Châu Á nhộn nhịp với “xoay trục”
Tuesday, February 4, 2014
Chưa bao giờ châu Á – Thái Bình Dương lại nhộn nhịp với chính sách “xoay trục” trở lại của các cường quốc thế giới như năm 2013, điều này báo hiệu một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng và lợi ích sẽ quyết liệt trong những năm tới.
Khó khăn về kinh tế, Mỹ vẫn quyết "xoay trục" châu Á
Châu Á – Thái Bình Dương nằm trong vành đai Thái Bình Dương kéo dài từ châu Đại Dương đến Nga, vòng xuống phía Tây châu Mỹ. Đây là khu vực quy tụ ba quốc gia có diện tích lớn nhất (Nga, Trung Quốc, Mỹ), bốn nước đông dân nhất và ba nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) và ba trong số năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Trung Quốc), bảy trên mười cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (Mỹ, Nga, TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc). Chỉ riêng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiếm 54% tổng GDP thế giới, tổng lượng hàng hóa và dịch vụ thương mại chiếm tới 44% thế giới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, châu Á Thái Bình Dương vẫn tăng trưởng nhanh và bền vững, là đầu tầu nền kinh tế thế giới.
Với đặc điểm vị trí địa chính trị và kinh tế đặc biệt như vậy, không khó để lý giải châu Á- Thái Bình Dương có sức hút và tiếp tục trở thành trọng tâm địa chính trị toàn cầu trong năm 2013 và những năm sắp tới. Đó cũng là lý do quan trọng khiến các cường quốc ráo riết “xoay trục” trở lại Thái Bình Dương, ngoài nguyên nhân nhằm “tái cân bằng” một đe dọa… mất cân bằng.
Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn, Đông Nam Á – ASEAN nổi lên là một trục chiến lược, khu vực năng động đồng thời cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa nhiều cường quốc. Vai trò trung tâm của ASEAN đã được ghi nhận qua một số thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, là một nhân tố bảo đảm cho hòa bình và đã trở thành một động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Một Cộng đồng chung ASEAN sẽ được hình thành vào năm 2015 tạo "sân chơi" cho các quốc gia có cam kết chung hướng tới sự phát triển bền vững cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực này.
Trong năm 2013, tất cả các đối tác lớn của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Liên hiệp châu Âu (EU)... đều đang thực hiện các chính sách hướng về châu Á -Thái Bình Dương với quy mô và cường độ mới, phù hợp những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế và khu vực, trong đó dành ưu tiên cao củng cố và thúc đẩy quan hệ với ASEAN, ủng hộ xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm ứng phó các thách thức đang đặt ra.
Năm 2013 có ý nghĩa đáng kể, nhất là khi đánh dấu sự trở lại khu vực của Nhật Bản. Trong một năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm toàn bộ mười nước ASEAN với ưu tiên làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với ASEAN. Nhật Bản khẳng định, ASEAN là đối tác đặc biệt quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trung tâm trong đường lối đối ngoại của nước này. Quan hệ Nhật Bản – ASEAN càng có ý nghĩa hơn khi cả Tokyo và nhiều thành viên của ASEAN đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
Mặc dù gặp khó khăn lớn từ suy thoái kinh tế nhưng Mỹ vẫn khẳng định “xoay trục” rồi “tái cân bằng” châu Á. Tự nhận mình là “quốc gia Thái Bình Dương”, Mỹ đặt vận mệnh mình trong vận mệnh chung của khu vực, khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật, Hàn, thúc đẩy quan hệ với các đối tác ASEAN nhưng cũng đặc biệt chú trọng “xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới” với Trung Quốc.
Gấu Nga sau giấc ngủ đông dài suốt thập kỷ 1990 đã bừng tỉnh hùng dũng vươn vai và khẳng định vị thế của một cường quốc thế giới. Sau những thành công trong hồ sơ Syria, Moscow muốn trở thành nhân vật chính trong cuộc đàm phán khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, tăng cường quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam… Chỉ trong vòng 6 tháng năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bốn cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bối cảnh căng thẳng Trung – Nhật gia tăng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và lãnh đạo Trung, Nhật không một lần “chạm mặt”.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng ráo riết tham gia cuộc đua “hướng đông” với những thông điệp khá rõ ràng. New Delhi khẳng định quan hệ với ASEAN nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng là "hòn đá tảng" trong chính sách hướng đông của Ấn Độ, vốn đã phát triển thành quan hệ đối tác mạnh mẽ, toàn diện và nhiều mặt trong những năm gần đây. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN lúc đầu với trọng tâm là kinh tế, tập trung lĩnh vực thương mại và kết nối, nhưng nay có nội dung chiến lược ngày càng tăng. Hai bên quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu 100 tỷ USD về kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2015.
Pháp, Anh,… và một số nước châu Âu khác cũng ít nhiều “xoay trục” trở lại châu Á với những hợp tác về quân sự, thương mại với các nước trong khu vực: Pháp bán tàu tuần tiễu cho Philippines, Anh cùng với Australia, New Zealand tập trận với Malaysia…
Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, nhưng còn nhiều nhân tố gây mất ổn định, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đảo khiến khu vực này tiếp tục trở thành “điểm nóng” thế giới trong năm 2014. Cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực cũng vì thế mà khốc liệt hơn, vừa là lợi thế cho sự phát triển nhưng cũng là một trong những nhân tô gây mất ổn định khu vực. Đồng thời nó cũng phản ánh xu thế vận động khách quan của thế giới đa cực với sự hợp tác và cạnh tranh giữa các nước diễn ra đa dạng, nhiều tầng nấc và màu sắc khác nhau./.
Hạnh Nhân - ToQuoc.gov.vn
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment