việt Nam dành độc lập (thế kỷ X-XV), chắc chắn nếu không có một tiềm lực kinh tế hùng hậu tại vùng châu thổ Sông Hồng (rộng khoảng 15.000 km2) và quy mô dân số đông hơn khoảng gấp 5 lần so với người Chăm thì Đại Việt đã không thể thắng. Và, hình thái địa-chiến lược đối với quốc gia ven biển Việt Nam hẳn sẽ không như hiện nay nếu người Chăm lúc đó có được một vùng đồng bằng rộng lớn hơn và quy mô dân số đông hơn ở Miền Trung.
Thực tế cho thấy một dân tộc dù nhỏ nhưng nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp về quân sự-kinh tế trên biển và biết tận dụng hợp lý các đặc điểm địa thế của đất nước mình thì các quốc gia thù địch dù có quy mô lãnh thổ và dân số lớn hơn, cũng không thể dễ dàng thôn tính.
Dù vậy, cần nói rõ, nếu quốc gia cứ ỷ lại vào những lợi thế đã có sẵn mà không biết chủ động vượt lên trước thì cuối cùng cũng sẽ bị kẻ địch tìm ra cách khắc chế và đè bẹp. Nguy cơ diệt vong vẫn có thể đến không bao lâu sau khi dành chiến thắng.
Trong suốt quá trình lịch sử, quy mô dân cư gắn với yếu tố biển (làm nghề đi biển hoặc sinh sống ở vùng ven biển, hải đảo) của Việt Nam thường thấp hơn khá nhiều so với số dân các vùng còn lại của đất nước.
Trong thời Trung đại, chưa có tới 30% dân cư trên đất nước Việt Nam có đời sống liên quan đến yếu tố biển. Hiện nay, khi nhận thức về tầm quan trọng của biển cũng như các lợi ích kinh tế từ biển mang lại đã lớn hơn rất nhiều thì quy mô dân số các vùng ven biển và hải đảo cũng không lớn hơn là bao nhiêu (Đề án 52 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009 về kiểm soát dân số các vùng biển, hải đảo và ven biển cũng đã dự báo quy mô dân số các vùng này từ 2015 đến 2020 vào khoảng 34-37 triệu người, tức là khoảng 35-40% dân số toàn quốc).
Quy mô dân số ven biển Việt Nam cho thấy dù đất nước có được mặt biển rất rộng và rất thoáng nhưng đó chưa hẳn đã là lợi thế và cộng đồng dân tộc chưa sẵn sàng để trở thành một cộng đồng mạnh về biển. Sự thiếu khả năng liên kết các vùng ven biển một lần nữa đã minh chứng cho hạn chế mang tính tất yếu về phân bố quy mô dân số gắn với lợi ích của biển.
Lãnh thổ như “nhà siêu mỏng”
Với quy mô lãnh thổ không lớn nhưng lại có cấu trúc địa hình phức tạp, dải đồng bằng ven biển bị cắt bởi nhiều dãy núi ăn ra sát biển nên suốt dọc miền Trung, hầu như không có một vùng đồng bằng nào đủ lớn cho phép tạo sức mạnh kinh tế đáp ứng nhu cầu của 5% dân số Việt Nam.
Trong số các đô thị được coi là lớn nằm ven biển miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, không có thành phố nào có kinh tế cảng biển đóng vai trò chủ lực của vùng. Các thành phố này đều rất khó có khả năng trở thành đầu kéo cho sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Và, cho dù Chính phủ đã quy hoạch đến 15 khu kinh tế ven biển đến năm 2020 để tạo tiền đề phát triển các đô thị công nghiệp, hàng chục sân bay, hàng chục cảng biển (và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến kinh tế biển) thì khả năng tạo ra được mối liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các khu kinh tế này là rất khó khăn và có nguy cơ lặp lại tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.
Nguyên nhân của vấn đề này là do địa hình miền Trung thiếu vắng không gian bằng phẳng, rất khó phát triển được các ngành, lĩnh vực hậu cần kinh tế biển cũng như khó khăn nghiêm trọng cho liên kết vùng ven biển với các vùng kinh tế khác.
Nói tóm lại, lợi thế mặt tiền của biển đối với nước ta đến nay chưa thể khai thác. Tình thế không khác nào dù có vị trí đất nằm ngay trên phố lớn, đường to nhưng một khi đã là “nhà siêu mỏng” thì không thể sinh hoạt thoải mái hoặc kinh doanh có hiệu quả./.
Theo Vietnam+
Comments[ 0 ]
Post a Comment