Trung Quốc sử dụng thủ đoạn quen thuộc “3 bước tiến, 2 bước lùi”, được lợi 1 bước, tại Biển Đông.
Hạm đội tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ra khơi vơ vét tài nguyên biển cả, trong lúc ban hành lệnh cấm ngư dân các nước khác thực hiện quyền sinh tồn của mình
Ngày 1/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố ngụ ý rằng không cần thiết lập một ADIZ ở Biển Đông. Tuyên bố có đoạn viết: “Nhìn chung, Trung Quốc không thấy có đe dọa về an ninh đường không từ các nước ASEAN. Trung Quốc lạc quan về quan hệ với các nước xung quanh khu vực Biển Hoa Nam, cũng như tình hình chung ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn chỉ trích Nhật Bản tìm cách phân tán sự chú ý khỏi các kế hoạch quân sự của mình khi “lực lượng cánh hữu ở Nhật Bản một lần nữa thổi phồng cái gọi là việc Trung Quốc sẽ nhanh chóng thiết lập một ADIZ ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) với mục đích đơn giản là tìm cách phân tán hướng chú ý của quốc tế nhằm lấp liếm âm mưu mở rộng quân đội”.
Tuần trước, báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc thiết lập ở Biển Đông một ADIZ tương tự ở Biển Hoa Đông. Kế hoạch này được giới hoạch định chính sách Bắc Kinh đưa ra từ tháng 5/2013 và giới quân sự Trung Quốc đang cân nhắc thời điểm thực hiện. Theo một số nguồn tin khác, vào tháng 11/2013, khi giới lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc cân nhắc vấn đề thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông cũng chính là thời điểm Bắc Kinh đã đưa ra quyết định về việc tỉnh Hải Nam ban hành “pháp lệnh” phi pháp quản lý trị an, cho phép Cơ quan an ninh biên giới của Sở Công an tỉnh khám xét, bắt giữ và trục xuất tàu bè nước ngoài “xâm nhập phi pháp” trên Biển Đông (từ 1/1/2013) và cấm hoạt động đánh bắt cá của các nước khác trong khu vực tranh chấp trên Biển Ðông.
Quyết định ngang ngược của phía Trung Quốc đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận khu vực và thế giới.
Tại lễ kỉ niệm lần thứ 40 quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản, một tuyên bố chung được đưa ra chỉ nhắc gián tiếp tới hành động của Trung Quốc về vấn đề ADIZ. Tuyên bố chung khẳng định ASEAN và Nhật Bản “nhất trí thúc đẩy hợp tác trong việc đảm bảo tự do bay và an toàn hàng không dân sự, tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận”.
Ngày 30/1, một quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Evan Medeiros cho biết Mỹ đã đề nghị Trung Quốc không thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nữa ở châu Á, cảnh báo động thái đó sẽ khiến quân đội Mỹ thay đổi tình thế của Washington trong khu vực. Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng Kyodo, ông Medeiros nêu rõ: “Chúng tôi phản đối Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở những khu vực khác, trong đó có Biển Hoa Nam (Biển Đông). Chúng tôi đã làm rõ với phía Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ coi đó (việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông) là diễn biến khiêu khích và gây bất ổn, sẽ dẫn đến những thay đổi về sự hiện diện và tình thế quân sự của chúng tôi trong khu vực”.
Ông Medeiros đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ sẽ nỗ lực hơn để bắt tay với Trung Quốc và dẫn dắt quá trình quyết sách trong các vấn đề quốc tế dưới một khuôn khổ của cái gọi là G-2.
Tuyên bố như vậy của một quan chức cấp cao thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện Mỹ không tán thành hành động của Bắc Kinh trong vấn đề liên quan.
Ông Loh Ming Hui cho rằng tuyên bố ADIZ đơn phương của Trung Quốc đã làm chấn động Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Australia. Tất cả đều chỉ trích hoặc thể hiện sự không hài lòng với động thái được nhìn nhận rộng rãi là “đổ dầu vào lửa” ở một khu vực Đông Á vốn đầy rẫy bất ổn. Cách thức Bắc Kinh tuyên bố ADIZ đã khiến nhiều nước trong khu vực trở nên khó chịu với Trung Quốc, khi Bắc Kinh không hề tham vấn bất kì quốc gia láng giềng nào hay Mỹ. Điều này xác nhận năng lực và sự sẵn sàng hành động độc lập và đơn phương của Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích riêng, đặc biệt ở sân trước của mình.
Phải chăng với tuyên bố ngày 1/2 về Biển Đông, Trung Quốc do chịu sức ép quốc tế mà phải thay đổi thái độ dẫn đến việc lùi một bước? Người ta nhớ lại rằng vào lúc tuyên bố ADIZ tại biển Hoa Đông, người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng tuyên bố: “Trung Quốc sẽ thiết lập các ADIZ khác ở thời điểm thích hợp sau khi các biện pháp chuẩn bị cần thiết hoàn tất”. Đại sứ Trung Quốc tại Manila cũng có tuyên bố tương tự. Phía Trung Quốc còn cho biết Bắc Kinh cũng không loại trừ một ADIZ ở Biển Đông khi giải quyết xong tranh chấp biên giới Ấn-Trung. 3 ngày sau tuyên bố về ADIZ trên biển Hoa Đông, Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông tập trận và tập cập cảng Tam Á. Tất cả thông tin dường như đều cho thấy Trung Quốc hướng đến việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.
Về phía các nước liên quan trực tiếp Biển Đông, không có một nước nào tin vào những lời lẽ và hành động xoa dịu kiểu “vừa đấm vừa xoa” của phía Trung Quốc. Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật quen thuộc “3 bước tiến, 2 bước lùi”; mỗi lần các hành động của họ gặp sự phản ứng mạnh của quốc tế, họ tạm lùi nhưng rút cục họ đã đạt được một bước tiến trong tiến trình bành trướng kiểm soát Biển Đông. Lần này, họ đưa ra “pháp lệnh” cấm tàu thuyền ra vào, cấm đánh bắt cá chính là đã lấn tới một bước nghiêm trọng. Và bước đó trực tiếp liên quan đến Việt Nam, cấm đoán và gây hấn với ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam./.
Người Bình Luận - ToQuoc.gov.vn
Comments[ 0 ]
Post a Comment