Trung Quốc "giải mật" tàu ngầm hạt nhân
Saturday, November 2, 2013
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hôm 27/10 vừa rồi đưa tin hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này bắt đầu tiến hành tuần tra trên biển. Tân Hoa xã công bố những hình ảnh về các tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tiết lộ hoạt động cuả chúng cho thấy Trung Quốc tự tin về năng lực răn đe của lực lượng hạt nhân đặt dưới biển của mình.
Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đang tham gia diễn tập ngoài
khợi Thanh Đảo: Nâng cao khả năng răn đe chiến lược từ dưới biển, nhưng
các lớp tàu ngầm Trung Quốc vẫn còn tiếng ồn lớn
Theo tờ Financial Times, đề án về các tàu ngầm hạt nhân này đã có từ vài chục năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên các tàu này “được giải mật”.
Tàu ngầm được coi là vũ khí chiến lược trong phát triển hải quân của bất kỳ nước nào vì nó phù hợp với hàng loạt tình huống tác chiến như chống thâm nhập, đánh chặn, đặt ngư lôi, phong tỏa và thực hiện nhiệm vụ thu tin tình báo. Hầu hết các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát triển hoặc đang cố gắng trang bị sức mạnh dưới biển trong kỷ nguyên đại dương thế kỷ 21.
Trang bị 4 loại tàu ngầm mới sản xuất trong nước
Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Hải quân Trung Quốc đã mở rộng và nâng cấp nhanh chóng, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm. Trung Quốc đã cho ra mắt bốn loại tàu ngầm mới được thiết kế và sản xuất trong nước là tàu ngầm lớp “Tấn” (trang bị tên lửa đạn đạo - SSBN), lớp “Thương” (SSN), lớp “Nguyên” (SSP), và lớp “Tống” (tàu ngầm tấn công chạy bằng điện - SSK). Thế hệ tiếp theo của tàu ngầm lớp Thương cũng đang được chế tạo.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất ở châu Á. Hồi đầu năm 2013, tạp chí Tin tức phòng vệ (Mỹ) cho biết, theo một báo cáo tình báo của Hải quân Mỹ thì Hải quân Trung Quốc đang chú trọng chất lượng hơn trong hiện đại hóa bộ đội tàu ngầm. Tạp âm của một số tàu ngầm mới nhất của Trung Quốc vẫn chưa có thay đổi gì lớn so với cách đây mấy chục năm, điều này đã làm giảm rất nhiều sức chiến đấu của tàu ngầm Trung Quốc. Báo cáo tình báo tháng 8/2012 của Hải quân Mỹ đánh giá, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp “Tấn” của Trung Quốc chỉ có “khả năng tấn công lần thứ 2 là đáng tin cậy”. Trung Quốc hiện đang có 2 tàu ngầm loại này, tuy tiên tiến hơn tàu ngầm lớp “Hạ”, nhưng chưa thực sự là tàu ngầm tàng hình, tạp âm còn lớn hơn so với tàu ngầm hạt nhân cấp 3 “Delta” của Nga sản xuất cách đây 30 năm. Tạp âm lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến lược tấn công lần thứ 2, dễ bị đối phương phát hiện và tiêu diệt. Tạp âm của tàu ngầm tấn công hạt nhân loại mới 095 của Trung Quốc đã tương đối nhỏ, nhưng vẫn còn to hơn tàu ngầm hạt nhân “cá mập” của Nga có từ cách đây 20 năm. Dự kiến năm 2015 tàu ngầm 095 sẽ được đưa vào sử dụng. Hiện nay Trung Quốc có 3 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng diezen, đến năm 2020-2025 Trung Quốc sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 62 chiếc hiện nay lên 75 chiếc. Căn cứ vào tàu ngầm lớp “Tấn” và tên lửa đạn đạo JL-2 của Trung Quốc hiện nay thì Trung Quốc đang phát triển “khả năng uy hiếp chiến lược trên biển liên tục”. Những tên lửa này có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ và như vậy Hải quân Trung Quốc “lần đầu tiên có khả năng tấn công hạt nhân lần thứ 2 có hiệu quả”.
Như là một phần của khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc dự kiến sẽ chế tạo khoảng 5 chiếc tàu ngầm SSBN lớp “Tấn”, mỗi chiếc được trang bị 12 tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ từ vị trí bắn ngoài khơi Trung Quốc. Bắc Kinh cũng muốn sử dụng một số tàu SSN để hộ tống việc tuần tra răn đe của SSBN.
Tại sao lại mua tàu ngầm lớp Lada?
Sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh và Mátxcơva nhanh chóng đạt được hiệp định mua bán vũ khí quan trọng. Trong đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu từ Nga 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada. Lada là tàu ngầm thông thường ở bậc cao hơn tàu lớp Kilo, từ năm 2010 được dự trù vào biên chế các hạm đội Nga thay thế cho tàu Kilo. Trung Quốc đã sở hữu 12 tàu Kilo; Việt Nam sẽ được bàn giao chiếc đầu tiên vào tháng 1/2014.
Toan tính chủ yếu nhất của Bắc Kinh khi mua tàu ngầm lớp Lada là nhằm giành quyền kiểm soát đối với vùng nước nông từ Đài Loan tới biển Hoa Đông và Bắc Hải, mà loại tàu ngầm thông thường cỡ vừa, nhỏ như lớp Lada là phù hợp.
Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn thông qua việc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada thúc đẩy chương trình hợp tác nghiên cứu chế tạo liên quan. Do vậy, vấn đề mà hai bên đang phải bàn thảo là thiết bị của phía Trung Quốc sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trên tàu ngầm lớp Lada. Hiện nay, dư luận đã xuất hiện thông tin nói rằng tỉ lệ này là 50% và việc lắp đặt hệ thống cung cấp động lực trên tàu ngầm không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP) do Trung Quốc sản xuất cho tàu ngầm lớp Lada xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã được xác định.
Trong một diễn biến liên quan, tạp chí The Mirror (HK) cho biết công nghệ không hoàn thiện cũng là nguyên nhân quan trọng khiến tàu ngầm lớp Lada gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ. Muốn cải tiến thì phải có tiền. Trong khi đó, thiếu tiền lại là "tử huyệt" của ngành công nghiệp quân sự Nga. Ngược lại, Trung Quốc không những có tiền mà còn có công nghệ nhất định. Vì thế, Nga nên đi theo con đường mở cửa về công nghệ quân sự, bắt tay với Trung Quốc cùng phát triển tàu ngầm lớp Lada.
Theo nguồn tin này, phía Nga cho rằng tàu ngầm lớp “Nguyên” của Trung Quốc chính là bản phục chế của tàu ngầm Kilo-636 do Nga chế tạo. Trong quá trình xuất khẩu tàu ngầm Kilo-636, Trung Quốc mua một lượng lớn các loại hệ thống con, trang bị vũ khí, dường như vượt quá nhu cầu thông thường của việc duy tu tàu ngầm Kilo-636.
Ngoài ra, theo tạp chí Kanwa Defense Review, việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada còn xuất phát từ nhu cầu có được thêm nhiều công nghệ tàu ngầm của Nga. Liên quan tới vấn đề này, nguồn tin thuộc giới công nghiệp quốc phòng Nga cho biết độ lặn sâu của những tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn thông thường là 300 mét so với mặt nước biển như lớp Kilo mà Việt Nam sắp sở hữu./.
Hoài Nam - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment